Phát triển robot y tế nội địa: Những vướng mắc về chính sách

Quá trình đưa các robot dịch vụ vào dùng thử trong những bệnh viện tâm dịch đã tiết lộ những vướng mắc về chính sách mà các nhà hoạch định cần quan tâm nếu muốn thúc đẩy sự phát triển của robot nội địa cho y tế.

anh-2-robot-pld-1647566693.jpg
Robot Tam-an sử dụng ở Bệnh viện Trung ương Huế có cự ly điều khiển từ xa khoảng 30m, sức chứa với trọng lượng lên đến 60kg bằng hệ thống thùng chứa 4 ngăn. Ảnh: SGGP

Cơ hội kiểm chứng ưu và nhược điểm

Nếu trước năm 2020, người ta còn ít quan tâm đến việc áp dụng robot dịch vụ trong các cơ sở y tế thì khi đại dịch bùng phát, tất cả đã thay đổi. 19 robot dịch vụ đã được phân bổ đến 10 bệnh viện ở các tỉnh thành tập trung nhiều ca bệnh Covid-19 thông qua thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam. Một số Trường Đại học, Viện nghiên cứu cũng gửi những mẫu robot của mình đến các bệnh viện dã chiến để tiếp sức cho các y bác sĩ.

Sau gần một năm thử nghiệm, đã có 8/10 bệnh viện sử dụng robot do UNDP cung cấp – bao gồm một loại robot tên là Ohmni được phát triển ở Mỹ hiện áp dụng tại hàng chục bệnh viện trên thế giới, có chức năng giao tiếp, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa, và một loại robot vận chuyển dụng cụ y tế, vật phẩm tên là BeetleBot của các nhà khoa học trẻ tại TPHCM đang trong quá trình hoàn thiện. Trong số đó, bốn bệnh viện đã sử dụng robot để hỗ trợ điều trị Covid-19, hai bệnh viện đã chuyển công năng của robot sang mục đích khác, và hai bệnh viện dừng sử dụng vì robot không còn thích hợp hoặc bị hỏng.

Có lẽ, nơi tận dụng được mọi ưu điểm của robot thử nghiệm chính là Bệnh viện Trung ương Huế. Họ đã kết hợp robot Ohmni mà UNDP gửi tặng với một con robot vận chuyển đồ tự chế khác tên là Tam-an để “sử dụng liên tục, cứ hết pin lại sạc chạy tiếp”. Trong khi Tam-an có thể đưa đồ lên tới 50kg và giao tiếp đơn giản bằng những câu lập trình như “xin vui lòng mở cửa, xin tránh đường, xin nhận đồ, xin cảm ơn”, thì Ohmni sẽ đặt câu hỏi “bạn cảm thấy thế nào” và nếu người bệnh bị đau yếu, khó thở hay tức ngực, ngay lập tức nó sẽ chụp lại màn hình cho bác sĩ.

“Cặp đôi song hành này đã an ủi bệnh nhân rất nhiều", ThS. Huỳnh Phúc Minh - Trưởng phòng Quản lý phòng bệnh và Cơ sở vật chất (Bệnh viện Trung ương Huế) nhận xét,"Quan trọng hơn, sự có mặt của nó cũng giúp mọi người giảm nguy cơ lây nhiễm chéo đáng kể. Nó còn giúp bệnh viện tiết kiệm được lượng lớn phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE) khi mà hồi đầu dịch, mọi vật tư y tế cho nhân viên y tế đều thiếu thốn, trong khi các y bác sĩ có thể phải đi ra đi vào các phòng bệnh hàng trăm lượt mỗi ngày".

Tuy nhiên, không phải nơi nào robot cũng phát huy được sức mạnh giao tiếp của mình, ví dụ như ở Bệnh viện Bạch Mai, nơi phần lớn bệnh nhân đều ở tình trạng nặng và chỉ có thể sử dụng robot ở tầng một vì không có lối lên cho robot ở tầng cao hơn. Mặt khác, quá trình áp dụng cũng bộc lộ một số khó khăn, chẳng hạn như Bệnh viện Phổi Đà Nẵng ở Quảng Nam báo cáo rằng robot của họ sau một thời gian ngắn đã bị hỏng mạch điện, có thể do không chịu được môi trường nhiều muối và dung dịch khử khuẩn. Thậm chí, một số tính năng của robot đã bị giảm do chất lượng đường truyền Internet ở cơ sở y tế không ổn định.

