Quỹ KH&CN địa phương và doanh nghiệp: Nút thắt cơ chế?

Trải qua 15 năm với một nghị định, bốn thông tư hướng dẫn và một quyết định về tổ chức - hoạt động, đến giữa năm 2022, các quỹ KH&CN cấp địa phương và doanh nghiệp vẫn còn chưa thôi loay hoay tìm cách gỡ nút thắt cơ chế.

Không chỉ các tập đoàn lớn và không chỉ hai thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM mới cần đổi mới công nghệ, ứng dụng những công nghệ mới và các hoạt động thúc đẩy sáng tạo khác. Chính những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm tới 96% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, và những địa phương chưa thực sự nổi trội về các hoạt động KH&CN lại là những nơi “khát” công nghệ mới và cần tiếp cận những hoạt động đổi mới công nghệ để vượt qua khó khăn nhất. Do vậy, mơ ước của những nhà quản lý KH&CN là được thấy những vùng trũng công nghệ đó có nguồn kinh phí ổn định và bền vững đi kèm một cơ chế chi thông thoáng, thuận lợi để có thể chủ động giải quyết những bài toán của chính mình.

9eefamaegteuj-1181x886-1655088947.jpeg
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao ở Bình Dương. Nguồn: Báo Bình Dương

Ý tưởng về việc thành lập các quỹ KH&CN cấp bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã được ươm mầm như vậy từ cuối những năm 2000. Sau đó, với sự đồng thuận của các cơ quan liên quan, rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quỹ KH&CN đã được ban hành với những hướng dẫn quan trọng về cơ chế hoạt động và cơ chế tài trợ. Dòng tiền đã được đổ về các quỹ, với quỹ KH&CN địa phương là ngân sách nhà nước còn với quỹ KH&CN của doanh nghiệp là 10% doanh thu… Những tưởng tất cả đã tạo đà cho các quỹ có thể đi vào vận hành và mở ra một chu trình thành công như dự kiến. Tuy nhiên, những gì diễn ra trên thực tế lại hoàn toàn đi ngược lại dự kiến ban đầu.

Vậy tại sao quỹ KH&CN, một ước mong đẹp đẽ của các nhà quản lý KH&CN, cộng thêm sự ủng hộ nhiệt thành của các cơ quan chức năng, lại không thể thành hiện thực, sau ngần ấy năm?

Băn khoăn về mô hình

Nhiều năm trở lại đây, trong các cuộc hội nghị giám đốc sở KH&CN các địa phương và các hội thảo phát triển vùng, những câu chuyện về quỹ KH&CN địa phương và doanh nghiệp thường được đề cập đến với nhiều thắc mắc, thậm chí bức xúc. Có một số nội dung thường xuất hiện trở đi trở lại trong các câu chuyện này, đó là “làm thế nào để giảm bớt thủ tục giấy tờ khi doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay của quỹ?”, “cách nào để vừa hỗ trợ được doanh nghiệp nhưng vẫn bảo toàn vốn ngân sách?”, “cách nào để các doanh nghiệp có thể tiêu được chính tiền của mình?”... Dường như còn có rất nhiều những thắc mắc tỉ mỉ khác trong công việc quản lý, điều hành dòng tiền dành cho KH&CN này nhưng trong khuôn khổ một hội nghị thì đại diện các sở KH&CN địa phương chỉ có thể nêu ra một số điều bức thiết nhất bởi đây chính là những rào cản lớn họ gặp phải trong quá trình vận hành một tổ chức hoàn toàn mới.

Có lẽ, hơn ai hết, các nhà quản lý KH&CN ở địa phương cảm thấy hết sức lúng túng với mô hình quỹ. Được đánh giá là bước đột phá về đổi mới cơ chế quản lý KH&CN ở Việt Nam, cơ chế quỹ đã đem lại sự linh động trong đầu tư cho các hoạt động KH&CN và đã được chứng thực qua mô hình thành công của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED) khi góp phần làm thay đổi bộ mặt của các ngành khoa học cơ bản và nâng cao năng lực của đội ngũ nghiên cứu Việt Nam. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ quá trình vận hành của một quỹ chuyên đầu tư cho khoa học cơ bản với những yêu cầu năng lực đầu vào của các chủ nhiệm đề tài và yêu cầu sản phẩm đầu ra là các bài báo trên tạp chí chuyên ngành có bình duyệt không thể áp dụng cho các quỹ KH&CN địa phương, vốn chỉ tập trung tài trợ cho các doanh nghiệp và các tổ chức KH&CN trong và ngoài địa phương thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng, giải quyết vấn đề ở chính doanh nghiệp hoặc cơ sở. Trong khi đó, Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (NATIF), mô hình phù hợp nhất họ có thể học hỏi được, cũng đang phải vận lộn để tồn tại, thậm chí có thời gian tạm dừng việc tài trợ/hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện các đề tài đổi mới công nghệ, đón nhận chuyển giao công nghệ, do còn vướng mắc ở cơ chế, điều lệ hoạt động.

