Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chào bán 100 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ

Đây là nội dung quan trọng mà Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 được tổ chức vào sáng 20/4, tại Hà Nội. Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh dự Đại hội.

null

 

Tham dự Đại hội có đại diện lãnh đạo Vụ Công nghệ và Hạ tầng và Vụ Tổng hợp (Ủy ban). Về phía VIMC, có ông Lê Anh Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Nguyễn Cảnh Tĩnh – Tổng giám đốc; các Thành viên Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát và đại diện lãnh đạo các Ban chức năng và đơn vị thành viên; cùng các cổ đông tham dự theo hình thức trực tuyến.

05-5-1650513273.jpg
Ông Nguyễn Hùng Dương – Thành viên Hội đồng quản trị VIMC báo cáo về quá trình sản xuất kinh doanh năm 2021 và các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2022

 

Báo cáo trước Đại hội đồng cổ đông, ông Nguyễn Hùng Dương – Thành viên Hội đồng quản trị VIMC cho biết, Tổng công ty đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh doanh của năm 2021 được Đại hội đồng cổ đông giao và về đích trước 6 tháng. Cụ thể: doanh thu hợp nhất hơn 14.300 tỉ đồng, trong đó, Công ty mẹ đạt doanh thu 1.825 tỉ đồng; Lợi nhuận trước thuế hơn 3.640 tỉ đồng. Những tín hiệu tốt đẹp của hoạt động sản xuất kinh doanh mang đến sự phát triển hiệu quả của VIMC trong những năm tiếp theo, đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước và các cổ đông.

Theo kế hoạch VIMC đặt ra, năm 2022, sản lượng hàng thông qua cảng đạt hơn 132,6 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2021; vận tải biển đạt hơn 19,3 triệu tấn, doanh thu đạt hơn 12.500 tỉ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 2.518 tỉ đồng.

03-nncanh-1650513273.jpg
Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh đại diện Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp dự Hội nghị

 

Các cổ đông của VIMC cũng đã thảo luận và biểu quyết thông qua các nội dung quan trọng của Đại hội như: Các chỉ tiêu chính của kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022; Kế hoạch phát triển đầu tư vào đội tàu vận tải container; Chủ trương sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh…

Tại Đại hội, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - Tổng Giám đốc VIMC cho biết, theo chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, doanh nghiệp dự kiến sẽ thực hiện các dự án đầu tư phát triển trong cả 3 lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải với tổng mức đầu tư đến năm 2030 là 25.000 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 dự kiến giá trị thực hiện khoảng 2.200 tỉ đồng, đến năm 2030 dự kiến khoảng 10.700 tỉ đồng.

04-5-1650513273.jpg
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - Tổng Giám đốc VIMC trình bày về kế hoạch đầu tư của VIMC

 

VIMC sẽ triển khai thực hiện các dự án phát triển hạ tầng lớn như: Dự án Bến số 3, 4 Cảng cửa ngõ Lạch Huyện (Hải Phòng); Nâng cấp và mở rộng cảng Quy Nhơn; các dự án đầu tư của Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) giai đoạn 2 và nghiên cứu đầu tư cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh); tiếp tục tái cơ cấu đội tàu theo hướng phát triển đội tàu vận tải container tải trọng lớn, hiện đại cùng các container đồng bộ; thanh lý các tàu biển thế hệ cũ (15 tàu với tổng trọng tải 372.293 tấn); Đầu tư hệ thống công nghệ thông tin có tính xương sống, kết nối toàn bộ các doanh nghiệp thành viên nhằm chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh doanh của VIMC và phát triển chuỗi dịch vụ logistics “door to door”…

Ông Lê Anh Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị VIMC cho biết, tại phương án cổ phần hóa của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 751/QĐ-TTg ngày 20/6/2018, vốn điều lệ của VIMC là 14.046 tỉ đồng, trong đó, tỉ lệ sở hữu Nhà nước là 65% vốn điều lệ.
02-1650513273.jpg
Ông Lê Anh Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị VIMC phát biểu tại Đại hội

 

Tuy nhiên, do việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược không thực hiện được và tỷ lệ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng thấp nên vốn điều lệ hiện tại của VIMC là 12.005,8 tỉ đồng, tỉ lệ sở hữu Nhà nước tại VIMC là 99,469% vốn điều lệ.

“Vì vậy, việc tăng vốn điều lệ của VIMC giai đoạn này là cần thiết để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển của doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội về nguồn lực để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh (đầu tư phát triển cảng nước sâu, đầu tư phát triển đội tàu, đầu tư tăng vốn tại các công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả...), phù hợp với định hướng chiến lược phát triển, cơ cấu vốn điều lệ của Tổng công ty sau cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” - ông Lê Anh Sơn khẳng định.

Sau khi được cổ đông thông qua, Tổng công ty sẽ hoàn thiện thủ tục để báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, vì hiện Nhà nước vẫn nắm 99% cổ phần tại VIMC. Mục tiêu phát hành cổ phiếu tăng vốn lần này có xét ưu tiên cho cổ đông hiện hữu, phát hành cho các đối tác chuyên về vận tải container để hợp tác phát triển vận tải loại hàng này.

Trong phần thảo luận, các cổ đông đã tích cực đóng góp các ý kiến, đặt câu hỏi, Đoàn Chủ tịch cũng đã cập nhật thêm thông tin, trả lời các vấn đề mà các cổ đông quan tâm.

Nhật Quang

Link nội dung: https://pld.net.vn/tong-cong-ty-hang-hai-viet-nam-chao-ban-100-trieu-co-phieu-de-tang-von-dieu-le-a6612.html