Để hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh tham gia chuyển đổi số, UBND tỉnh Thái Nguyên đang triển khai thử nghiệm mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng. Đến cuối tháng 5, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập 2.256 Tổ công nghệ số cộng đồng, với gần 17.000 thành viên.
Cùng với 9 địa phương khác gồm Bắc Giang, Lạng Sơn, Lai Châu, Hậu Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hưng Yên và Hải Phòng, tỉnh Thái Nguyên cũng đã hoàn thành 100% cấp xã có Tổ công nghệ số cộng đồng.
Lộ trình triển khai các hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng tại Thái Nguyên trong năm nay cũng đã được Sở TT&TT vạch rõ. Theo đó, ngay trong tháng 6 này, các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng của tỉnh sẽ tập trung hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các nền tảng công nghệ số: Nền tảng công dân số C-Thái Nguyên, nền tảng xã hội số Thái Nguyên ID và “Sổ tay Đảng viên”. Tháng 7, các Tổ này sẽ tập trung vào các nhiệm vụ hướng dẫn người dân truy cập và sử dụng Cổng TTĐT của tỉnh, huyện, xã để tra cứu thông tin; tuyên truyền, hướng dẫn người dân dùng dịch vụ công trực tuyến...
Là một trong những địa phương đầu tiên triển khai mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng như là 1 “cánh tay nối dài” của chính quyền tham gia hỗ trợ đưa các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân, đến nay Lạng Sơn đã lập 1.684 Tổ công nghệ cộng đồng, với 7.777 thành viên.
Theo Sở TT&TT Lạng Sơn, từ ngày 12/5 đến nay, Tổ công nghệ số cộng đồng tại Lạng Sơn đã tập trung “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng nền tảng “Công dân số Xứ Lạng” và các ứng dụng thương mại số, thanh toán số. Với sự tham gia của lực lượng này, đến ngày 8/6, Lạng Sơn đã phát triển được 8.142 tài khoản “Công dân số Xứ Lạng”, 19.877 tài khoản thương mại số, 1.379 tài khoản thanh toán điện tử.
Trước đó, mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng cũng đã có những đóng góp quan trọng vào chuyển đổi số địa phương, nhất là phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh. Tính đến trung tuần tháng 5, lực lượng này đã tham gia hỗ trợ phát triển 126.567 cửa hàng số. Đặc biệt, Lạng Sơn đã hoàn thành sớm chỉ tiêu 50% số hộ gia đình có cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử.
Trao đổi với ICTnews, đại diện Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT nhấn mạnh, các Tổ công nghệ số cộng đồng được coi là cánh tay nối dài của Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số và tại địa phương là cánh tay nối dài của chính quyền, Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của quốc gia, của tỉnh, huyện, xã, phường, thôn, phố. Tổ công nghệ số cộng đồng hướng tới thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó sẽ trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ.
Để thúc đẩy các địa phương triển khai hiệu quả mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng, thời gian tới, Cục Tin học hóa sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tiếp tục đôn đốc khẩn trương thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Đồng thời, đôn đốc và đề nghị các địa phương tuyên truyền kênh Zalo đến các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tham gia kênh chuyển đổi số quốc gia.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phát triển Khoa học, Công nghệ và Tài năng trẻ thuộc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Sở TT&TT các tỉnh, thành phố tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và đội ngũ cán bộ Đoàn của tỉnh, thành phố. “Xây dựng một tài liệu hướng dẫn các thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng triển khai các nền tảng số quốc gia phục vụ người dân cũng là việc chúng tôi sẽ tập trung trong thời gian tới”, đại diện Cục Tin học hóa chia sẻ.
Link nội dung: https://pld.net.vn/34-dia-phuong-lap-hon-27000-to-cong-nghe-cong-dong-ho-tro-nguoi-dan-chuyen-doi-so-a6845.html