Liệu pháp CAR-T lấy các tế bào bạch cầu (tế bào T) từ bệnh nhân và điều chỉnh để chúng có thể nhận ra và tiêu diệt tế bào ung thư rồi sau đó đưa tế bào đã chỉnh sửa trở lại vào cơ thể. Phương pháp này đạt được thành công đáng kể trong điều trị ung thư máu, nhưng việc nhắm mục tiêu các khối u rắn thì khó khăn hơn.
Viết trên tạp chí Nature Medicine, nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi TS Lin Shen tại Viện và Bệnh viện Ung thư Đại học Bắc Kinh mô tả cách họ tạo ra các tế bào CAR-T nhắm vào các khối u mang protein CLDN18.2, vốn được tìm thấy trong nhiều loại khối u ung thư, đặc biệt là khối u đường tiêu hóa.
Nhóm Shen truyền tế bào CAR-T đã được chỉnh sửa vào 37 bệnh nhân ung thư dạ dày, đường tiêu hóa hoặc tuyến tụy giai đoạn cuối. Kết quả, gần một nửa (48,6%) trong số họ đến nay đã giảm kích thước khối u.
Phương pháp điều trị có vẻ hiệu quả nhất ở những người bị ung thư dạ dày, với hơn 57% số bệnh nhân đáp ứng liệu pháp.
Tất cả 37 bệnh nhân đều bị các tác dụng phụ, nhưng liệu pháp này có “mức độ an toàn chấp nhận được”, theo nhóm nghiên cứu.
Mục đích của thử nghiệm lần này nhằm đánh giá mức độ an toàn của liệu pháp, tuy nhiên nhóm nghiên cứu cho rằng kết quả chứng tỏ tiềm năng của CAR-T trong điều trị ung thư đường tiêu hóa.
Lấy tế bào miễn dịch, chỉnh sửa và đưa trở lại vào cơ thể đều là các quy trình xâm lấn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho bệnh nhân, do đó các nhà khoa học nhấn mạnh rằng cần xác minh lại các kết quả này trong các thử nghiệm lớn hơn.
Việc thử nghiệm một liệu pháp mới là rất đáng khích lệ vì người bệnh ung thư tiêu hóa có rất ít lựa chọn điều trị. Theo Tổ chức y tế Thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 17.000 ca ung thư dạ dày, chiếm khoảng 10% số ca ung thư mắc mới.
https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/704-viet-nam-fact-sheets.pdf
Hoàng Nam tổng hợp
Link nội dung: https://pld.net.vn/lieu-phap-te-bao-car-t-mo-ra-trien-vong-trong-dieu-tri-ung-thu-da-day-a6693.html