Danh sách vừa được Tạp chí Forbes công bố ngày 26/5. Ban tổ chức cho biết năm nay họ nhận được số đề cử cao kỷ lục, lên tới 4.000 ứng viên. Từ đó, các phóng viên và hội đồng thẩm định đã tiến hành đánh giá để chọn ra 300 cái tên nổi bật nhất đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ.
10 hạng mục được vinh danh bao gồm Nghệ thuật; Giải trí & Thể thao; Tài chính & Đầu tư mạo hiểm; Truyền thông, Tiếp thị & Quảng cáo; Bán lẻ & Thương mại điện tử; Công nghệ doanh nghiệp; Công nghiệp, Sản xuất & Năng lượng; Chăm sóc sức khỏe & Khoa học; Tác động xã hội và Công nghệ tiêu dùng.
Để được chọn, các ứng viên phải thể hiện được khả năng lãnh đạo, tinh thần kinh doanh và tiềm năng thành công trong ngành. Các yếu tố khác cũng được xem xét gồm yếu tố đổi mới, quy mô, sự phát triển của dự án kinh doanh, và vai trò của ứng viên trong các quyết định cuối cùng của công ty.
Kết quả, Ấn Độ có số gương mặt được vinh danh cao nhất với 61 người; đứng thứ 2 là Singapore với 34 người; Nhật Bản - 33 người; Australia - 22 người...
Việt Nam có 5 đại diện trong danh sách này, gồm:
Nghệ sĩ Trần Thị Bích Ngọc (lĩnh vực Nghệ thuật):
Theo giới thiệu của Forbes, từ năm 2013 khi mới 19 tuổi, Trần Thị Bích Ngọc đã tìm cách biến những vết sẹo thành tác phẩm nghệ thuật. Ngọc tin rằng việc che đi những vết sẹo là một phần của quá trình chữa lành, đặc biệt là cho những người phụ nữ, giúp họ sống hạnh phúc hơn. Ngọc vừa tốt nghiệp Thạc sỹ ngành Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình tại trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội.
CEO Coin98 Finance Nguyễn Thế Vinh (lĩnh vực Tài chính)
Nguyễn Thế Vinh từng là kỹ sư phần mềm tại FPT Software TPHCM. Đam mê công nghệ mới và tin vào tiềm năng của blockchain, Vinh là người tiên phong ở Việt Nam tập trung vào công nghệ này và lập ra Coin98 Finance. Năm 2021, Coin98 nhận được 12,5 triệu USD trong vòng gọi vốn hạt giống. Hồi đầu năm 2022, Coin98 tiếp tục nhận được một khoản đầu tư chiến lược từ Binance
CEO Phenikaa MaaS Lê Yên Thanh (lĩnh vực Công nghiệp - Sản xuất)
Với dự án BusMap xây dựng từ những năm còn đi học, Lê Yên Thanh đã sớm nổi danh. Sau đó, sản phẩm này được Phenikaa mua lại và hình thành công ty Phenikaa MaaS chuyên về các giải pháp giao thông thông minh. Công nghệ của BusMap đã được ứng dụng trong việc phát hành bản đồ dịch tễ COVID-19 có 18 tỉnh, thành ở Việt Nam.
Busmap đang có kế hoạch triển khai ở Thái Lan.
Nguyễn Thanh - Phó tổng Giám đốc VinBus (lĩnh vực Công nghiệp - Sản xuất)
Dù còn rất trẻ, Nguyễn Văn Thanh đã trở thành Phó tổng giám đốc VinBus. Anh gia nhập Vinbus từ năm 2019. Trước đó, anh từng khởi nghiệp với công ty may mặc cho trẻ em dưới 18 tuổi và từng làm việc ở KFC Việt Nam, Cargill Việt Nam và Lazada Việt Nam.
Nhà thiết kế Uyên Trần của TômTex (lĩnh vực Công nghiệp - Sản xuất)
Điểm khác biệt của Uyên Trần là mong muốn tạo ra mô hình kinh doanh thời trang bền vững. Uyên Trần tự phát triển loại một vật liệu sinh học mềm dẻo, có thể phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên và hoạt động như phân bón. Vật liệu này được đặt tên là TômTex.
Uyên Trần đã thành lập phòng thí nghiệm ở Mỹ và TômTex mới nhận đầu tư 1,7 triệu USD.
Bích Ngọc
Link nội dung: https://pld.net.vn/5-nguoi-viet-vao-danh-sach-forbes-under-30-asia-2022-a6751.html