Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Lancet Diabetes & Endocrinologylà một trong số ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy ngay cả khi đã khỏi bệnh, COVID-19 vẫn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác. Di sản của đại dịch sẽ là các bệnh mãn tính, theo đồng tác giả của nghiên cứu mới - Ziyad Al-Aly tại Hệ thống chăm sóc sức khỏe cựu chiến binh (VA) St Louis, Mỹ. Nhóm Al-Aly đã công bố các nghiên cứu cho thấy người từng mắc COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh thận, suy tim và đột quỵ cao hơn.
Lần này, nhóm Al-Aly phân tích hồ sơ y tế của hơn 180.000 người đã khỏi COVID-19 và so sánh nhóm hồ sơ này với hai nhóm hồ sơ y tế khác, mỗi nhóm bao gồm khoảng bốn triệu người không mắc COVID-19 đã sử dụng hệ thống chăm sóc sức khỏe VA, trước hoặc trong khi xảy ra đại dịch.
Nhìn chung, trong một năm sau khi khỏi bệnh, những người từng mắc COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 40% so với nhóm đối chứng. Có nghĩa là giữa hai nhóm 1.000 người, nhóm từng mắc COVID-19 sẽ có thêm 13 người bị tiểu đường so với nhóm chưa từng mắc. Hầu hết tất cả các trường hợp tiểu đường quan sát được trong nghiên cứu là tiểu đường loại 2, khi cơ thể kháng hoặc không sản xuất đủ insulin. Tiểu đường loại 2 vốn là dạng tiểu đường phổ biến nhất; và chưa rõ COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường, hoặc tiểu đường loại 2, theo cơ chế nào.
Mắc COVID-19 càng nặng thì nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường về sau càng tăng cao. Những người phải nhập viện hoặc cần chăm sóc đặc biệt do COVID-19 có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường cao gấp ba lần so với người bình thường.
Nhưng ngay cả những người chỉ bị COVID-19 nhẹ, và không có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trước khi mắc COVID-19, cũng có nguy cơ tiểu đường cao hơn bình thường. Giữa hai nhóm 1.000 người, nhóm từng mắc COVID-19 nhẹ sẽ có thêm 8 người phát triển bệnh tiểu đường so với nhóm chưa từng mắc.
Những người mắc COVID-19 vốn đã có các yếu tố nguy cơ tiểu đường, như chỉ số khối cơ thể cao hoặc béo phì, có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường cao gấp đôi so với ban đầu.
Với số ca nhiễm COVID-19 cực lớn trên toàn cầu, 480 triệu trường hợp ghi nhận chính thức và đang tiếp tục tăng, số ca nhiễm thực tế có thể lớn hơn nhiều, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường chỉ cần tăng nhẹ sau COVID-19 cũng kéo theo một số lượng lớn bệnh nhân tiểu đường trên toàn thế giới.
Tuy nhiên nhóm dân số trong nghiên cứu chủ yếu là đàn ông da trắng lớn tuổi, nhiều người huyết áp cao và thừa cân, do đó kết quả có thể không hoàn toàn đúng với các nhóm khác, theo các nhà nghiên cứu. Nguy cơ tiểu đường thấp hơn ở những người trẻ tuổi, và cao hơn ở một số nhóm dân tộc khác.
Vẫn chưa rõ vì sao COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường. Một giả thuyết là SARS-CoV-2, giống như các loại virus khác, có thể làm hỏng các tế bào trong tuyến tụy sản xuất insulin. Nhưng các dữ liệu đến nay chưa rõ ràng. Một số nghiên cứu đã không tìm thấy bằng chứng cho thấy COVID-19 làm tăng số trường hợp mắc bệnh tiểu đường loại 1 ở người trẻ hoặc trẻ em. Và một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm được công bố vào tháng 2/2022 cũng không cho thấy SARS-COV-2 phá hủy các tế bào tuyến tụy sản xuất insulin.
Các nhà nghiên cứu lưu ý cần phải có các nghiên cứu tiếp tục để làm rõ các xu hướng lâu dài của bệnh tiểu đường mới khởi phát ở cấp độ dân số và chỉ ra các yếu tố nguy cơ.
Nguồn:
https://www.nature.com/articles/d41586-022-00912-y
https://linkinghub.elsevier.com/retrieve/pii/S2213858722000444
Hoàng Nam tổng hợp
Link nội dung: https://pld.net.vn/nguy-co-mac-benh-tieu-duong-tang-cao-sau-khi-khoi-covid-19-a6555.html