anh1-robot-pld-1647566693.png
Robot Ohmni tích cực hỗ trợ các nhân viên y tế tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Dã chiến 14- TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Bộ Y tế

Các nhân viên y tế cũng sớm nhìn ra những nhược điểm của robot được sử dụng – cả những robot thương mại được UNDP tuyển chọn kỹ lưỡng lẫn các robot được nhiều nhóm nghiên cứu khác gửi tới. Chẳng hạn, robot Tam-an vẫn cần người điều khiển từ xa mà chưa thể tự động xây dựng bản đồ di chuyển thông minh của mình, do vậy chúng vẫn cấn vào nguồn nhân lực y tế vốn đã thiếu hụt. Một số mẫu robot lau sàn, khử khuẩn lại có kích thước quá cao nên không phù hợp với những giường bệnh thấp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

“Trên thực tế, tất cả những nhược điểm này đều có thể khắc phục được một cách dễ dàng”, Th.S Khổng Minh, giảng viên Khoa Cơ khí - Cơ điện tử, Đại học Phenikaa và là một trong những người đã tham gia chế tạo robot khử khuẩn Phenikaa X thử nghiệm ở Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang, nhận xét tại hội thảo “Robot dịch vụ trong các cơ sở y tế: nghiên cứu trường hợp điển hình của UNDP và các khuyến nghị để phát triển hệ sinh thái robot chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam” ngày 7/3.

Theo anh, vấn đề kĩ thuật không còn là rào cản với các nhóm nghiên cứu ở Việt Nam bởi họ đều có khả năng tiếp cận với những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và có thể tự thiết kế những tính năng robot tương đối phức tạp.

Thiếu sự hợp tác

Vậy sau COVID, các bệnh viện liệu có sẵn sàng đón nhận robot? Theo thống kê, đa số các trang thiết bị, máy móc y tế hiện nay trong bệnh viện đều là sản phẩm nhập ngoại đã hoàn thiện. Rất khó để tìm được một cơ sở y tế cho phép thử nghiệm các thiết kế robot mới vào hoạt động thường ngày của mình.

Thêm vào đó, quá trình này sẽ phải tuân thủ rất nhiều quy trình phức tạp của ngành y. Chỉ khi làm việc chặt chẽ với các bệnh viện và nhân viên y tế, kỹ sư mới có thể khám phá ra những “bí quyết” tưởng chừng như đơn giản - chẳng hạn robot y tế không thể có cấu trúc vuông thành sắc cạnh mà phải bo tròn để tránh gây nguy hiểm đến người bệnh, hoặc chúng không nên dùng băng từ dò đường hay lần theo các marker dán lên tường vì điều này có thể khiến bệnh nhân bị nhầm lẫn với các chỉ hướng khác trong bệnh viện. Và như mọi quá trình thiết kế sáng tạo khác, những nhà phát triển robot cần phải có được phản hồi của người dùng là các y bác sĩ, bệnh nhân, quản lý bệnh viện … để có thể điều chỉnh sản phẩm của mình một cách phù hợp.

Chính những quy tắc nghặt nghèo như vậy đôi khi khiến người ta cảm thấy cánh cửa hợp tác như đóng sập trước mũi mình. Th.S Khổng Minh thú nhận, để đưa Phenikaa X vào Bệnh viện dã chiến tại Bắc Giang, họ cũng xuất phát từ quan hệ cá nhân đơn thuần do một người trong Trường có bạn là bác sĩ làm việc trong đó để kết nối. Anh băn khoăn, có lẽ chỉ trong đại dịch thiếu thốn cần kíp thì người ta mới sẵn sàng dùng thử robot, còn khi điều kiện trở lại bình thường thì không.

anh3-robot-pld-x-1647566693.jpg
Các bác sĩ bệnh viện dã chiến số 2 ở Bắc Giang nghiên cứu cách vận hành robot khử khuẩn Phenikaa-X. Ảnh: Trường ĐH Phenikaa

Các dự án robot trong nước hiện nay đang tản mát ở nhiều nơi và tự phát một cách nhỏ lẻ. Chúng hiện mới dừng ở phiên bản demo, tức tạo ra 1-2 sản phẩm để chứng minh rằng “mình có thể làm được” chứ chưa có bất kì robot nào tiến đến giai đoạn thương mại hóa.

