Bài báo khoa học có tiêu đề hài hước được trích dẫn nhiều hơn

Có vẻ khó tin, nhưng một nghiên cứu mới phát hiện các bài báo có tiêu đề hài hước hơn sẽ được trích dẫn nhiều hơn. Vẫn còn một số nghi ngờ xung quanh phát hiện mới này.

Những câu đùa đôi khi được đưa vào các bài báo khoa học, thường là ở tiêu đề, với mục đích tăng tương tác với bài báo, nhưng từ trước đến nay không ai biết cách làm đó có hiệu quả hay không.

Để tìm hiểu vấn đề này, nhà sinh thái học tiến hóa Stephen Heard tại Đại học New Brunswick, Canada, và các đồng nghiệp yêu cầu các tình nguyện viên chấm "điểm hài hước" cho tiêu đề của 2.439 bài báo khoa học xuất bản trong năm 2000 và 2001 trên 9 tạp chí sinh thái và tiến hóa. Tình nguyện viên chấm điểm tiêu đề trên thang điểm 6 tùy theo mức độ hài hước và thú vị; 0 là tiêu đề "hoàn toàn nghiêm túc" và 6 là "cực kỳ hài hước". Sau đó, nhóm Heard tìm mối liên hệ giữa "điểm hài hước" của tiêu đề và số lần trích dẫn bài báo nhận được, gồm cả số lần chính tác giả tự trích dẫn bài báo của họ.

d1ad41586-022-00946-2-20274544-1649756713.jpg
Các nhà nghiên cứu có thể thu được nhiều trích dẫn hơn bằng cách đặt tiêu đề hài hước cho bài báo khoa học?

Ban đầu, kiểm đếm cho thấy các bài báo có tiêu đề hài hước ít được trích dẫn hơn một chút so với các bài báo có tiêu đề nghiêm túc. Các bài báo có tiêu đề gây cười cũng ít được chính tác giả tự trích dẫn hoặc nhắc lại trong các bài báo khác của họ về sau, so với các bài báo tiêu đề nghiêm túc. Điều này cho thấy các tác giả thường dành tiêu đề hài hước cho các bài báo mà họ coi là ít quan trọng, hay không có tác động lâu dài với sự nghiệp nghiên cứu về sau của mình.

Vì thế, nhóm nghiên cứu đã điều chỉnh để loại bỏ khác biệt về mức độ quan trọng giữa các bài báo, sử dụng số lần tự trích dẫn làm thước đo. Kết quả cuối cùng: nếu có mức độ quan trọng như nhau, các bài báo có tiêu đề hài hước thực tế được trích dẫn nhiều hơn những bài báo có tiêu đề nghiêm túc. Ví dụ: các bài báo có tiêu đề được chấm điểm 6 sẽ có số lượt trích dẫn trung bình cao gần gấp đôi so với các bài báo có tiêu đề được chấm điểm 4 về độ hài hước.

Một số nhà nghiên cứu đặt câu hỏi về kết luận của nhóm Heard, lý do là số lần tự trích dẫn có thể không thể hiện tầm quan trọng của một bài báo. Tự trích dẫn có thể là cách các tác giả tăng mức độ tác động của bài báo vốn sẽ không được những người khác trích dẫn nhiều, theo nhà vật lý lý thuyết Michael Schreiber ở Đại học Công nghệ Chemnitz, Đức. "Có nghĩa là chính những bài báo được tự trích dẫn mới là bài báo không quan trọng," Schreiber nói.

Cũng có thể các tác giả tự trích dẫn bất kỳ bài báo của họ khi có cơ hội, chẳng hạn như khi đang viết về một chủ đề có liên quan, để làm đẹp tỷ lệ trích dẫn nói chung, chứ không tự trích dẫn vì bài báo đó là quan trọng.

Do đó, để ước tính mức độ quan trọng của bài báo nên dựa trên ý kiến của các nhà đánh giá độc lập, thay vì dựa vào số lượt tự trích dẫn, theo một số nhà nghiên cứu tính toán và trắc lượng thư mục.

Một cách tốt để đo lường hiệu quả của các tiêu đề hài hước là lượt xem và lượt tải bài báo. Trước đây đã có nghiên cứu chỉ ra rằng các bài báo có tiêu đề hài hước được chia sẻ rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội, nhưng chưa chắc được trích dẫn nhiều. “Thật thú vị khi quan sát các nhà nghiên cứu và công chúng tương tác khác nhau như thế nào với các bài báo khoa học,” theo Stefanie Haustein, nhà nghiên cứu truyền thông học thuật và trắc lượng thư mục tại Đại học Ottawa. “Tôi thấy ý tưởng của nhóm Heard rất tuyệt vời.”

Nguồn:

https://www.nature.com/articles/d41586-022-00946-2

https://www.biorxiv.org/content/10.1101/2022.03.18.484880v1.full

Hoàng Nam tổng hợp

Link nội dung: https://pld.net.vn/bai-bao-khoa-hoc-co-tieu-de-hai-huoc-duoc-trich-dan-nhieu-hon-a6577.html