Chiều gần cuối năm, bố mẹ của một người bạn gọi điện nhờ tôi dịch cho hai bác câu chuyện giữa ông bà và những đứa cháu ở nước ngoài. Mẹ các cháu người bản địa, bố người Việt. Bố bận bịu không dạy con tiếng Việt, lãng đi chút thôi mà thời gian trôi vèo: các con đã lớn mà vốn tiếng Việt ít ỏi quá. Cuộc trò chuyện xa xôi khiến ông bà vừa mừng vừa tủi. Nhìn hai đứa cháu một trai một gái nhớn nhao, xinh đẹp, thấy vui. Nhưng những ề à mắng yêu nựng nịu của bà, những hỏi han nghiêm nghị của ông - tất cả đều đã được cắt ngắn gọn đi qua phiên dịch viên bất đắc dĩ là tôi, dù thông tin được đảm bảo chuyển tải đầy đủ. “Tủi quá cháu ạ! Rồi đây chúng nó lấy vợ lấy chồng thì chắc chắn các bác không còn liên quan gì đến cuộc sống của chúng nữa rồi!”
Nỗi lòng của ông bà Việt thấy mất mát, xa cách với cháu nội cháu ngoại, thật sự không phải là một câu chuyện hiếm, và cũng không mới. Ngay cả với các phụ huynh, những chia sẻ về cuộc đời - một cảm xúc, một chạnh lòng, một linh cảm, một quyến luyến, một ngậm ngùi…- bằng tiếng Việt với con cũng dần trở nên ít ỏi và khó nhọc. Vốn từ không đủ, cảm giác về ngôn ngữ không đủ để diễn giải những gần gũi về tâm hồn.
Trẻ em Việt Nam ở Stuttgart và các thành phố lân cận tương tác với các “phù thủy” bằng tiếng Việt tại Trại Mùa thu do Hội người Việt ở Stuttgart phối hợp với CLB Đọc sách cùng con (Hà Nội) tổ chức năm 2018. Ảnh: TGCC
Bố mẹ muốn nhưng con chưa muốn
Tôi có hỏi chuyện người bạn tôi, trách nhẹ anh rằng sao không dạy con tiếng Việt. Nghe anh phân bua tôi mới hiểu, biết bao rào cản khiến dù muốn, dù cố gắng đến mấy, học tiếng Việt vẫn là “nhiệm vụ bất khả thi” đối với nhiều gia đình Việt ở nước ngoài.
Trước hết, đó là… nhu cầu của đứa con. Mong muốn chính đáng của bố mẹ (muốn con học tiếng Việt, giao tiếp bằng tiếng Việt) không phải lúc nào cũng trùng khớp với nhu cầu học của trẻ em và thanh thiếu niên Việt kiều. Thời lượng tiếp xúc với tiếng Việt của các em không nhiều, các em lại sinh ra, lớn lên ở nước ngoài và hoàn toàn hòa nhập với văn hóa bản địa, từ đó xuất hiện tâm lý học đối phó hoặc miễn cưỡng.
Thái độ của các phụ huynh đối với việc học tiếng Việt của con cũng nằm ở hai thái cực. Một là quá sốt sắng dẫn đến ép buộc, thiếu phương pháp gợi mở khiến con trở nên sợ, ngại nói tiếng Việt. Hoặc ở chiều ngược lại, các phụ huynh có tâm lý “buông xuôi”, chấp nhận việc con chỉ coi tiếng Việt là tiếng của cha mẹ, ông bà chứ không còn là “của mình”.
Với những địa phương có ít người Việt và sống không tập trung về mặt địa lý thì các bố mẹ cũng gặp lúng túng trong việc dạy con tiếng Việt ở nhà. Với lứa tuổi tiền tiểu học và tiểu học, bố mẹ còn có những ảnh hưởng nhất định. Khi trẻ lớn hơn, không nhiều gia đình duy trì được việc học tiếng Việt của con em mình.
Các cơ sở, trung tâm, trường, nhóm lớp dạy tiếng Việt ở nước ngoài, dù đã rất cố gắng và có nhiều sáng kiến để bền bỉ duy trì các lớp học thì vẫn luôn đối mặt với những vấn đề về giáo trình, người dạy, phương pháp. Chưa có một phương pháp nào được xác lập với sự nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu, mong muốn, khó khăn của người học, đặt người học ở vị trí trung tâm để tìm một hướng tiếp cận đúng.
