Giá xăng dầu 'leo thang,' cước vận tải liệu có điều chỉnh tăng?

Nhiều doanh nghiệp vận tải đang nghe ngóng, kỳ tới nếu xăng dầu tiếp tục tăng sẽ phải điều chỉnh giá cước để bù chi phí hoạt động.

xe-khach_2304082518

 Các doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn khi lượng khách sụt giảm và giá xăng dầu tăng cao. (Ảnh minh họa)

Giá xăng dầu tăng mạnh đã tác động trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải khách và nhiều đơn vị vẫn đang nghe ngóng, tính toán để chiều chỉnh cơ cấu giá thành vận tải.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng giám đốc taxi Nguyên Minh, xăng dầu chiếm 35-40% giá thành vận tải. Khi xăng dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước vận tải. Nhiều doanh nghiệp vận tải đang nghe ngóng, kỳ tới xăng dầu tiếp tục tăng sẽ phải điều chỉnh giá cước.

Tuy nhiên, ông Minh cũng bày tỏ lo lắng, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, lượng khách sụt giảm nhiều, có chuyến vài 3 khách nên doanh thu lỗ. Doanh nghiệp đang “tiến thoái lưỡng nan” chưa biết chọn đường nào để tồn tại. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ phải tăng giá vé để bù chi phí.

Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Công ty Taxi Mai Linh miền Bắc cho hay, dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực. Giá xăng dầu tăng càng khiến lái xe mất thêm thu nhập, ngại việc và bỏ việc.

“Nếu giá xăng dầu vẫn giữ nguyên, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cước. Điều này sẽ khiến khách sụt giảm mạnh hơn,” ông Hùng than thở.

Là đơn vị chạy tuyến cố định, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) cho rằng, số xe của đơn vị mới hoạt động được 30% lượng phương tiện dù hoạt động du lịch, đi lại đang từng bước khôi phục.

“Giá nhiên liệu tăng liên tục càng làm đơn vị vận tải khó khăn hơn. Nếu doanh nghiệp vận tải tăng giá là không chia sẻ với người dân, không phù hợp với tình hình hiện tại, trong khi giá nhiên liệu không ngừng leo thang," ông Bằng nói.

Đại diện một nhà xe chạy tuyến Hà Nội-Lào Cai cho rằng, giá xăng dầu tăng tác động rất lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, khó khăn thêm chồng chất. Lượng khách hiện chưa nhiều, nhưng để bù chi phí doanh nghiệp đang phải tính đến phương án tăng giá vé.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hôi Vận tải ôtô Việt Nam cho hay, chi phí nhiên liệu hiện chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá thành vận tải. Nhà nước hiện không quản lý giá cước vận tải mà để doanh nghiệp tự quyết định, không loại trừ khi tăng giá nhiên liệu, doanh nghiệp sẽ tăng giá cước để cân đối thu chi.

“Khi mặt bằng giá cước mới sẽ tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách sau đại dịch và người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc tăng giá này," ông Quyền nhìn nhận.

Đưa ra con số mức thu loại thuế bảo vệ môi trường thu qua xăng dầu đang khá lớn từ 3.800-4.000 đồng/lít, ông Quyền kiến nghị Nhà nước cần xem xét điều chỉnh giảm loại thuế này, qua đó sẽ giảm được giá loại nhiên liệu. Đây là giải pháp cấp thiết hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, rà soát biến động chi phí đầu vào đối với các dịch vụ do Bộ quản lý, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh, báo cáo Bộ báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá quyết định trên cơ sở kiểm soát lạm phát./.

Từ 15 giờ ngày 11/2, xăng E5 RON92 tăng 976 đồng, giá trần là 24.571 đồng/lít; xăng RON95-III là 25.322 đồng/lít (tăng 962 đồng).

Ngoài ra, dầu diesel 0.05S có giá trần là 19.865 đồng/lít (tăng 962 đồng); dầu hỏa là 18.751 đồng/lít (tăng 958 đồng); dầu mazút 180CST 3.5S lên mức mới là 17.659 đồng/kg (tăng 666 đồng/kg).

Link nội dung: https://pld.net.vn/gia-xang-dau-leo-thang-cuoc-van-tai-lieu-co-dieu-chinh-tang-a6227.html