Tiêm chủng đợt bốn: nên-không nên

Tiêm tăng cường lần thứ hai chống corona thích hợp với nhóm người ở độ tuổi nào? Bộ trưởng Bộ Y tế Liên bang Đức, ông Lauterbach đề nghị, nhóm người trên 60 tuổi. Cơ quan đặc trách về tiêm chủng ở Đức, Stiko, vẫn tỏ ra e ngại. Một số nhà nghiên cứu thì nghi ngờ và chỉ trích các dữ liệu hiện có.

Mấy ngày gần đây Bộ trưởng Y tế Đức cổ xúy cho tiêm chủng lần bốn cho nhóm người trên 60 tuổi, ông viện dẫn vào các dữ liệu mới của Israel. Ông cũng đang thúc đẩy một đường lối chung tương ứng đối với EU. Song Ủy ban Tiêm chủng Thường trực (Stiko), chịu trách nhiệm về chủ đề này ở Đức, cho đến nay vẫn tỏ ra miễn cưỡng trong lần trả lời phỏng vấn tờ Welt.

e73u3bsjbic7jdungz6fz7qsow4wi-1650269478.jpeg
Một bác sĩ chuẩn bị một liều Vaccine Pfizer-BioNTech ở Tel Aviv. Ảnh: JACK GUEZ / AFP

Tình hình kiến nghị về tiêm bổ sung lần bốn ở Đức hiện như thế nào?

Do làn sóng Omicron kể từ giữa tháng hai, Stiko đã tư vấn cho một số nhóm nhất định cần tiêm bổ sung lần bốn, đó là những người trên 70 tuổi, cư dân ở các cơ sở chăm sóc và những người bị suy giảm miễn dịch từ 5 tuổi. Do nguy cơ bùng phát ở các cơ sở này nên nhân viên của các cơ sở như phòng khám và viện dưỡng lão cũng cần đưa vào diện này.

Nếu có nguy cơ về sức khỏe, Stiko khuyên lần tiêm bổ sung thứ hai nên thực hiện không sớm hơn ba tháng sau lần đầu tiên. Đối với nhân viên y tế và điều dưỡng, nên có khoảng cách ít nhất là nửa năm.

Đã có bao nhiêu người thực hiện theo lời khuyên này?

Bộ trưởng Lauterbach cho biết diễn biến gần đây tỏ ra không đạt yêu cầu. Cho đến nay, chưa đến 10% trong số 13,5 triệu người trên 70 tuổi và những người bị suy giảm miễn dịch ở Đức đã tiêm chủng lần thứ tư. Một trong những lý do có thể là do vẫn bị thiếu vaccine phù hợp với Omicron.

Trong khi đó các loại vaccine thông thường trước đây không hề thiếu. Hơn nữa do nhiều nước thu nhập thấp gần đây mua vào các loại vaccine này khựng lại nên có nguy cơ các loại vaccine ở châu Âu sẽ bị tiêu hủy vì tiêu thụ không được và hết hạn sử dụng.

Kinh nghiệm của Israel đối với tiêm bổ sung lần hai như thế nào?

Cách đây ít hôm dữ liệu về hơn 560.000 người trong độ tuổi từ 60 đến 100, trong đó một số chỉ tiêm vaccine ba lần và một số đã tiêm phòng lần thứ tư, đã được công bố dưới dạng đánh giá sơ bộ - tức là không có nhận xét đánh giá độc lập của những người ngoài cuộc như thông lệ đối với các công trình nghiên cứu. Kết quả: Tỷ lệ tử vong do COVID-19 đã giảm 78% ở nhóm được tiêm chủng bốn mũi so với nhóm chỉ được tiêm bổ sung một lần.

Sự khác biệt giữa hai nhóm tiêm chủng ba hay bốn lần là rất nhỏ. Ở cả hai nhóm nguy cơ tử vong vì Omicron đối với COVID-19 là rất thấp.

