Tập đoàn điện lực Singapore cam kết đầu tư hơn nửa tỷ USD vào năng lượng tái tạo Việt Nam

Từ nay đến năm 2025, Tập đoàn SP Group cam kết đầu tư 750 triệu SGD (khoảng 550 triệu USD) cho các dự án năng lượng bền vững tại Việt Nam, bắt đầu bằng các dự án lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các nhà máy đang hoạt động trong khu công nghiệp.

sp-group-5-2022-2-1652858011.jpg
Các đối tác ký kết thỏa thuận mua bán điện | Ảnh: BTC

Ngày 16/5, Tập đoàn Điện lực quốc gia SP Group (Singapore) và nhà phát triển năng lượng mặt trời NuriFlex (Hàn Quốc) đã ký hợp đồng mua bán điện với công ty sản xuất giày thể thao xuất khẩu TKG Taekwang Vina dưới sự chứng kiến của đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc.

Theo đó, SP Group sẽ cùng NuriFlex đầu tư và lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với công suất lên đến 20MWp tại ba nhà máy lớn của TKG Taekwang Vina ở Đồng Nai và Biên Hòa.

Dự kiến, hệ thống đi vào hoạt động từ tháng 10/2022, đáp ứng hơn 10% nhu cầu điện năng cho ba nhà máy, và cắt giảm hơn 22.000 tấn khí thải CO2 hằng năm. Ngoài ra, TKG Taekwang Vina sẽ nhận các chứng nhận về Năng lượng Tái tạo như Chứng nhận Phát Thải Khí Nhà Kính do hệ thống điện mặt trời áp mái này tạo ra.

SP Group đang có chiến lược tận dụng năng lực về giải pháp năng lượng bền vững và kỹ thuật số để nâng cao giá trị gia tăng cho khách hàng tại Việt Nam; đồng thời củng cố vị thế của mình ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tập đoàn này nhấn mạnh việc hợp tác sẽ góp phần hỗ trợ các mục tiêu xanh của Việt Nam, bao gồm tăng gấp đôi công suất phát điện từ gió và năng lượng mặt trời hiện có của quốc gia vào năm 2030 và đạt được mức độ trung hòa các-bon vào năm 2050.

Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây nhất, Tổng giám đốc Stanley Huang của SP Group cho biết Tập đoàn sẽ cam kết đầu tư 750 triệu SGD (khoảng 550 triệu USD) trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 cho các dự án năng lượng bền vững tại Việt Nam.

Theo báo cáo mới củaViện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), nền kinh tế Việt Nam với độ mở lớn đang cần những chiến lược phát triển năng lượng sạch tương thích với những cam kết giảm phát thải carbon của các tập đoàn toàn cầu có chuỗi cung ứng ở Việt Nam.

Hiện nay, điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp và thương mại đang được các nhà phát triển năng lượng đẩy mạnh. Trước SP Group, một số nhà đầu tư lớn đã tiến vào thị trường Việt Nam với cam kết đầu tư hàng trăm triệu USD trong vài năm tới như Tập đoàn Điện lực Pháp EDF, Tập đoàn kinh tế Hàn Quốc SK Group.
Để hỗ trợ cho những xu hướng này, Bộ Công Thương Việt Nam đang chuẩn bị thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện sử dụng năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn thông qua các thỏa thuận mua bán điện. Đây là bước cải cách và chuyển biến lớn đầu tiên được áp dụng, với mục tiêu thúc đẩy thay đổi thị trường mua bán điện hiện nay, đặc biệt là khuyến khích việc sản xuất và sử dụng điện tái tạo tại chỗ.

Cơ chế DPPA dự kiến triển khai từ giai đoạn 2021-2023 với giới hạn công suất ban đầu là 1GW và được kì vọng sẽ giúp giảm áp lực cân đối chi phí mua bán điện cho EVN do việc đàm phán giá điện sẽ là vấn đề riêng giữa doanh nghiệp mua điện và "nhà máy" sản xuất điện tái tạo.

Tập đoàn SP hiện sở hữu và vận hành các doanh nghiệp kinh doanh mạng lưới truyền tải, phân phối điện và khí đốt ở Singapore và Úc, đồng thời cung cấp các Dự án năng lượng bền vững tại Singapore, Việt Nam, và Trung Quốc.

Ngô Hà tổng hợp

Link nội dung: https://pld.net.vn/tap-doan-dien-luc-singapore-cam-ket-dau-tu-hon-nua-ty-usd-vao-nang-luong-tai-tao-viet-nam-a6710.html