Đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam tăng 4 lần

Năm 2021, tổng vốn đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam đạt mức kỷ lục 1,4 tỷ USD, tăng 4 lần so với năm 2020. Con số này cũng cao gấp 1,6 lần so với con số kỷ lục của năm 2019 là 874 triệu USD.

Thông tin trên được rút ra từ Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2021 do Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) công bố sáng 21/4 tại Hà Nội.

Báo cáo cho biết, cùng với tổng lượng vốn tăng, tổng số giao dịch cũng tăng đáng kể, đạt 165 thương vụ, tăng 57% so với năm 2020.

aeb1260f96a158ff01b0-1650596915.jpeg
Bà Lê Hoàng Uyên Vy trình bày báo cáo. Ảnh: BN

Báo cáo lý giải sự gia tăng này đến từ khẩu vị của những nhà đầu tư đang nhanh chóng tập trung vào các nhóm ngành không bị tác động mạnh bởi đại dịch.

Đứng đầu về thu hút vốn đầu tư là ngành thương mại điện tử và thanh toán: thương mại điện tử nhận đầu tư 469 triệu USD, trong khi thanh toán nhận đầu tư 450 triệu USD.

Ngoài ra, đại dịch cũng tạo ra sự bùng nổ về lượng giao dịch ở một số ngành mới, dẫn đến mức tăng trưởng vượt bậc ở những ngành đó. Ba ngành nổi bật nhất gồm y tế, giáo dục và chuyển đổi số trong doanh nghiệp với mức tăng trưởng trong năm 2021 lần lượt là 1.016%, 526% và 205%.

Cũng trong năm 2021, Việt Nam xuất hiện thêm 2 kỳ lân là MoMo (được định giá gần 2 tỷ USD) và Sky Mavis (được định giá gần 3 tỷ USD), nâng tổng số kỳ lân của Việt Nam lên 4. "Thành công này khẳng định vị thế của Việt Nam như một trung tâm công nghệ mới nổi của khu vực" - Báo cáo nhấn mạnh.

Tổng số quỹ đầu tư hoạt động tại Việt Nam trong năm 2021 tăng 60%, phân bổ đồng đều giữa các quốc gia. Trong đó, Singapore là nhà đầu tư tích cực nhất, tiếp theo là Việt Nam và Mỹ.

Các vòng gọi vốn lớn xuất hiện trở lại

Một trong những dấu hiệu đáng mừng của thị trường đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam năm 2021 là tổng giá trị của các thương vụ trên 10 triệu USD đạt gần 1,2 tỷ USD - tương đương 82% tổng số đầu tư, so với 74% vào năm 2020 và 79% vào năm 2019. Trong đó, có 5 giao dịch trị giá trên 50 triệu USD, 12 giao dịch trị giá từ 10 - 50 triệu USD. Đặc biệt, có 5 thương vụ trị giá trên 100 triệu USD trong lĩnh vực thanh toán, thương mại điện tử và Gaming. Các thương vụ đầu tư có giá trị nhỏ đạt 256 triệu USD, tăng 119% so với năm trước.

anh-chup-man-hinh-2022-04-21-luc-100024-1650596915.png
Biểu đồ thể hiện các thương vụ đầu tư có giá trị nhỏ hơn và lớn 10 triệu USD. Nguồn: Do Ventures

Nguồn vốn chảy vào vòng Seed tăng kỷ lục với 73 thương vụ có giá trị từ 0,5 - 3 triệu USD, tăng 2,6 lần so với năm 2020. Các thương vụ ở vùng series A có giá trị từ 3-10 triệu USD cũng tăng 2,1 lần.

Nhận định về kết quả của Báo cáo, bà Lê Hoàng Uyên Vy - Giám đốc điều hành quỹ Do Ventures - nói: "Hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp ở nước ta có những bước hồi phục ấn tượng trong năm 2021 nhờ vào sự bền bỉ của doanh nghiệp và sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ."

Đại diện của Do Ventures cũng dự đoán hai lĩnh vực thương mại điện tử và fintech tiếp tục dẫn đần khi nhiều người tiêu dùng sử dụng sản phẩm trực tuyến. "Chúng tôi dự đoán sẽ có một làn sóng các mô hình mới được quan tâm trong 2 lĩnh vực này, ví dụ như tạp hóa online, mô hình D2C, thương mại điện tử nhanh cùng với các giải pháp tài chính như quản trị tài sản, cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ..." - bà Uyên nói.

Ngoài ra, Do Ventures dự báo, trong năm 2022, các nhà đầu tư có thể sẽ quan tâm tới các lĩnh vực đầy hứa hẹn khác gồm kinh tế sáng tạo (creator economy), nền tảng nâng cao kỹ năng (upskilling platforms) và web 3.0 với sự xuất hiện ngày càng phổ biến của tiền điện tử.

Bích Ngọc

Link nội dung: https://pld.net.vn/dau-tu-vao-khoi-nghiep-viet-nam-tang-4-lan-a6614.html