Theo số liệu của Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sẽ có khoảng 6,9 tỷ reais (1,27 tỷ USD) cho các khoản đầu tư trong năm nay, tăng 110% so với năm 2021.
Bước chuyển này là thành quả của các nhà khoa học trong Quốc hội sau một quá trình vận động hành lang ráo riết nhằm chấm dứt tình trạng đóng băng nguồn tài trợ chính - sẽ giúp hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như xây dựng phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 đầu tiên của Brazil nhằm nghiên cứu về virus độc lực cao, có thể gây chết người — và việc mở rộng Sirius, máy gia tốc hạt mới của Brazil ở Campinas. Thiết bị này sẽ là nguồn sáng synchrotron tiên tiến nhất trên thế giới. Thiết bị có thể phân tích các hạt ở cấp độ nguyên tử. Dù Sirius đã hoạt động từ năm 2020 nhưng đến nay chỉ mới có sáu trong số 14 trạm nghiên cứu dự kiến đã hoàn thành. (Phòng thí nghiệm an toàn sinh học sẽ được xây dựng bên cạnh Sirius tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Vật liệu Brazil ở Campinas).
“Ngân sách năm 2022 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong đầu tư công vào khoa học và công nghệ, nó sẽ mang lại những chân trời mới và lợi ích lâu dài cho cộng đồng khoa học”, Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới, do cựu phi hành gia Marcos Pontes đứng đầu, viết trong một email gửi đến Science .
Nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thể ăn mừng. Ngân sách dù gia tăng nhưng vẫn không thể bù đắp cho những tổn thất mà cuộc cắt giảm ngân sách mạnh tay bắt đầu vào năm 2015 gây ra, và những bất ổn chính trị trong tương lai có thể đồng nghĩa với việc khoản tiền sẽ không bao giờ thành hiện thực. Glauco Arbix, chuyên gia chính sách khoa học tại cơ sở chính của Đại học São Paulo, người từng tổ chức các cuộc họp của chính phủ trong hai chính quyền trước đây, cho biết ngân sách liên bang như “một mê cung” với nhiều cửa bẫy và lối đi ẩn khuất nên “có rất nhiều lý do để chúng tôi phải cảnh giác”.
Nếu số tiền mới được thông qua, nó sẽ cung cấp “chút oxy cho một bệnh nhân đang hấp hối”, nhà dược học Soraya Soubhi Smaili, cựu hiệu trưởng Đại học Liên bang São Paulo, ví von và lưu ý, ngay cả khi ngân sách tăng lên, khoản tiền mà các cơ quan trọng yếu chuyên hỗ trợ cho nhà khoa học và trường đại học nhận được vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước năm 2015.
Nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu ở Brazil thường xuyên phải hứng chịu cảnh bị cắt giảm kinh phí. Theo nhà kinh tế Fernanda De Negri của Viện Nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng Brazil, nếu tính cả lạm phát, tổng đầu tư vào R&D của chính phủ liên bang Brazil đã giảm 37% từ năm 2013 đến năm 2020, ngay cả khi cộng đồng khoa học của nước này vẫn đang phát triển và tiến bộ.
Hoài nghi xen lẫn lạc quan
Khoản tiền bổ sung đầy hứa hẹn đến từ Quỹ Quốc gia về Phát triển Khoa học và Công nghệ (FNDCT), một quỹ đặc biệt dành cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo công nghiệp. Mỗi năm, một phần quỹ từ FNDCT được trích vào ngân sách khoa học. Nhưng các vấn đề chính trị khiến nó hầu như bị đóng băng và chỉ được phân bổ khi Quốc hội thông qua một đạo luật vào đầu năm 2021 nhằm buộc chính phủ phải ‘giải phóng’ số tiền của quỹ.
Tuy nhiên, các nhà khoa học nghi ngờ về việc Tổng thống Jair Bolsonaro sẵn sàng ‘thả’ số tiền ấy vào tay họ. Vào năm ngoái, ông đã phủ quyết dự luật và giữ lại hơn 2,6 tỷ reais trong quỹ FNDCT, ngay cả sau khi Quốc hội đã hủy quyền phủ quyết của ông. Arbix nói: "Có tiền trong ngân sách không đồng nghĩa với việc ta được tiêu nó". Lý do duy nhất khiến chính phủ đưa số tiền đó vào ngân sách “là vì luật pháp buộc phải làm như vậy”, nhà vật lý Ildeu Moreira, cựu chủ tịch Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Brazil (SBPC) và là giáo sư tại Đại học Liên bang tại Rio de Janeiro, cho biết thêm. Ông là nhân tố quan trọng giúp dự luật bảo vệ FNDCT được Quốc hội thông qua. “Đó là một chiến thắng xứng đáng để ăn mừng”.
Mặc dù Bộ Khoa học mới là đơn vị chủ quản phụ trách ngân sách của FNDCT, nhưng việc chi tiêu ngân sách như thế nào lại tùy thuộc vào một hội đồng lớn bao gồm nhiều cơ quan chính phủ và các Bộ. Dưới thời chính quyền Bolsonaro, các Bộ ban ngành hầu hết đều phớt lờ các nhà khoa học. Phần ngân sách được tự do sử dụng của Bộ (không tính FNDCT) là 2,3 tỷ reais, tăng nhẹ so với năm 2021.
Hội đồng Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (CNPq), cơ quan tài trợ hàng đầu của Brazil, cũng phụ thuộc nhiều vào quỹ FNDCT để có khoản tiền bổ sung vào ngân sách ít ỏi dành cho nghiên cứu: 35,5 triệu reais nhưng “rất khó đảm bảo” điều đó, Renato Janine Ribeiro, chủ tịch SBPC và là giáo sư triết học chính trị tại Đại học São Paulo, cho biết. Ông nhớ lại những gì đã xảy ra vào tháng 8/2021: Sau ba năm, kể từ năm 2018, CNPq đã trở lại và kêu gọi các nhà khoa học trên khắp thế giới gửi đơn xin tham gia dự án “Universal Call” - vốn là dự án tài trợ chính cho các nghiên cứu trong những lĩnh vực từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội và nhân văn. Lúc bấy giờ, họ tự tin FNDCT sẽ gửi họ 200 triệu reais. Cuối cùng, họ chỉ nhận được một nửa khoản tiền đó vào cuối tháng 12 - trễ hai tháng so với khoảng thời gian dự định, và rồi phải chịu trách nhiệm trước hơn 30.000 nhà khoa học, những người đã phấn khởi nộp đơn đề xuất tài trợ nghiên cứu khi dự án “Universal Call” được triển khai.
Bất chấp những nỗi nghi ngại, các quan chức chính phủ nhấn mạnh rằng số tiền sẽ đến tay nền khoa học trong năm nay. Hội đồng quản trị FNDCT đã phê duyệt “một kế hoạch đầu tư với hơn 110 dự án đã sẵn sàng thực hiện trong năm nay và sẽ sớm nhận được khoản tiền từ quỹ,” đại diện Bộ Khoa học viết trong email gửi cho Science. “Tạo ra các nguồn lực sẵn có cho nghiên cứu khoa học là một trong những ưu tiên của Bộ.”
Theo Science
Hà Trang dịch
Link nội dung: https://pld.net.vn/ngan-sach-khoa-hoc-brazil-nhung-tin-hieu-khoi-sac-a6237.html