Trường hợp đầu tiên thường được viện dẫn trong bối cảnh những năm 1970 khi tốc độ lan truyền của truyền thông chưa quá lớn như hiện nay: Đài NBC (Mỹ) bị một bà mẹ kiện vì con bà (9 tuổi) trở thành nạn nhân của một vụ hãm hiếp bằng chai bia bởi ba trẻ vị thành niên khác, một trong ba kẻ tấn công thừa nhận có xem cảnh tương tự được công chiếu vào buổi tối - khung giờ xem phim của gia đình - trong phim Born Innocent (1969).
Luật sư của nạn nhân đã cố gắng chứng minh sự “cẩu thả và liều lĩnh” trong lịch phát sóng của Đài NBC là căn nguyên dẫn đến “kích động thành hành vi phạm pháp” còn Đài NBC lấy Tu chính án thứ nhất làm chỗ dựa và khẳng định rằng vụ kiện này sẽ tạo ra những tiền lệ xấu cho việc ngăn cản tự do ngôn luận tại Mỹ.
Vụ kiện trở thành một cột mốc chính khiến ngành truyền hình Mỹ phải siết chặt các quy định về công chiếu nội dung nhạy cảm trên kênh phổ thông; từ đó mở ra một kỷ nguyên phim “thân thiện với gia đình” mà di sản còn tới tận ngày nay với việc Disney thẳng tay gạt bỏ mọi cảnh khiêu dâm hoặc bạo lực ra khỏi những phim dành cho trẻ em.
Tiếp đó là trường hợp đương đại hơn với các phương tiện truyền thông số như trò chơi điện tử: Ngày 24/3/2013, Noah Crooks (13 tuổi) bắn chết mẹ mình bằng 22 phát súng hơi rồi nhắn tin cho cha với nội dung: “Con lỡ tay giết mẹ. Con hối hận lắm. Cha về ngay đi”. Tuy “lỡ tay” trong đời thật, nhưng Crooks dành 18 tiếng mỗi ngày để tập nã đạn trong các game ảo dưới tầng hầm gia đình.
Vậy về mặt pháp luật, có thể cấm các game mà Crooks đã chơi thường xuyên không. Câu trả lời là Không vì nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, ví dụ như David Satcher – đại diện cho ngành y Hoa Kỳ - đã kết luận: “Chúng ta rõ ràng cứ quy kết yếu tố bạo lực trong truyền thông với hành vi bạo lực thật sự. Nhưng trên thực tế tác động [của game] là rất nhỏ so với những yếu tố khác”.
Các yếu tố khác có thể là hoàn cảnh gia đình, điều kiện học tập,... và rất khó đo đếm về mặt pháp lý: trò chơi điện tử có phải yếu tố quyết định gây tội danh hay không.
Cuối cùng, tình huống giả định liên quan đến tự tử trên truyền thông (phức tạp hóa một trường hợp cổ điển là John McCollum, 19 tuổi, đã tự tử khi ở nhà một mình và bật bài hát có tên “Suicide Solution” của Ozzy Osbourne – bài hát nói về chứng nghiện rượu nặng của ca sĩ này như thể một cách chấm dứt cuộc đời sớm):
Thanh niên M đã tự tử bằng thuốc ngủ, đến lúc chết tai nghe của anh vẫn đang phát đi phát lại bài X (có lượt nghe trên mạng rất cao) của của ca sĩ A với phần lời ám chỉ đến việc tự sát và phần nhạc rất trầm uất. Vậy gia đình nạn nhân có thể kiện ca sĩ A không và với tội danh nào?
Từ hai “thất bại” pháp lý trên, hầu hết sinh viên trả lời: Không. Vì đây là tác phẩm nghệ thuật nên việc kiện tụng sẽ rơi vào các đường ranh mờ của tự do ngôn luận và có nhiều nguyên nhân cho việc tự tử thay vì việc chỉ nghe nhạc.
Giảng viên bắt đầu cung cấp thêm các chi tiết giả định để sinh viên thảo luận.
1. Bài hát này đến được tai nạn nhân nhờ thuật toán khuyến nghị (suggest) của một nền tảng nghe nhạc trực tuyến;
2. Nhóm chat trực tuyến bí mật của nạn nhân (thường xuyên thảo luận các vấn đề về trầm cảm) còn nghe nhiều bài có độ u ám cao hơn (cùng của ca sĩ A) nhưng chưa có ai tự tử;
3. Ca sĩ A có ý thức về tác động tiêu cực của bài hát. Sau khi giao nộp bài hát trên cho công ty quản lý và sản xuất nhạc của anh, ca sĩ A đã muốn rút lại bài hát nhưng ban quản lý từ chối vì cần phải đảm bảo số lượng bài hát trực tuyến định kỳ;
4. Các chuyên gia về âm nhạc vẫn tranh cãi về cái gọi là “mức độ ám chỉ đến tự tử” trong lời bài hát đang rất thành công trên thị trường, việc này dẫn đến sự do dự khi ban hành lệnh cấm từ chính quyền. Phần nhạc, tuy u ám, nhưng công chúng lại cho là rất ‘mới lạ và cách tân’.