Các nhóm lớp học tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài nếu phân loại theo trình độ ngôn ngữ sẽ vấp phải khó khăn về sự không đồng đều về lứa tuổi và nhận thức xã hội, rất khó tổ chức hoạt động học chung trên cùng một ngữ liệu nếu không được thiết kế phù hợp. Ngược lại, nếu phân loại theo lứa tuổi thì trình độ ngôn ngữ lại chênh lệch, cũng là một rào cản lớn đối với công việc của các thầy cô.
Trong quá trình học tiếng Việt, thách thức lớn nhất là hỗ trợ các em hình thành động lực học. Ở các cấp độ đầu tiên, nếu người dạy quá chú trọng việc nhận mặt chữ, luyện âm, vần, ghép từ, tô chữ… mà không quan tâm tổ chức hoạt động sư phạm sẽ tạo tâm lý buồn chán cho người học. Vì thế, phương pháp dạy tiếng Việt cho đối tượng này phải dựa trên nguyên tắc “Tạo động lực” – hỗ trợ người học nảy sinh nhu cầu học tự thân, từ đó sẵn sàng tham gia các hoạt động học và tìm kiếm thêm các ngữ liệu mới mẻ bên ngoài, không chỉ chăm chăm phụ thuộc vào một bộ sách nào đó.
Nghiên cứu một số bộ giáo khoa tiếng Việt cho người nước ngoài gần đây, tôi nhận thấy, ở các bộ dành cho trẻ em, nguyên tắc “tạo động lực” đang vắng thiếu. Người biên soạn mặc định việc “phải học” để thiết kế bài học. Vì thế, sách có kiến thức mà thiếu các nhiệm vụ, hoạt động học phù hợp với tâm lý trẻ, giúp tạo niềm vui học và nảy sinh nhu cầu tiếp tục học.
Người học tiếp cận tiếng Việt như tiếp cận một ngoại ngữ nhưng lại có hậu thuẫn hoặc có thể gọi là “môi trường ngôn ngữ nhỏ” - chính là một hoặc một vài người thân nói tiếng Việt, cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Các cuốn SGK chưa khai thác được môi trường này như một không gian văn hóa bao bọc đứa trẻ, phục vụ cho việc học.
Chơi hay học?
Trong một buổi tọa đàm về phương pháp dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, tôi thị phạm trò chơi “Con thỏ ăn cỏ…” mà tôi vẫn chơi với các em trong quá trình học. Thống nhất với các em: chụm các ngón tay của bàn tay phải đưa ra trước và nói “con thỏ” - danh từ; đưa vào miệng nói “ăn cỏ”, đưa lên đầu nói “ rồi đi chơi”, đưa vào tai nói: “và đi về hang” - động từ. Đó là cách diễn tả một module ngữ pháp bằng động tác cơ thể, một thế mạnh của trẻ em. Và cứ như vậy, chúng tôi thay các danh từ vào chỗ “con thỏ”, các động từ được lắp phù hợp theo các động tác. Các bạn nhỏ rất hào hứng tham gia, cùng nhau nghĩ trước, viết ra, cố thuộc các danh từ, động từ ấy để đến lượt mình thực hiện nhanh nhẹn. Trên hết là, các em cười khúc khích. Niềm vui tiếng Việt bắt đầu ngấm vào các em qua những hoạt động học như thế. Ấy vậy mà một thầy giáo nhận xét: “Đấy chỉ là chơi thôi. Học thì phải khác chứ!”. Tôi hiểu rằng, các thầy cô vẫn băn khoăn đặt nặng câu chuyện kiến thức mà coi nhẹ định hướng năng lực. Các buổi tập huấn, tọa đàm vẫn xoay quanh nội dung dạy, dạy sao cho đúng kiến thức tiếng Việt, nghe trình bày về cái hay cái đẹp của tiếng Việt, văn hóa Việt mà ít đề cập đến phương pháp và kỹ thuật tổ chức hoạt động học.
Nhân đây, tôi xin chia sẻ với các thầy cô dạy tiếng Việt ở nước ngoài đôi chút về phương pháp dạy tiếng Việt bằng cách tổ chức hoạt động học. Trong đó, tôi muốn nhấn mạnh rằng, phương pháp tiếp cận trẻ thông qua trò chơi, nhiệm vụ cụ thể sẽ giúp học sinh có mong muốn sử dụng tiếng Việt như một thứ tiếng có cảm xúc, sinh động trong cuộc sống.
