Tính sai làm tăng hơn 870 tỷ đồng khi xây đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Sau kiểm toán, chi phí thực tế của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông giảm 38 triệu USD. Phần lớn số tiền này khó cắt giảm do tổng thầu không chấp thuận, sẵn sàng đâm đơn kiện.

Sau gần nửa năm đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành, vấn đề thanh quyết toán công trình vẫn chưa được giải quyết xong. Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều chi phí cần cắt giảm nhưng chủ đầu tư không thể thương thảo được với tổng thầu.

Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, tổng số tiền cần giảm trừ, thu hồi tại dự án là 874,5 tỷ đồng (khoảng 38 triệu USD). Nhà nước có thể tiết kiệm được khoản tiền này thông qua cơ chế thu hồi hoặc cắt giảm khi thanh quyết toán với tổng thầu EPC.

Yêu cầu xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai sót

Trong đó, các khoản giảm trừ gồm: Khoản giảm trừ thanh toán (do tính sai khối lượng) là 175,8 tỷ đồng; chủ đầu tư thương thảo với tổng thầu để giảm trừ thêm 428,8 tỷ đồng; hạch toán giảm chi phí đầu tư, phí quản lý, nợ gốc, lãi vai... là 269,7 tỷ đồng. Ngoài ra, số tiền phải thu hồi ngân sách Nhà nước là 91 triệu đồng.

duong sat Cat Linh Ha Dong anh 1

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã bàn giao và vận hành nhưng vẫn chưa giải quyết xong vấn đề quyết toán. Ảnh: Việt Linh.

Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu chủ đầu tư chấn chỉnh công tác đầu tư, xây dựng công trình, công tác quản lý tài chính, kế toán; xem xét xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân có sai sót.

Sau khi tiếp thu kết luận của Kiểm toán Nhà nước, đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Đường sắt đã thu hồi được 91 triệu đồng trả lại ngân sách Nhà nước, gồm 50 triệu đồng từ Công ty CP đầu tư và xây dựng GTVT và 41 triệu đồng từ Văn phòng đăng ký đất đai TP Hà Nội.

Về các khoản giảm trừ, PMU Đường sắt chỉ thực hiện giảm trừ được 360,4 triệu đồng thuộc phần sai về khối lượng đường tránh quốc lộ 6 và giải quyết xong phần hạch toán giảm chi phí đầu tư.

Còn lại 175,5 tỷ đồng giảm trừ thanh toán (tương đương 7,305 triệu USD), PMU Đường sắt cho biết rất khó giảm trừ do tổng thầu không đồng ý phối hợp. Yêu cầu thương thảo với tổng thầu để giảm trừ thêm 428,8 tỷ đồng cũng không thực hiện được do tổng thầu kiên quyết phản đối.

Quá trình thương thảo, tổng thầu cho biết hợp đồng đã ký là hợp đồng trọn gói nên việc thực hiện kết luận của kiểm toán Nhà nước thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, không phải trách nhiệm của tổng thầu. Nếu chủ đầu tư tiếp tục thực hiện giảm trừ sẽ dẫn đến việc tổng thầu kiện ra tòa án và khi đó phần bất lợi sẽ thuộc về chủ đầu tư.

Tổng thầu than tốn kém vì tàu chậm vận hành

Trong báo cáo gửi Bộ GTVT, PMU Đường sắt đã truyền đạt lại quan điểm của tổng thầu Trung Quốc về một số chi phí phát sinh không nằm trong hợp đồng, không được nghiệm thu, chấp thuận nhưng trên thực tế vẫn được tư vấn giám sát theo dõi. Tổng giá trị phát sinh là 49,7 triệu USD.

duong sat Cat Linh Ha Dong anh 2

Tổng thầu Trung Quốc là bên chịu chi phí quản lý dự án phát sinh trong quá trình chờ bàn giao cho chủ đầu tư. Ảnh: Việt Linh.

Cụ thể, tổng thầu đề nghị bổ sung 12 triệu USD chi phí quản lý dự án phát sinh trong quá trình chờ đợi vận hành. Theo thời gian quy định tại phụ lục hợp đồng, dự án sẽ căn chỉnh liên động trong 3 tháng và hoàn thành đưa vào khai thác ngày 31/12/2016. Tuy nhiên, đến tháng 11/2021, dự án mới được bàn giao cho TP Hà Nội để chính thức vận hành.

Ngoài ra, công tác vận hành thử ban đầu được xác định là 3 tháng với chi phí 5,5 triệu USD. Tuy nhiên, tổng thầu thực hiện trong 7 tháng với chi phí 19,4 triệu USD. Chỉ tiêu vận hành thử ban đầu là 5.000 km nhưng thực tế đã chạy 17.000 km, gồm 2 giai đoạn căn chỉnh liên động và vận hành thử hệ thống. Các công việc, chi phí tăng thêm đã khiến tổng chi phí vận hành thử tăng thêm 13,9 triệu USD.

Tổng thầu cũng báo cáo chủ đầu tư một số chi phí khảo sát, thiết kế phát sinh trong giai đoạn thi công.

Dựa trên quan điểm của Kiểm toán Nhà nước và tổng thầu, Ban quản lý dự án Đường sắt đề nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép dùng chi phí phát sinh của tổng thầu làm cơ sở so sánh, bù trừ phần giá trị tăng/giảm trong hợp đồng đã ký; căn cứ đề xuất của tổng thầu để xác định chi phí, rủi ro mà 2 bên phải chịu trong quá trình thực hiện hợp đồng EPC.

PMU Đường sắt mong muốn Bộ GTVT chấp thuận các hạng mục đã được xác định dự toán, đồng thời cho phép thực hiện thanh quyết toán theo giá trị hợp đồng trọn gói. Từ đó, Bộ GTVT kiến nghị Kiểm toán Nhà nước xác nhận kết quả xử lý của chủ đầu tư đối với các nội dung kiểm toán chỉ ra.

Link nội dung: https://pld.net.vn/tinh-sai-lam-tang-hon-870-ty-dong-khi-xay-duong-sat-cat-linh-ha-dong-a6687.html