Trong suốt quá trình tồn tại, quỹ KH&CN các địa phương vận hành dưới sự quản lý của UBND tỉnh, thành phố với nguồn vốn từ ngân sách sự nghiệp KH&CN, thu từ lãi cho vay và thực hiện nhiệm vụ theo nguyên tắc bảo tồn vốn, không vì lợi nhuận. Các quy định pháp lý đem lại cho các quỹ KH&CN địa phương một phương thức hỗ trợ và tài trợ được kỳ vọng là linh hoạt, trong đó chủ yếu hướng đến việc tài trợ cho các đề tài về công nghệ mới do doanh nghiệp của tỉnh thực hiện hoặc phối hợp với các tổ chức KH&CN thực hiện với mức tài trợ không quá 30% tổng khi phí thực hiện đề tài; cho vay thực hiện các dự án hoàn thiện công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu, các dự án chuyển giao công nghệ, đổi mới sản phẩm…

Tuy nhiên có một thực tế trong triển khai hoạt động, với xu hướng tinh giản biên chế được áp dụng ở các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước, các quỹ KH&CN địa phương thường bao gồm một cơ cấu cán bộ gọn nhẹ nhất có thể, trong đó không ít người là kiêm nhiệm, ví dụ trong hội đồng quản lý quỹ của Quỹ KH&CN Bình Dương có tới bảy thành viên kiêm nhiệm nên không được điều hành bởi những người chuyên nghiệp.

Thoạt nhìn điều này có vẻ như không hề hấn gì nhưng đến khi bắt tay vào việc mới xảy ra những rào cản: sự chưa rõ ràng về mặt mô hình là tổ chức KH&CN hay đơn vị sự nghiệp hưởng ngân sách nhà nước khác được cộng thêm nguyên tắc bảo toàn vốn khiến các thành viên kiêm nhiệm cảm thấy chùn tay. Do đó, họ thường chọn những gì dễ làm, dễ thấy cơ hội thành công, ví dụ như chọn cho vay với lãi suất thấp hơn là tài trợ hoặc “chắc ăn” hơn là thực hiện ủy thác với đơn vị tín dụng bên ngoài, như cách Quỹ KH&CN TP.HCM, Bình Dương, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Thái Bình… đã áp dụng. Theo lý giải trên báo Vĩnh Phúc vào tháng 12/2021 của ông Hà Huy Bắc, Phó Giám đốc Quỹ Phát triển KH&CN Vĩnh Phúc, “Quỹ là đơn vị sự nghiệp, không phải là một tổ chức tín dụng nên không đủ điều kiện để thực hiện các hoạt động cho vay và bảo lãnh vốn vay. Do quỹ chưa hình thành được bộ phận/nhóm tín dụng nên phải thông qua ủy thác với Ngân hàng TMCP Công thương, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Vĩnh Phúc”.

Cách làm này tuy an toàn nhưng tình trạng này kéo dài khiến mô hình quỹ ở địa phương không còn nhiều ý nghĩa như mục tiêu ban đầu.

Bộc lộ những rào cản

Câu chuyện về quỹ KH&CN địa phương là một câu chuyện dài, không chỉ liên quan đến năng lực của bộ máy tổ chức mà còn liên quan đến dòng tiền ngân sách. Về cơ bản, các quỹ này đều được thành lập trước khi Luật Ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2015 và chính thức có hiệu lực từ năm ngân sách 2017. Theo Luật Ngân sách nhà nước và Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Ngân sách nhà nước thì ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, còn nếu các quỹ KH&CN địa phương chọn theo mô hình đơn vị sự nghiệp/quỹ trong ngân sách nhà nước thì sẽ nhận kinh phí theo cơ chế dự toán như các đơn vị sự nghiệp KH&CN thông thường. Do đó, chọn cách thức hoạt động nào cũng có cái khó của nó, dù theo “cái mũ” quỹ nhà nước ngoài ngân sách hay là quỹ trong ngân sách nhà nước.

