Đó là một trong số những vướng mắc, khó khăn được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu ra sau 10 ngày triển khai đưa học sinh quay trở lại trường học tập trực tiếp. Tại cuộc họp trực tuyến về tình hình mở cửa trường học tại các địa phương vào ngày 17/2, Bộ trưởng cũng cho biết một số địa phương còn có quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp. Các địa phương cần “xây dựng kế hoạch nhất quán đối với việc đưa trẻ mầm non, học sinh đến trường đảm bảo an toàn.”
Bên cạnh đó, nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch; nhiều trường thiếu kinh phí cho việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo và vệ sinh khử khuẩn.
Đặc biệt, quy trình xử lý tại các cơ sở giáo dục khi phát hiện các trường hợp học sinh F0, F1 tại gia đình hoặc trường học chưa thống nhất, còn lúng túng. Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Cá biệt, đã có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp.
Ngoài ra, khi tổ chức đưa học sinh đi học trực tiếp trở lại, có địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệp COVID-19, phần lớn kinh phí do phụ huynh chi trả, gây phản ứng trái chiều trong cộng đồng phụ huynh. Do đó, “Bộ Y tế cần xem xét, điều chỉnh về thời gian cách ly và số lần xét nghiệm, ban hành hướng dẫn và thống nhất với địa phương về việc xét nghiệm sàng lọc cho học sinh khi tới lớp” - ông Nguyễn Kim Sơn đề xuất.
Có mặt tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế đã có hướng dẫn số 11042, quy định thời gian cách ly với F1 là 14 ngày. Tuy nhiên, ngày 16/1 quy định này đã được điều chỉnh, thời gian cách ly với F1 giảm còn 7 ngày với những người đã tiêm chủng vaccine. F1 là trẻ từ 5 đến 11 tuổi chưa được tiêm vaccine cũng cho nghỉ tại nhà, thời gian không quá 14 ngày, theo dõi kỹ các biểu hiện, xét nghiệm lại vào ngày thứ 7 và 13.
Về việc xét nghiệm sàng lọc trước khi đến lớp, ông khẳng định các trường "không nên có quy định mọi học sinh phải xét nghiệm trước khi đến trường", chỉ xét nghiệm với những trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm hoặc dấu hiệu dịch tễ tiếp xúc với F0.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn về điều kiện bảo đảm an toàn khi nhà trường tổ chức ăn bán trú, cũng như sớm cập nhật và phổ biến hướng dẫn chăm sóc trẻ là F0 tại nhà.
Hà Nội: Học sinh tiểu học và lớp 6 chưa đi học từ ngày 21/2 Trước đó, 63 tỉnh thành đã ban hành phương án mở cửa trường học từ ngày 21/02/2022 như sau: - Cấp mầm non: 59/63 tỉnh, thành phố cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp. Còn 04 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, An Giang có kế hoạch cho trẻ em mầm non đi học trong tháng 02 nhưng chưa xác định được thời gian cụ thể (riêng tỉnh Tiền Giang cho trẻ em mầm non 5 tuổi đi học trực tiếp từ ngày 21/2/2022, và trẻ em dưới 5 tuổi đi học trực tiếp từ ngày 24/2/2022). - Cấp tiểu học: 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học học trực tiếp, (riêng tỉnh Tiền Giang cho học sinh khối lớp 1,2,5 học trực tiếp từ ngày 21/2/2022 các khối lớp 3,4 học trực tiếp từ ngày 24/2/2022). - Cấp trung học cơ sở: 63/63 tỉnh, thành phố cho 100% học sinh đi học trực tiếp. - Cấp trung học phổ thông: 63/63 tỉnh, thành phố duy trì học trực tiếp. |
Nguồn:
Mở cửa trường học an toàn, linh hoạt, thống nhất trong cả nước (Trung tâm Truyền thông Giáo dục)
Bộ Y tế tập huấn hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19
Link nội dung: https://pld.net.vn/bo-gd-dt-phat-sinh-kho-khan-khi-hoc-sinh-quay-tro-lai-truong-hoc-tap-truc-tiep-a6234.html