Hậu mắc Covid-19; Khỏi bệnh vẫn chịu nhiều di chứng

Không ít người khi đang mắc Covid-19 không triệu chứng, sức khỏe vẫn bình thường. Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh sức khỏe lại suy giảm, xuất hiện nhiều triệu chứng như: Khó thở nhẹ, hụt hơi, mệt mỏi, chóng mặt, tức ngực, xơ phổi, tổn thương cơ tim, suy thận…

Mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ, hậu Covid-19 biểu hiện nặng

Trên nhiều diễn đàn tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân mắc Covid-19, người đọc thường xuyên bắt gặp những chia sẻ liên quan tới vấn đề về di chứng hậu Covid-19 như: “Mình mới khỏi Covid-19 được 10 ngày, từ 3 ngày trước mình thấy bị nhức mỏi mắt thường xuyên và đau đầu”, “Sau khi khỏi Covid-19, mình thấy mắt bị mờ, giảm thị lực”, “Mình đã âm tính với virus SARS-CoV-2 nhưng vẫn ho húng hắng kéo dài, kèm dịch trắng”, “Tôi thường xuyên bị khó thở, hụt hơi, chỉ cần leo cầu thang hay đi bộ một đoạn là thấy mệt”, “Sau khi khỏi Covid-19 vài tuần, tôi hay thấy bồn chồn, lo lắng, đánh trống ngực, trào ngược dạ dày, rất dễ khóc”…

Tương tự, tại khu vực khám và điều trị bệnh nhân hậu Covid-19 của bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), nhiều người dân chờ khám trong tâm trạng khá lo lắng vì những di chứng sau khi khỏi. Bên cạnh những trường hợp chỉ có triệu chứng nhẹ như thấy người mệt mỏi, đuối sức, ho nhiều sau khi khỏi bệnh, theo BS Lại Văn Hoàn - Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu (bệnh viện Hữu Nghị), một số bệnh nhân khi vào viện đã trong tình trạng rất nặng như suy hô hấp, suy tim toàn bộ, viêm phổi, tắc động mạch, suy thận, rối loạn dinh dưỡng… Trong khi lúc nhiễm Covid-19, bệnh nhân chỉ biểu hiện chỉ ở mức độ nhẹ.

“Với trường hợp này, bác sĩ phải điều trị tích cực, toàn diện cho bệnh nhân cả hồi sức tích cực, dinh dưỡng, tâm lý, phục hồi chức năng. Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân mới phục hồi hơn 80% sức khỏe và chức năng các tạng từng bị tổn thương” - BS Hoàn cho hay.

Cũng theo BS Lại Văn Hoàn, không chỉ người cao tuổi (trên 60 tuổi) có bệnh lý nền, mà cả bệnh nhân cao tuổi không có bệnh lý nền và bệnh nhân trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ, không có triệu chứng sau khi điều trị Covid-19 cũng có thể gặp biến chứng nặng nề ở nhiều hệ cơ quan.

Trong đó, thường gặp nhất là vấn đề về hệ hô hấp, với các triệu chứng khó thở ở mức độ từ nhẹ đến nặng như: Ho kéo dài, đau ngực, giảm chức năng hô hấp (khả năng hít thở, khả năng gắng sức), có thể tiến triển sang tổn thương xơ phổi…Về tim mạch, người bệnh có thể gặp tổn thương cơ tim (viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim); nhịp tim nhanh, hồi hộp đánh trống ngực; khó thở khi gắng sức.

Về sức khỏe tâm thần, người bệnh có thể gặp tai biến mạch máu não, suy giảm nhận thức (sương mù não), trầm cảm, rối loạn lo âu, stress…Về cơ - xương - khớp, có thể có các biểu hiện mệt mỏi, đau mỏi cơ, yếu cơ… Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng như: Suy thận, rối loạn đông máu, đái tháo đường, rối loạn tiêu hóa, dinh dưỡng...

15-164498739320220221220723.7993380

 Bác sĩ bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) khám cho một bệnh nhân tới điều trị hậu Covid-19

Nên kiểm tra sớm để điều trị kịp thời

Nhận định về nguyên nhân dẫn đến triệu chứng như trên, BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy Cao áp (thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng), cho rằng, biểu hiện này có thể là hậu quả viêm toàn thân do Covid-19 “phát tác” sau khi bệnh nhân âm tính, kết hợp tình trạng rối loạn thần kinh thực vật hậu Covid-19. Triệu chứng này có thể kéo dài vài tuần, thậm chí cả tháng.

Theo BS Hoàng, tình trạng viêm có thể đã diễn ra từ khi người bệnh dương tính nhưng không biểu hiện, mà khi âm tính rồi mới phát tác. Ngoài ra, trong giai đoạn cấp khi bị virus tấn công, hệ miễn dịch phải gồng lên để chiến đấu với virus, dẫn tới hậu quả sau đó cơ thể bị kiệt quệ năng lượng. Tình trạng viêm toàn thân lan toả này khiến khả năng trao đổi chất của cơ thể suy giảm.

Ngoài ra, tình trạng rối loạn đông máu ở bệnh nhân vẫn còn. Trên các mạch máu lớn, tình trạng tăng đông có thể gây ra những nguy cơ như đột quỵ, thuyên tắc mạch phổi, nhồi máu cơ tim, tắc mạch chi... còn trên các mạch máu nhỏ, tình trạng tăng đông khiến việc cung cấp máu, oxy cho các cơ quan, tổ chức giảm đi.

Hai vấn đề viêm toàn thân và rối loạn đông máu ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh, gây ra tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật, thiếu máu não. Lúc này khả năng điều chỉnh đường máu, điện giải (như natri, kali, clo, magie...) khiến khả năng co bóp của cơ, khả năng dẫn truyền thần kinh suy giảm, nên bệnh nhân cảm thấy tay chân yếu, sức lực giảm, không còn sung sức như trước...

Sau 3-4 tuần, nếu tình trạng không được cải thiện, người bệnh nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa để điều trị dứt điểm.

“Tùy vào mức độ tổn thương và hệ cơ quan tổn thương, các bác sĩ sẽ có lộ trình điều trị phù hợp, giúp người bệnh cải thiện tối đa tình trạng các biến chứng, di chứng do nhiễm Covid-19 để lại. Tất cả các bệnh nhân sau nhiễm Covid-19 đến khám sẽ được khám sàng lọc, kiểm tra và tư vấn. Nếu tình trạng người bệnh ổn định các bác sĩ có thể hướng dẫn bệnh nhân tập luyện, theo dõi tiếp tại nhà và tái khám định kỳ. Đối với các bệnh nhân có biểu hiện nặng, có tổn thương nhiều cơ quan, hệ cơ quan sẽ được nhập viện và điều trị” - BS Lại Văn Hoàn thông tin.

Bên cạnh đó, BS Hoàn cũng khuyến cáo: Đối với người bệnh sau nhiễm Covid-19, dù khi mắc có hay không có triệu chứng, sau đó vẫn nên đi khám, tư vấn, kiểm tra để loại trừ các tổn thương. Bởi có những trường hợp, các di chứng để lại không có biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng nhưng tình trạng bệnh sẽ tiến triển dần và nặng lên. Việc kiểm tra sẽ giúp phát hiện sớm các biến chứng để có phương án can thiệp kịp thời./.

 

Link nội dung: https://pld.net.vn/hau-mac-covid-19-khoi-benh-van-chiu-nhieu-di-chung-a6245.html