Tạo cảm xúc tiếng Việt: Chúng tôi tiết chế lượng kiến thức về ngôn ngữ trong cấp độ đầu tiên, cho phép các em dùng ngôn ngữ thứ nhất để chia sẻ cảm xúc khi học tiếng Việt. Chúng tôi sử dụng động tác cơ thể, âm nhạc và giáo cụ trực quan để giúp các em phân biệt thanh điệu.
Một cách khác nữa để đưa tiếng Việt đến gần hơn với cuộc sống của các em là tổ chức các hoạt động yêu thích của người học trong sự diễn giải bằng tiếng Việt: lễ hội Halloween; các cuộc thi vẽ; nhảy múa; các bữa tiệc vui; làm thủ công, khâu vá, nấu bếp; hoạt động STEM, STEAM… và đặc biệt là tổ chức trại hè, trại thu, trại đông để các em mỗi năm có những khoảng thời gian được tắm mình trong tiếng Việt với thời lượng đậm đặc hơn, cảm xúc được đẩy mạnh và tạo một cộng đồng thân thiết để chia sẻ.
Sử dụng các ngữ liệu được lựa chọn từ ngôn ngữ và văn hóa bản địa: những bài thơ, câu chuyện, vở kịch, bức tranh, bài hát… đều có thể là chủ đề để chia sẻ bằng tiếng Việt. Mời các nhân vật đặc biệt (nhà thơ, đạo diễn, dịch giả, họa sĩ, nghệ sĩ nước bản địa….) đến giao lưu và các em lần lượt đóng vai trò người phiên dịch.
Thiết kế kể chuyện, đọc thơ và diễn tiểu phẩm tương tác, tạo cơ hội tham gia và sáng tạo cho các bạn trẻ: Học sinh thực hiện các thao tác nghe, nói, đọc, đoán từ, diễn tả từ bằng ngôn ngữ cơ thể và sáng tạo cái kết cho câu chuyện cổ tích, tiểu phẩm…
Học từ cùng các ca khúc tiếng Việt với phương pháp “màn hình karaoke” vui nhộn bằng bìa màu, hát theo từ khóa quan trọng chứ không phải đọc lời cả bài hát. Quá trình nhớ lời bài hát với gợi ý là các động tác cơ thể cũng là quá trình tăng vốn từ và học cấu trúc ngữ pháp.
Và học tiếng Việt thông qua các môn nghệ thuật như múa, hát, vẽ, đàn…
Một nhóm-lớp học tiếng Việt không nhất thiết giữ nguyên cách phân nhóm lớp suốt cả năm học mà thay đổi linh hoạt. Lúc thì chia nhóm học theo trình độ bằng nhau nhưng lứa tuổi khác nhau. Bấy giờ, cần thiết kế các bài tập, dự án sao cho lứa tuổi nào cũng có nhiệm vụ phù hợp. Nhóm học sẽ phân công nhau thực hiện, có sự chia sẻ, hỗ trợ giữa các em. Với một số nội dung khác, giáo viên chia lại nhóm theo lứa tuổi để có mối quan tâm chung nhưng trình độ ngôn ngữ có sự chênh lệch. Khi trả bài, học sinh có trình độ tiếng Việt khá hơn sẽ giúp đỡ học sinh có trình độ thấp hơn bằng cách kết đôi, kết ba trong nhóm hoạt động.
Tôn vinh tiếng Việt
Gần đây, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự thảo Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhằm khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ, học tập và gìn giữ tiếng Việt. Thật là một thông tin đáng mừng. Có một ngày để hướng tới, để cổ vũ câu chuyện tiếng Việt ở nước ngoài, hẳn chúng ta sẽ có thêm nhiều cá nhân và đoàn thể chăm sóc đến tiếng Việt cho thế hệ người Việt trẻ. Tuy nhiên, tôi cũng mong rằng, câu chuyện tiếng Việt cho trẻ em Việt kiều phải được quan tâm một cách “thức thời” hơn, nghĩa là chú trọng phương pháp hơn là các nội dung rình rang, nhiều việc mà việc giữ gìn cảm xúc rung động với tiếng Việt không đạt hiệu quả như mong muốn.
Câu chuyện tiếng Việt cho trẻ em Việt kiều phải được quan tâm một cách “thức thời” hơn, nghĩa là chú trọng phương pháp hơn là các nội dung rình rang, nhiều việc mà việc giữ gìn cảm xúc rung động với tiếng Việt không đạt hiệu quả như mong muốn. |
Nguyễn Thụy Anh
Link nội dung: https://pld.net.vn/tieng-viet-noi-xa-xu-a6164.html