Đây cũng là lý do trong Hội nghị giao ban KH&CN vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vào tháng 6/2019, đại diện Vụ Tài chính (Bộ KH&CN) đã thừa nhận vướng mắc về quy định tài chính này và cho biết phải rà soát tính chất từng quỹ là đơn vị trong ngân sách hay ngoài ngân sách, nếu là quỹ trong ngân sách nhà nước thì sẽ phải bảo toàn vốn khi hỗ trợ doanh nghiệp và nội dung tài trợ không được trùng lắp với nội dung các nhiệm vụ KH&CN khác của nhà nước.

Với một quỹ tài chính, bất kể trong hay ngoài ngân sách, dòng tiền huyết mạch cần phải được lan tỏa đến những nơi cần nó và đem lại sức sống mới ở những nơi đó. Trong trường hợp các quỹ KH&CN địa phương, đơn vị được thụ hưởng đó chủ yếu là các doanh nghiệp đóng trên địa bàn địa phương đang cần nâng cao năng lực hoặc đón nhận một công nghệ mới có thể giải quyết vấn đề ở địa phương hoặc vùng. Xét về tính chất thì chính các doanh nghiệp địa phương, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đều rất khát vốn để đón nhận chuyển giao công nghệ mới. Họ sẽ tìm đến quỹ KH&CN địa phương chứ? Trên thực tế thì không hẳn, ví dụ theo lời ông Hà Huy Bắc, sau 11 năm hoạt động thì Quỹ KH&CN Vĩnh Phúc mới chỉ thẩm định và giải ngân được cho 35 dự án, nghĩa là trung bình 3 dự án/năm, trong khi theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có trên 13.000 doanh nghiệp.

Câu chuyện diễn ra ở Bình Dương cũng tương tự như Vĩnh Phúc: số lượng doanh nghiệp được vay hoặc tài trợ rất ít. Theo báo cáo gửi Bộ KH&CN năm 2019, Sở KH&CN Bình Dương cho biết, kể từ khi đi vào hoạt động đến năm 2019, Quỹ KH&CN Bình Dương mới cho vay ưu đãi 21 dự án, mặc dù số lượng doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu hoạt động cho vay của quỹ thì nhiều. Theo lý giải của Sở thì ngoài việc thủ tục vẫn còn rườm rà thì việc các doanh nghiệp không có tài sản thế chấp và yêu cầu hóa đơn tài chính cho giải ngân (hóa đơn đỏ và theo thông lệ là làm tăng chi phí so với giải ngân khi vay thương mại) là những rào cản chính. Nếu dựa vào quy trình tiếp nhận hồ sơ vay vốn của Quỹ KH&CN Bình Dương, vốn được thiết kế theo đúng quy định của văn bản quy phạm pháp luật, thì có hơn 10 bước để được giải ngân vay vốn từ đơn vị ủy thác là Quỹ đầu tư phát triển Bình Dương.

Những rườm rà trong thủ tục là nguyên nhân khiến không ít doanh nghiệp thất vọng. Báo Vĩnh Phúc dẫn lời ông Ngô Văn Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư OSUM Vĩnh Phúc, nơi sản xuất, gia công các mặt hàng thủy tinh pha lê như ly, cốc, bình hoa… bằng nguồn nguyên liệu và phôi nhập ngoại, “ba năm qua, sau nhiều lần bổ sung hồ sơ, công ty vẫn chưa đủ điều kiện vay vốn từ Quỹ phát triển KH&CN tỉnh. Cuối cùng để duy trì hoạt động, ổn định việc làm cho công nhân, công ty đã phải chuyển sang vay vốn ngân hàng”. Ông Hà Huy Bắc giải thích, hiện vướng nhiều thủ tục pháp lý do chưa có cơ chế của Nhà nước. Không riêng gì trường hợp của OSUM Vĩnh Phúc mà các dự án vay vốn của quỹ này đều phải lấy tài sản cố định để đảm bảo cho khoản vay bằng (chủ yếu là đất, dù quỹ cho phép doanh nghiệp dùng tài sản là máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ làm tài sản thế chấp), trong khi vay tiền ngân sách nên ngân hàng phải thẩm định chặt chẽ (thông thường bằng 60-70% giá trị thực). Kết quả là giá trị thế chấp được định giá thấp, số tiền được vay không cao, thời gian được vay ngắn (trung bình là ba năm) nên khó trích khấu hao tài sản cố định, trong khi tại các ngân hàng thương mại, vốn vay để mua sắm máy móc, thiết bị có thời gian cho vay trung bình là từ 5 đến 7 năm.

