Một nửa học sinh Việt Nam cảm thấy không an toàn khi đến trường

Cụ thể, 49.6% học sinh nữ và 52.6% học sinh nam được khảo sát cho biết bản thân cảm thấy bất an trong môi trường học đường. Con số này cao hơn hẳn so với tỷ lệ trung bình là 31,4% của thanh thiếu niên ở 13 quốc gia châu Âu và châu Á.

hoc-sinh-cam-thay-khong-an-toan-anh1-1656320849.jpeg
Trung bình 31,4% thanh thiếu niên cho biết bản thân cảm thấy không an toàn khi đến trường. Ảnh: iStock

Những con số trên là một phần trong nghiên cứu do các nhà khoa học quốc tế cùng nhau thực hiện. Cụ thể, ThS. BS. Nguyễn Mai Hương (Phó trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương) đã cùng các nhà khoa học tại Phần Lan, Israel, Hy Lạp… tiến hành khảo sát 21.688 thanh thiếu niên trong độ tuổi 13–15 từ năm 2011 đến năm 2017. Cuộc khảo sát được thực hiện ở Phần Lan, Na Uy, Lithuania, Hy Lạp, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Israel, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Việt Nam và Nga. Số học sinh tham gia trung bình mỗi nước là 1.679 em và dao động từ 946 ở Việt Nam đến 2.988 ở Phần Lan.

Để học sinh có thể dễ dàng đánh giá mình có phải là nạn nhân của bạo lực học đường hay không, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một định nghĩa về bắt nạt: “Một học sinh đang bị bắt nạt, nếu một học sinh khác hoặc một nhóm học sinh liên tục đối xử tồi tệ hoặc lăng mạ học sinh đó. Học sinh bị bắt nạt khó có thể tự vệ. Bắt nạt có thể không liên tục hoặc liên tục. Bắt nạt có thể bằng lời nói (ví dụ: gọi tên, đe dọa), thể chất (ví dụ: đánh, xô đẩy) hoặc tâm lý (ví dụ: tung tin đồn, coi như không tồn tại, cô lập). Liên tục trêu chọc gây khó chịu hoặc xúc phạm cũng là bắt nạt”.

Bên cạnh đó, các em sẽ trả lời những câu hỏi như “Bạn có thường xuyên bị bắt nạt ở trường trong 6 tháng qua không?”, "Bạn có thường xuyên bị bắt nạt khi rời trường trong 6 tháng qua không?", "Trong 6 tháng qua, bạn có thường xuyên bị đe doạ trực tuyến không?" v.v. bằng cách khoanh vào lựa chọn không bao giờ, ít hơn một lần một tuần, nhiều hơn một lần một tuần và hầu hết các ngày. Học sinh cũng sẽ mô tả các triệu chứng cảm xúc, các vấn đề về hành vi, mối quan hệ bạn bè, xã hội, cũng như mức độ quan tâm của giáo viên dành cho học sinh.

Trung bình 31.4% thanh thiếu niên cho biết bản thân cảm thấy không an toàn khi đến trưởng. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia. Những nước có tỷ lệ học sinh cảm thấy bất an cao nhất lần lượt là Nhật Bản (nữ: 69.8%, nam: 68.2%), Việt Nam (49.6% - 52.6%), Nga (54.7% - 45.9%), Trung Quốc (48.8% - 44.1%). Ngược lại, những nước nơi có ít học sinh cảm thấy bất an nhất lần lượt là Phần Lan (11.5% - 8.9%), Na Uy (13.9% - 7.7%), Israel (14.6% - 14.2%), Hy Lạp (18.2% / 24.2%). Nói cách khác, nghiên cứu đã chỉ ra sự bất bình đẳng trong việc đảm bảo một môi trường giáo dục an toàn cho học sinh giữa các quốc gia trên thế giới.