Thông tin về giảm tỷ lệ tử vong dựa trên những con số tuyệt đối tương đối nhỏ. Theo Preprint, thông tin sơ bộ, trong số những người từ 60 đến 69 tuổi, chỉ có 5 người trong số khoảng 111.800 người được tiêm vaccine mũi bốn tử vong và 32 người trong số khoảng 123.800 người được tiêm vaccine ba lần đã bị chết.

Dữ liệu của Israel còn có kẽ hở nào khác?

Vấn đề đặt ra là hai nhóm này có thể so sánh được với nhau ở mức độ nào. Một số người bị bệnh trước đó đã được tiêm chủng ba lần lẽ ra không nên đến lần tiêm thứ tư, điều này có thể giải thích phần nào sự khác biệt về tỷ lệ tử vong. Ngoài ra, bản thân nhóm tác giả thừa nhận họ chỉ nhìn vào khoảng thời gian tương đối ngắn là 40 ngày. Nguyên nhân tử vong được ghi nhận của COVID-19 trong bệnh viện cũng có thể bao gồm các trường hợp xét nghiệm dương tính là phát hiện phụ, ngẫu nhiên.

Nhận định của Stiko đối với chủ trương của Bộ Y tế?

Lãnh đạo Stiko, Thomas Mertens cho hay ủy ban liên tục xem xét các dữ liệu mới và kiểm tra nhu cầu cập nhật. Vấn đề liên quan đến mũi thứ tư không thể chỉ được xác định bởi độ tuổi của người tiêm chủng. Thay vào đó, cần chú ý đến bệnh tật đã có trước đó, cần cân nhắc về tác dụng bảo vệ của vaccine có ý nghĩa lâu dài. Tuy nhiên, trên cơ sở dữ liệu có sẵn cho đến nay, người ta có thể nói rằng tiêm tăng cường mũi thứ hai dường như chỉ cung cấp khả năng bảo vệ tương đối hạn chế đối với sự lây nhiễm, nhưng có thể làm giảm các diễn biến nghiêm trọng trong các nhóm có nguy cơ cao.

Ngưỡng 70 tuổi hiện tại xuất phát từ phân tích các dữ liệu của Đức: với kết quả là phần lớn các bệnh nghiêm trọng và tử vong xảy ra ở độ tuổi này. Mertens cũng đề cập đến một số ưu tiên cần nêu lên : "Một vấn đề lớn đối với những người từ 60 đến 69 tuổi hiện đang được chăm sóc đặc biệt là bệnh nhân không tiêm vaccine tăng cường lần đầu, thậm chí còn được bảo vệ bằng vaccine kém hơn hoặc hoàn toàn chưa tiêm vaccine".

Đánh giá của các chuyên gia khác về những phát hiện cho đến nay?

Một số chuyên gia được liên hệ đã phản ứng một cách thận trọng và đánh giá dữ liệu có sẵn cho đến nay là thưa thớt. "Thực ra, người ta sẽ phải chờ xem liệu quan sát này có được xác nhận ở các quốc gia khác hay không", nhà nhiễm trùng học Jana Schroeder cho biết. “Dữ liệu về an toàn cũng không được thu thập trong nghiên cứu của Israel. Tại sao chúng ta ít chú trọng với người cao niên hơn là với trẻ em? Rốt cuộc, việc chủng ngừa corona cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ở Đức nói chung vẫn không được khuyến khích, mặc dù hơn 8 triệu trẻ em đã được tiêm chủng ở Mỹ.

Andreas Radbruch, nhà miễn dịch học tại Charité, đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với WELT rằng "hệ thống miễn dịch đã quen với vaccine , với mỗi lần tiêm tăng cường thì phản ứng miễn dịch sẽ trở nên yếu hơn". "Đây không phải là sự so sánh tiêm chủng lần thứ hai và thứ ba".

Cũng có những lo ngại do hoàn toàn không rõ biến thể virus nào sẽ chiếm ưu thế trong những tháng tới, loại vaccine nào khi đó sẵn có và điều này có ý nghĩa gì đối với các khuyến cáo tiêm chủng cho mùa đông tới.

Nguồn: Welt

Xuân Hoài dịch

Link nội dung: https://pld.net.vn/tiem-chung-dot-bon-nen-khong-nen-a6605.html