Đến đây thì lớp học bùng nổ. Có sinh viên cho rằng phải khởi kiện nền tảng trực tuyến và thuật toán khuyến nghị vô nhân đạo kia. Có sinh viên lo ngại các nhóm chat trực tuyến là nơi lây lan văn hóa phẩm rất khó kiểm soát, cần phải sớm có biện pháp quản lý từ nhà nước. Có sinh viên lên án ca sĩ A vì không kiên quyết bảo vệ cả những người đồng bệnh với mình, nhất là khi công ty quản lý còn vô đạo đức nữa. Có sinh viên quan ngại việc cãi nhau về những thứ mù mờ như “mức độ ám chỉ” là không cần thiết, chỉ cần ám chỉ một chút là phải ban hành lệnh cấm.
Các ý kiến hỗn loạn trên là thành công của giờ dạy. Bởi mục tiêu là cho sinh viên thấy hệ thống phức tạp nhiều tầng bậc của truyền thông (khác xa cái thời 20 giờ tối cả nhà quây quần xem một kênh một phim như những năm 1970- 1980). Tương ứng với đó là hệ thống pháp lý cũng phải mang tính phức hợp cao nếu như muốn truy tìm đến cùng căn nguyên và đưa ra chế tài hợp lý.
Điều quan trọng là sinh viên phải từ bỏ ý nghĩ rằng một sản phẩm truyền thông như bài hát trực tuyến của ca sĩ A thì chỉ mình anh A phải chịu trách nhiệm và chỉ có hai loại quan điểm: đồng ý hoặc phản đối tác phẩm.
Quay lại với đời thực. Khi một sản phẩm truyền thông trực tuyến có vấn đề “nhạy cảm” trong nội dung xuất hiện, chúng ta - công luận sẽ phải đặt ra những câu hỏi nào và thảo luận ra sao, thay vì bày tỏ sự giận dữ và đòi hỏi phải cấm đoán để không phải đối mặt với sự khó chịu mà nó mang lại nữa.
Từ góc độ nghiên cứu truyền thông, tôi luôn thảo luận dựa trên năm câu hỏi căn bản nhất của môn “Đọc hiểu truyền thông” (Media literacy):
1. Ai tạo ra thông điệp? Đó khó chỉ là cá nhân một ca sĩ mà rộng hơn có thể là: một công ty sản xuất âm nhạc muốn thu lời, một nền tảng trực tuyến muốn chiếm lĩnh thị phần mới hoặc một tổ chức muốn thao túng dư luận.
2. Những kỹ thuật nào được sử dụng trong thông điệp truyền thông để thu hút sự chú ý? Sẽ có những kỹ thuật lộ liễu như nhân vật chính ăn mặc đẹp, vũ đạo hay, nhạc cuốn hút; nhưng cũng có những kỹ thuật sâu cần có kỹ năng để phân tích: cách phối nhạc theo trường phái nào, màu nền của video có kiểm soát tâm trạng người xem không.
3. Những người khác sẽ tiếp nhận thông tin khác tôi như thế nào? Những người khác là một thế giới rộng lớn các nhu cầu và thị hiếu khác nhau. Đừng thấy 2000 “friend” trên Facebook của bạn đều phản đối một bài nhạc thì tức là cả thế giới đang phản đối nó.
4. Giá trị, quan điểm, lối sống nào đang được thể hiện hoặc bị loại ra khỏi thông điệp truyền thông? Nếu thấy nội dung về tự tử, hãy suy xét kỹ xem đó là một chủ đề để thể hiện quan điểm và quan điểm đó có mở ra các thảo luận công không. Hay tự tử chỉ là một mắt xích trong chuỗi nội dung để đưa ra một thông điệp nào khác.
5. Tại sao thông điệp lại được gửi đi? Một vài lý do cơ bản đã được nêu ở câu 1: kiếm tiền từ lượng truy cập, thu thập dữ liệu người dùng, thao túng, kích động cộng đồng. Với mạng xã hội, có thể nguyên do đến từ chính công chúng – những người có quyền trực tiếp “đòi hỏi” phải có thông điệp chiều ý họ. Tất nhiên sẽ có cả những nguyên do tốt đẹp: nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, mời gọi đối thoại. Nhưng đôi khi chỉ do thuật toán tự động (mà chỉ có người chủ của thuật toán đó biết công thức) đã gửi đến điện thoại của bạn khi bạn thức dậy bắt đầu ngày mới.
Lang Minh
Link nội dung: https://pld.net.vn/thong-diep-chua-yeu-to-bao-luc-tren-truyen-thong-trach-nhiem-thuoc-ve-nhung-ai-a6702.html