Trải qua quá nhiều khó khăn như vậy nhưng “phần thưởng” họ đón nhận lại nhỏ. Với Quỹ KH&CN Vĩnh Phúc, nơi quản lý nguồn vốn 150 tỷ đồng, số tiền mỗi dự án được vay dao động trong khoảng 2 đến 2,5 tỷ đồng, một con số mà Quỹ này thừa nhận là con số rất nhỏ so với nhu cầu đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, ngay cả doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với Quỹ KH&CN Bình Dương, nếu trong giai đoạn 2008-2015, do vốn điều lệ ở mức 10 tỷ đồng nên hạn mức vay cũng xấp xỉ Vĩnh Phúc, còn trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, do vốn điều lệ được bổ sung 115 tỷ đồng nên hạn mức được tăng lên 10 tỷ/dự án.

Dẫu vậy, đây vẫn là con số trong mơ của các quỹ KH&CN địa phương khác. Phần lớn nguồn tiền rót vào các quỹ địa phương hiện nay phần lớn đều dưới mức 15 tỷ đồng nên đều được cho là quá thấp so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thấp so với tỷ trọng đầu tư cho KH&CN. Trên trang web của mình, Quỹ KH&CN Bình Định thừa nhận được rót 10 tỷ và được phân bổ trong vòng năm năm.

Nếu tích hợp tất cả những khó khăn này lại, có thể lý giải vì sao mỗi khi đề cập đến hoạt động thì đại diện các quỹ KH&CN địa phương đều than thở là doanh nghiệp không mặn mà. Đây cũng là lý do mà theo thống kê tại Hội nghị giám đốc sở KH&CN địa phương năm 2022, cả nước mới có 35/63 tỉnh, thành lập quỹ KH&CN địa phương, trong đó có ba nơi đã giải thể hoạt động của quỹ là Đà Nẵng, Kiên Giang và Trà Vinh. Còn nhớ tại hội nghị giao ban KH&CN vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng “vò đầu bứt tóc” vì khó giải ngân, dù trong quỹ có tiền. Nhìn tổng thể, đến hết năm 2021, tổng kinh phí mà các quỹ KH&CN địa phương trên toàn quốc đã giải ngân là 502 tỷ đồng, chỉ xấp xỉ một nửa tổng số vốn đã cấp.

Sử dụng đồng tiền của nhà nước đã khó nhưng sử dụng chính đồng tiền của mình làm ra thông qua hình thức quỹ KH&CN cũng khó bội phần. (Còn tiếp)

8dcanh-quy-khcn-dia-phuong-1-1655088947.jpg
Sau nhiều lần bổ sung hồ sơ, Công ty cổ phần đầu tư OSUM Vĩnh Phúc vẫn chưa đủ điều kiện được vay vốn từ Quỹ Phát triển KHCN Vĩnh Phúc. Ảnh: Trà Hương/Vĩnh Phúc

Một số văn bản pháp luật đáng chú ý liên quan đến quỹ KH&CN địa phương và doanh nghiệp

Quyết định số 36/2007/QĐ-BTC ngày 16/5/2007 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp;

Thông tư số 15/2011/TT-BTC ngày 9/2/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp;

Thông tư số 105/2012/TT-BTC ngày 25/6/2012 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2011/TT-BTC hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN.

Thông tư liên tịch hướng dẫn số 12/2016/TTLT-BKH&CN-BTC do Bộ KH&CN và Bộ Tài chính ban hành để hướng dẫn về nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.

Thông tư 05/2022/TT-BKHCN do Bộ KH&CN ban hành nhằm hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.

Thanh Nhàn

Link nội dung: https://pld.net.vn/quy-khcn-dia-phuong-va-doanh-nghiep-nut-that-co-che-a6832.html