Thuật ngữ “Lithophone” là từ ghép giữa hai từ “lithos” (đá) và “phone” (âm thanh) trong tiếng Hy Lạp. Vì vậy, chúng ta có thể hiểu Lithophone là “hòn đá tạo ra âm thanh”. Ngày nay, từ này được dùng để chỉ một loại nhạc cụ làm bằng đá. Các nhà khảo cổ đã phát hiện nhạc cụ Lithophone ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Con người đã biết cách sử dụng chúng từ 4.000 đến 10.000 năm trước.
Nhìn chung, nhạc cụ Lithophone bao gồm một số phiến đá với nhiều kích thước. Khi người chơi gõ vào những phiến đá này, chúng sẽ phát ra các âm thanh có mức độ trầm bổng khác nhau. Vì vậy, Lithophone có thể được coi là một nhạc cụ thuộc bộ gõ và người ta thường so sánh nó với đàn phiến gỗ (mộc cầm).
Đàn đá tại Việt Nam
Tại Việt Nam, nhạc cụ Lithophone còn có tên gọi khác là Đàn đá. Năm 2005, UNESCO đã xếp Đàn đá vào danh sách các nhạc cụ trong “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.
Vào tháng 2/1949, một nhóm thợ làm đường ở khu vực Tây Nguyên đã phát hiện chiếc Đàn đá đầu tiên tại làng Ndut Lieng Krak, tỉnh Đắk Lắk, có niên đại từ ba đến năm nghìn năm. Đàn đá này là một tập hợp gồm 11 phiến đá lớn gần như còn nguyên vẹn, đứng gần nhau theo phương thẳng đứng. Chúng có kích thước khác nhau, dài từ 65 đến 110cm và có dấu hiệu bị đục đẽo.
“Những phiến đá này đảm nhiệm một chức năng cụ thể và mang một ý nghĩa lịch sử nào đó”, Georges Condiminas, nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp, cho biết.
Condiminas khi đó đang sống và làm việc ở một ngôi làng gần nơi nhóm thợ làm đường phát hiện các phiến đá. Sau khi nghe tin tức, ông đã xin phép những người địa phương [thuộc dân tộc M’nông] mang các hiện vật về Paris để nghiên cứu thêm. Yêu cầu này cuối cùng được chấp nhận và ông đã vận chuyển những khối đá tới Bảo tàng Con người (Musée de l’Homme) ở Paris, Pháp.
Trong quá trình kiểm tra, Condiminas vô tình đập vào một trong những phiến đá và nhận thấy nó phát ra âm thanh. André Schaeffner – một nhà nghiên cứu âm nhạc – suy đoán đây là dấu tích còn sót lại của một loại nhạc cụ cổ xưa. Schaeffner phát hiện những dấu vết công cụ gọt đẽo trên đá để tạo hình. Khi ông dùng búa gõ vào những phiến đá, chúng tạo ra các nốt nhạc trầm bổng khác nhau.
Các khám phá tương tự về Đàn đá thời tiền sử ở Việt Nam diễn ra liên tục trong những thập kỷ sau đó. Địa điểm phát hiện chủ yếu nằm ở vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Vào cuối những năm 1980, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy tổng cộng khoảng 200 thanh Đàn đá nằm rải rác ở các tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng và Phú Yên. Trong đó, bộ đàn đá lớn nhất được phát hiện ở tỉnh Lâm Đồng (Tây Nguyên) vào năm 2003.
Các phát hiện khảo cổ này cho thấy Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ là những vùng đất có lịch sử văn hóa cổ xưa, và Đàn đá là một sản phẩm văn hóa độc đáo của cư dân nơi đây thời tiền sử.
Bằng những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, những tri thức âm nhạc nguyên sơ cùng với tinh thần làm việc nghiêm túc, các nghệ nhân Đàn đá cổ xưa đã tạo nên những kiệt tác nghệ thuật trong âm nhạc thời nguyên thủy, đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa và tinh thần của một số dân tộc ở Việt Nam.
Cấu tạo Đàn đá
Đàn đá được làm bằng các phiến đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau. Phiến đá dài, to, dày có âm vực trầm trong khi phiến đá ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng sẽ thanh và trong.
Người xưa sử dụng những loại đá có sẵn ở địa phương để chế tạo đàn đá, trong đó chủ yếu là đá núi lửa hoặc đá phiến biến chất. Đá dùng làm đàn không quá mềm cũng không quá cứng, thuận lợi cho việc ghè đẽo nhưng cũng đạt tiêu chí về âm vang (không như đá thông thường khi gõ vào chỉ phát ra tạp âm).
Đối với một số dân tộc ở Tây Nguyên, các phiến đá rất linh thiêng và chúng được gìn giữ như một bảo vật của gia đình. Họ chỉ chơi nhạc cụ này trong các buổi lễ lớn, chẳng hạn như lễ cúng thần linh, lễ mừng lúa mới, mừng được mùa,....Người M’nông xưa quan niệm rằng, thanh âm của đàn đá là sợi dây linh thiêng, là phương tiện để kết nối giữa con người với trời đất và thần linh, giữa quá khứ với hiện tại và hướng con người đến những điều tốt đẹp trong tương lai.
Tuy nhiên, dân tộc Raglai không sử dụng Lithophone như một nhạc cụ. Thay vào đó, họ sử dụng những viên đá vào mục đích bảo vệ mùa màng. Âm thanh do các phiến đá tạo ra có thể giúp xua đuổi thú dữ và các loài động vật khác đi kiếm ăn trên cánh đồng. Người Raglai thường treo những viên đá trên một khung tre, biến Lithophone thành một loại chuông gió. Đôi khi họ treo những viên đá trên một con suối, với một chiếc búa gắn vào guồng nước. Dòng suối sẽ làm cho búa đập vào đá, phát ra âm thanh khiến những động vật phá hoại mùa màng sợ hãi.
Sự hồi sinh của nghệ thuật Đàn đá
Mặc dù Đàn đá không giữ vị trí then chốt trong nền âm nhạc truyền thống của đất nước và ít thịnh hành, nhưng du khách đến thăm Việt Nam có thể thưởng thức các màn trình diễn Đàn đá của các nhóm nhạc dân tộc. Một số nhạc sĩ thậm chí đã xây dựng các phiên bản hiện đại của Đàn đá, cũng như kết hợp Đàn đá với các giai điệu và phong cách trình diễn mới có tiết tấu nhanh và du dương hơn.
“Họ đang tạo ra một sự hồi sinh mạnh mẽ của nghệ thuật Đàn đá. Ngày nay, chúng ta có thể mua Đàn đá trên khắp các cửa hàng nhạc cụ trên toàn quốc”, Mike Adcock, một nhạc sĩ đã dành nhiều năm để nghiên cứu Đàn đá ở Việt Nam, cho biết.
Nguồn bài và ảnh: Ancient Origins
Quốc Hùng
Link nội dung: https://pld.net.vn/dan-da-nhac-cu-go-co-xua-cua-viet-nam-a6205.html