Hôm nay, ngày chính giỗ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022 để tri ân công đức các vua Hùng đã có công dựng nước tại điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh.
Từ 6h sáng, khoảng 1.000 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội và đoàn viên thanh niên đã có mặt để bảo vệ an ninh trật tự cho lễ dâng hương.
Đúng 7h, đoàn đại biểu hành lễ từ đền tại chân núi Nghĩa Lĩnh đến Nghi môn, đền Hạ, đền Trung lên đến đền Thượng. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành, địa phương và đông đảo người dân, du khách thập phương về dâng lễ, dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng tại khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Ban tổ chức bố trí lực lượng công an, đoàn viên thanh niên lập hàng rào mềm hai bên từ sân trung tâm lễ hội lên tới cổng đền. Hàng ngàn người dân cũng đã có mặt từ sớm chờ dâng hương.
Đi đầu là đoàn Tiêu binh rước Quốc kỳ, cờ hành lễ và vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước”. Theo sau là 14 thiếu nữ trong trang phục áo dài đỏ cùng 100 chàng trai là những thanh niên ưu tú, tượng trưng cho 100 người con được sinh ra từ bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ và đoàn rước kiệu. Tiếp đó là đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ban ngành Trung ương, địa phương và hàng vạn người dân.
Từ chân núi rẽ qua cổng đền, Chủ tịch nước và các vị đại biểu đi lên 225 bậc thang là đến đền Hạ và chùa Thiên Quang. Trước cửa đền Hạ có cây thiên tuế, bên cạnh là nhà bia có kiến trúc hình lục giác với 6 mái.
Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc đá, đoàn tới đền Trung. Tương truyền, nơi đây để các Vua Hùng ngắm cảnh và bàn việc với các lạc hầu, lạc tướng. Hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh chưng, bánh giầy lên cho vua cha nhân dịp tết cổ truyền cũng ở đây.
Từ đền Trung đi tiếp 102 bậc đá sẽ đến đền Thượng. Nơi các Vua Hùng làm lễ tế Trời đất, thần Núi và thần Lúa. Thục Phán sau khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, dựng cột đá thề ở đền Thượng để thề trông nom ngôi đền và giữ gìn cơ nghiệp Vua Hùng.
Tại điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, UBND tỉnh Phú Thọ thay mặt đồng bào cả nước tổ chức trọng thể lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đọc Chúc văn khẳng định ý nghĩa to lớn của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương; ca ngợi, khắc ghi công đức cha Rồng, mẹ Tiên, công lao trời biển của các Vua Hùng; ca ngợi tinh thần quật khởi, kiên cường của các bậc tiền nhân đã không tiếc xương máu đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ đất nước và tinh thần anh dũng của toàn quân, toàn dân trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của Tổ quốc.
Sau phần đọc Chúc văn, Chủ tịch nước cùng các lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, các địa phương, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ vào Thượng cung dâng hương, hoa, lễ vật tri ân, tưởng nhớ công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân.
Trước đó, vào chiều 9-4, thay mặt đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dâng hương tri ân Tổ Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ và Đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân trong quần thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng để tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.Ông Lê Trường Giang, giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, cho biết lễ dâng hương diễn ra từ 7h đến 9h sáng. Du khách đến đền Hùng vào thời điểm này có thể dâng hương tại Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ để tránh tình trạng đông đúc, chen lấn xô đẩy.
Cùng đi có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng. Cùng tham gia đoàn còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và lãnh đạo tỉnh Phú Thọ.
Tối 9-4, tại công viên Văn Lang (thành phố Việt Trì) diễn ra chương trình nghệ thuật "Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương" gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sau đó là màn bắn pháo hoa tầm cao dài 15 phút. Hàng vạn người dân, du khách thập phương có mặt tại các tuyến đường xung quanh công viên Văn Lang để chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa tầm cao nhân dịp giỗ Tổ Hùng Vương.
Theo truyền thuyết, sau khi kết duyên với Lạc Long Quân, Âu Cơ sinh hạ bọc trăm trứng nở thành một trăm người con, là Tổ tiên của Bách Việt. Khi các con lớn lên, 50 người theo mẹ Âu Cơ lên núi, 50 người theo cha Lạc Long Quân xuống biển. Trong 50 người con theo mẹ thì người con đầu lên nối ngôi vua, lấy niên hiệu Hùng Vương thứ nhất, đóng đô ở Phong Châu, truyền 18 đời vua Hùng trị vì đất nước.
Tương truyền Bà Âu Cơ cùng các con đi đến đâu cũng dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Đến khi giang sơn đã thu về một mối, bờ cõi biên cương được mở rộng, Người trở về với Hiền Lương gắn bó cuộc đời của mình. Để tri ơn công đức Tổ Mẫu Âu Cơ, cách đây hơn 500 năm, vua Lê Thánh Tông đã phong thần và cho xây dựng Đền thờ Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ. Đền Mẫu Âu Cơ đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia năm 1991 và tượng Mẫu Âu Cơ là Bảo vật Quốc gia./.
Link nội dung: https://pld.net.vn/chu-tich-nuoc-dang-huong-gio-to-hung-vuong-a6566.html