Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, việc mua bán hàng online nở rộ, người dân mua hàng online hay tìm kiếm thông tin liên quan đến khám chữa bệnh qua Internet nhiều hơn, nhiều người gặp khó khăn về tài chính, thậm chí có tâm lý hoang mang… Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, trục lợi qua không gian mạng.
Chẳng hạn như, đối tượng giả mạo thông tin của tổ chức y tế như: Giả mạo là nhân viên của tổ chức y tế trong nước hoặc quốc tế, điển hình như Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương của Việt Nam, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), hay Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organisation hoặc “WHO”), gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm, hoặc các liên kết dẫn đến các nội dung về “cập nhật” tình hình lây nhiễm của COVID-19. Khi mở các tập tin đính kèm hay nhấp vào các liên kết, máy tính của nạn nhân sẽ bị tấn công bởi các mã độc hoặc có thể bị lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng được lưu trữ trực tuyến sẽ đánh cắp.
Đối tượng giả mạo trang web liên quan đến COVID-19 là một trong các loại hình gian lận mới, cụ thể là trong thời gian gần đây rất nhiều tên miền internet có chữ “COVID” đã được đăng ký.
Với mánh khóe liên quan đến việc điều trị bệnh, đối tượng lợi dụng tâm lý lo sợ lây nhiễm COVID-19 hay lo lắng về di chứng hậu COVID khiến nhiều người tìm cách để phòng ngừa và chữa trị. Đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá các sản phẩm mạo nhận hoặc không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Ngoài ra, đối tượng lừa đảo còn tuyên truyền các phương thuốc chưa từng được kiểm chứng. Bên cạnh đó, còn xuất hiện trường hợp đối tượng xấu giả làm bác sĩ hoặc nhân viên bệnh viện mạo nhận là chúng đã điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi COVID-19 và yêu cầu nạn nhân thanh toán phí cho quá trình điều trị đó.
Hình thức lừa đảo liên quan đến chuỗi cung ứng khi đối tượng tạo lập nên các website bán hàng trực tuyến bán các vật tư y tế như khẩu trang y tế và nước rửa tay.
Một chiêu thức lừa đảo người dân cần biết đó là đối tượng gọi điện thoại thông báo cho người dân nằm trong danh sách bị cách ly và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, truy cập vào đường link website có chứa mã độc nhằm đánh cắp thông tin cá nhân.
Mới đây, một người dân ở TP HCM nhận được tin nhắn từ một đầu số lạ, thông báo “tình trạng sức khỏe” và hướng dẫn gọi một số điện thoại khác, cung cấp số căn cước công dân cùng các thông tin cá nhân quan trọng khác. Thậm chí, kẻ xấu đã mạo danh số điện thoại Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP với đầu số "hao hao" so với số gốc (số chính xác là 18001119 và số giả mạo là 10881119), yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng.
Một ngân hàng lớn cũng cảnh báo khách hàng, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã xuất hiện thủ đoạn mạo danh ngân hàng gửi email thông báo cung cấp gói hỗ trợ và yêu cầu khách hàng truy cập đường link để nhận gói hỗ trợ này. Các BV cũng bị kẻ xấu lợi dụng trên danh nghĩa kêu gọi tài trợ trên mạng xã hội hay tự xưng là "bác sĩ" của BV để tư vấn sức khỏe, yêu cầu người bệnh mua thuốc.
Thời điểm BHXH hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì nhiều đầu số như 052, +84563…; +84528…; +84582… nhắn tin cho người dân với nội dung thông báo việc nhận trợ cấp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, rồi từ từ đưa nạn nhân vào bẫy lừa.
Khi được phản ánh, đại diện một nhà mạng cho biết, theo luật, nhà mạng không được phép nghe nội dung cuộc gọi hay xem nội dung tin nhắn vì đó là quyền riêng tư giữa những người dùng với nhau. Trong khi đó, hầu hết các cuộc gọi hay tin nhắn lừa đảo hiện nay đều xuất phát từ các đầu số liên lạc cá nhân, hệ thống kỹ thuật đương nhiên sẽ không thể biết được nội dung trao đổi giữa người gọi và người nghe là gì.
Với thực trạng như vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác khi nhận được được các cuộc gọi, tin nhắn từ số điện thoại lạ. Đối với các cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo nên xác minh trực tiếp với các đơn vị cung cấp dịch vụ như ngân hàng và Cty viễn thông trước khi thực hiện các dịch vụ được giới thiệu.
Hiện nay, nhiều ngân hàng khuyến nghị người dùng nên ưu tiên chọn sử dụng Smart OTP thông qua ứng dụng do ngân hàng phát hành với chế độ bảo mật 2 bước, thay vì sử dụng phương thức nhận OTP qua tin nhắn SMS.
Đồng thời, thông báo kịp thời tới ngân hàng, nhà mạng và CQCA để tìm phương án xử lý kịp thời trong trường hợp bị mất quyền sử dụng SIM, nghi ngờ bị lộ thông tin cá nhân tại ngân hàng. Đặc biệt, người dân không nên cung cấp thông tin bảo mật như giấy tờ tùy thân, mã OTP (từ ngân hàng, ví điện tử, nhà mạng di động...), thông tin tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng và mã CVV, mã PIN... cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào; không bấm vào đường link lạ hoặc thực hiện các yêu cầu thao tác soạn tin nhắn theo cú pháp lạ.
Trước đó, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thông tin cảnh báo về các thủ đoạn lợi dụng dịch COVID-19 để lừa đảo người. Người dùng Internet Việt Nam có thể trực tiếp gửi các đường link, tình huống lừa đảo trực tuyến hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến https://canhbao.ncsc.gov.vn. Trung tâm NCSC sẽ tổng hợp và phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý nhằm hạn chế việc lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng. Đồng thời, hệ sinh thái Tín nhiệm mạng https://tinnhiemmang.vn cũng là một trong những sản phẩm dịch vụ về an toàn thông tin của Trung tâm NCSC đã cung cấp các thông tin xác thực về tổ chức, giúp người dùng nắm bắt chính xác các thông tin tin cậy (website, email, số điện thoại…) của tổ chức.
Hiện có rất nhiều chiêu trò lừa đảo nở rộ “ăn theo” dịch bệnh COVID-19, vì vậy người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác,đề phòng cao độ để tự bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo. Khi gặp các trường hợp trên cần báo ngay cho Công an để được hỗ trợ./.
Link nội dung: https://pld.net.vn/nhieu-chieu-tro-lua-dao-no-ro-an-theo-dich-benh-covid-19-a6498.html