Chính vì số lượng áp dụng còn quá ít, ngành y và các nhóm phát triển robot cũng chưa bên nào bắt tay vào xây dựng hệ thống giám sát các sự cố y khoa liên quan đến robot và trí tuệ nhân tạo (AI) – một hệ thống cực kì quan trọng đóng vai trò “lính canh” cho việc áp dụng các công nghệ mới và giúp các bên liên quan điều chỉnh quy trình của mình để tránh những sai lầm đáng tiếc gây nguy hại đến sức khỏe con người.

Trong khi các kênh trao đổi thông tin giữa ngành y với những cơ sở nghiên cứu và nhà cung ứng công nghệ ở Việt Nam còn đang thiếu thốn, các nhà phát triển robot cũng bối rối không biết bước tiếp là gì.

Cần một chiến lược tổng thể

Ở góc độ một người tham gia vào việc thúc đẩy quá trình ứng dụng robot trong bệnh viện, anh Nguyễn Tuấn Lương, đồng trưởng Phòng Thí nghiệm Đổi mới sáng tạo của UNDP Việt Nam nhận định, năm qua thực sự là cơ hội ngàn vàng để "thử nghiệm chính sách". Quá trình đưa các robot dịch vụ vào dùng thử trong những bệnh viện tâm dịch đã tiết lộ những khuyết thiếu về chính sách mà các nhà hoạch định cần quan tâm nếu muốn thúc đẩy phát triển robot nội địa cho y tế.

Tại buổi hội thảo, tất cả các đại diện trong hệ sinh thái phát triển robot dịch vụ đều nhất trí rằng cần có một chiến lược tổng thể để khuyến khích phát triển robot. Điều này sẽ không chỉ mở ra cơ hội mới cho các nhà công nghệ trong nước, mà còn giúp ngành y tế tiết kiệm hàng tỷ đồng ngân sách nhập khẩu và chủ động các trang thiết bị hơn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam bị chia cắt với thế giới như dịch bệnh vừa qua.

Họ đặt kì vọng vào Đề án “Phát triển công nghiệp trang thiết bị y tế sản xuất trong nước đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” mà Bộ Y tế đang xây dựng với mong muốn gỡ những nút thắt căn bản.

Chẳng hạn, với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vốn đề cao tính an toàn của con người thì những khách hàng tiềm năng sẽ luôn quan tâm là làm sao chứng minh được robot an toàn cho người dùng? Robot đó có đạt tiêu chuẩn nào không? Nó có được hội đồng y đức cấp giấy chứng nhận hay không? Trên thực tế, Việt Nam chưa có các hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận chất lượng, thử nghiệm lâm sàng thích hợp để quản lý chất lượng robot dịch vụ và AI khi đưa vào thị trường. Do vậy các nhà phát triển robot hầu như mới dừng chân ở việc "thí điểm" và "tiếp tục dùng thử" ở chính những cơ sở y tế mà họ thử nghiệm chứ không thể mở rộng tập khách hàng ra bên ngoài.

Mặt khác, do các robot dạng này chưa được định danh trong danh mục trang thiết bị y tế nên không có cơ sở pháp lý nào để các bệnh viện công có thể đầu tư, mua sắm, quản lý và bảo dưỡng các loại robot. Ngay cả khi bệnh viện có ý định sử dụng thì họ cũng không có nhiều cơ chế để thu hồi vốn - những quy định của bảo hiểm y tế hiện hành vốn không thanh toán hoặc cho phép thu phí đối với những dịch vụ do robot này cung cấp.

TS. Khương Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, thừa nhận rằng ngay cả trong Dự thảo Đề án về phát triển trang thiết bị y tế nội địa, các nội dung liên quan đến robot cho y tế cũng chưa được nhấn mạnh rõ ràng, và đó là điều mà họ chắc chắn sẽ tiếp tục đề xuất lên.

Còn TS. Mai Anh Tuấn, Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ KH&CN, người đã nhiều năm làm việc và hỗ trợ các nhóm nghiên cứu robot trong nước thì mong rằng Chính phủ “cần sớm tin và trao cơ hội cho những nhà phát triển nội địa” bằng những chính sách dài hơi, để ít nhất 5 năm sau, khi đối đầu với các tình huống tương tự như đại dịch Covid-19 thì các robot hiện giờ đã sẵn sàng chạy.

79erobot-pld-1647566694.png

 

Link nội dung: https://pld.net.vn/phat-trien-robot-y-te-noi-dia-nhung-vuong-mac-ve-chinh-sach-a6405.html