Nghiên cứu mới tổng hợp các báo cáo về xung đột lợi ích tài chính, do các nhà nghiên cứu người Úc tự kê khai trong 120 bài báo kết quả thử nghiệm thuốc công bố trong 8 tháng đầu năm 2020, sau đó đối chiếu với cơ sở dữ liệu ghi nhận các khoản thanh toán mà các công ty dược phẩm đã thực hiện và báo cáo cho Hiệp hội Công nghiệp dược phẩm Úc.
Kết quả, công bố trên Journal of General Internal Medicine tháng này, cho thấy các nhà nghiên cứu thường xuyên kê khai thiếu và không đầy đủ các xung đột lợi ích tài chính. Cụ thể, một nửa trong số 120 thử nghiệm, và một phần tư trong số 323 nhà nghiên cứu Úc tham gia thử nghiệm, có ít nhất một xung đột tài chính không được kê khai. Các khoản thanh toán không được các nhà nghiên cứu công khai nằm trong khoảng 100 USD đến 71.000 USD, thường là các khoản các công ty dược phẩm trả cho các cuộc họp tư vấn, phí diễn giả và các sự kiện đào tạo.
Một nửa trong số các nhà nghiên cứu không kê khai đầy đủ xung đột lợi ích thậm chí đã không kê khai bất kỳ xung đột lợi ích nào, trong khi từng nhận tiền từ các công ty dược phẩm có liên quan đến thử nghiệm.
Xung đột lợi ích tài chính được xác định khi thử nghiệm thuốc, hoặc nhà nghiên cứu tham gia thử nghiệm, đang thử nghiệm loại thuốc liên quan đến một công ty dược phẩm và đã từng nhận tiền hoặc tài trợ từ công ty dược phẩm đó.
Không công khai xung đột lợi ích tài chính, đặc biệt là trong các thử nghiệm thuốc vốn yêu cầu tính minh bạch, là tối kỵ. Bởi vì nguồn tài trợ của các công ty dược phẩm cho ngành dược có thể làm ảnh hưởng đến thực hành kê đơn và làm sai lệch kết quả nghiên cứu, các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh.
Nghiên cứu mới cho thấy nhiều nhà khoa học không công khai xung đột lợi ích khi thực hiện các thử nghiệm lâm sàng.
Một nghiên cứu tương tự ở Mỹ cho thấy 2/3 số nhà nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng đã không kê khai ít nhất một xung đột lợi ích tài chính trong các kết quả thử nghiệm đã xuất bản. Nghiên cứu mới là một trong số ít nghiên cứu bên ngoài Mỹ tìm kiếm xung đột lợi ích không được kê khai trong nghiên cứu dược phẩm. Các kết quả mới là rất nghiêm trọng và tương tự như các kết quả ở Mỹ, "cho thấy xung đột lợi ích trong nghiên cứu lâm sàng và trong các bài báo đăng tạp chí là một vấn đề dai dẳng ở nhiều quốc gia", theo đánh giá của nhà thần kinh học James Baraldi tại Đại học Pittsburgh, Pennsylvania, Mỹ.
Để phát hiện tình trạng thiếu minh bạch này, cần có các cơ sở dữ liệu mở do chính phủ điều hành, trong đó các công ty dược và nhà sản xuất thiết bị y tế bắt buộc phải báo cáo tất cả các khoản thanh toán cho các chuyên gia y tế và những người thực hành dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Chẳng hạn như cơ sở dữ liệu của Hiệp hội Công nghiệp dược phẩm Úc, hoặc như cơ sở dữ liệu được Mỹ duy trì từ năm 2014.
Nhưng bất chấp giám sát, nhiều nhà nghiên cứu y học vẫn cố tình không kê khai các xung đột lợi ích, làm suy yếu tính chính trực trong khoa học. Nhà nghiên cứu chính sách dược phẩm Barbara Mintzes tại Đại học Sydney, đồng tác giả nghiên cứu mới, cho rằng, vấn đề nằm ở bản thân các nhà nghiên cứu, chứ không phải do quy định của các tạp chí y khoa. Bởi vì tỷ lệ kê khai không đầy đủ tương đương nhau giữa các tác giả xuất bản trên các tạp chí tuân thủ yêu cầu nghiêm ngặt của Ủy ban Quốc tế về Biên tập Tạp chí Y khoa và các tác giả xuất bản trên các tạp chí không yêu cầu kê khai rõ ràng hoặc ít nghiêm ngặt hơn. (Ủy ban Quốc tế về Biên tập Tạp chí Y khoa yêu cầu các tác giả phải kê khai tiền tài trợ thử nghiệm, và bất kỳ số tiền nào nhận được trong vòng ba năm trước từ bất kỳ công ty nào có liên quan đến phương pháp điều trị đang được thử nghiệm.)
Theo Mintzes, các kết quả mới có thể vẫn đánh giá thấp mức độ không minh bạch xung đột lợi ích, vì Hiệp hội Công nghiệp dược phẩm Úc ghi nhận gộp một số khoản thanh toán. Ngoài ra, chỉ các công ty thành viên Hiệp hội mới phải báo cáo các khoản thanh toán. Và Hiệp hội cũng không ghi nhận chi phí ăn uống - những khoản chi nhỏ riêng lẻ, nhưng cộng lại chiếm một phần lớn trong chi phí của ngành dược phẩm, và cũng không ghi nhận tài trợ nghiên cứu.
Nguồn:
https://www.nature.com/articles/d41586-022-00835-8
https://link.springer.com/article/10.1007/s11606-022-07466-9
Hoàng Phương tổng hợp
Link nội dung: https://pld.net.vn/nhieu-nha-nghien-cuu-len-nhan-tien-tu-cong-ty-duoc-a6470.html