Tạo ra môi trường nơi học sinh cảm thấy mình được bảo vệ

mi-pham-0dpyb8t-kfi-unsplash1-1656320917.jpg
Theo các nhà khoa học, chìa khoá để giải quyết điều này là xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa học sinh - giáo viên và thúc đẩy sự tương tác tích cực giữa các học sinh. Ảnh: Unsplash

Phần Lan và Na Uy là những quốc gia Bắc Âu có phúc lợi xã hội cao với tỷ lệ thanh thiếu niên cảm thấy bất an rất thấp. Trong khi đó, thanh thiếu niên Nhật Bản thường cảm thấy thiếu an toàn, mặc dù sống ở một quốc gia phát triển với tỷ lệ tội phạm thấp đáng kể. Mặc dù chưa rõ lý do của sự bất bình đẳng giữa các nước, nhưng nhóm nghiên cứu cho rằng điều này có thể bắt nguồn từ sự khác biệt về văn hóa và xã hội.

Ở các nước Đông Á, giáo dục có khuynh hướng lấy giáo viên làm trung tâm và đưa ra kỷ luật nghiêm ngặt, kìm hãm mối quan hệ tích cực giữa giáo viên và học sinh, trái ngược với các nền văn hóa nơi giáo viên và học sinh được coi là bình đẳng hơn. Hơn nữa, môi trường cạnh tranh cao và căng thẳng điểm số ở các trường học châu Á có thể làm giảm cảm giác an toàn. "Ngoài ra, những hình thức kỷ luật nặng nề như trừng phạt thân thể vẫn còn hợp pháp ở một phần ba số quốc gia trên thế giới và học sinh có thể cảm thấy hoảng loạn nếu chúng bị trừng phạt thể xác ở trường", nhóm nghiên cứu cho hay.

Theo các nhà khoa học, chìa khoá để giải quyết điều này là xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa học sinh - giáo viên và thúc đẩy sự tương tác tích cực giữa các học sinh.

Trong khảo sát, các em học sinh cho biết khi được giáo viên quan tâm, chúng cảm thấy an toàn khi đến trường. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của giáo viên trong việc hình thành cảm thấy an toàn của học sinh trong môi trường học đường. Bên cạnh đó, việc xây dựng nội quy công bằng, rõ ràng và nhất quán cũng góp phần tạo ra sự an toàn trong trường. Ngược lại, khi học sinh trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, các em cảm thấy bất an và hoảng sợ.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy cảm giác bất an ở trường dẫn đến đến các vấn đề sức khoẻ tâm thần, có thể kéo dài suốt cuộc đời. Do đó, cần phải có biện pháp can thiệp cứng rắn nhằm dẹp bỏ vấn nạn bạo lực học đường và cải thiện sức khoẻ tâm thần tại trường học.

Các biện pháp can thiệp không chỉ nên bao gồm các biện pháp giải quyết, mà còn phải có cả “những sáng kiến ​​phòng ngừa từ trước như giáo dục tâm lý, và các chương trình học tập tình cảm - xã hội để tăng cường sự tương tác tích cực của trẻ em, giảm thiểu các vấn đề về hành vi”, nhà nghiên cứu Yuko Mori thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tâm thần học Trẻ em, Đại học Turku (Phần Lan) cho biết. “Các phát hiện chỉ ra cần phải cung cấp một môi trường giáo dục nơi tất cả học sinh đều cảm thấy mình được bảo vệ, bất kể xuất thân của các em.

Đồng tình với ý kiến này, TS Andre Sourander, Giáo sư về Tâm thần học Trẻ em tại Đại học Turku, cho hay: “Môi trường học an toàn về mặt thể chất, nhận thức và tình cảm là điều cần thiết cho sự phát triển và thành công trong giáo dục thanh thiếu niên. Tất cả trẻ em đều có quyền đi học ở những ngôi trường nơi chúng cảm thấy an toàn và được bảo vệ, mà không phải sợ hãi hay lo lắng về bất kỳ mối nguy hiểm nào”. Điều này càng quan trọng hơn khi gần đây các vụ xả súng ở trường học liên tục xảy ra, “chúng ta phải thực hiện các bước để tăng cường an toàn trong môi trường giáo dục và bảo vệ học sinh khỏi mọi hình thức bạo lực và lạm dụng. "

Nguồn:

Nearly one-third of adolescents do not feel safe at school

Feeling Unsafe at School Among Adolescents in 13 Asian and European Countries: Occurrence and Associated Factors

Hà Trang tổng hợp

Link nội dung: https://pld.net.vn/mot-nua-hoc-sinh-viet-nam-cam-thay-khong-an-toan-khi-den-truong-a6582.html