Đến lượt doanh nghiệp thép kêu khó vì bị siết tín dụng

Dòng tiền không thể xoay vòng, cùng với việc ngân hàng mạnh tay siết chặt tín dụng đã tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn để ngành thép phát triển bền vững” mới đây, ông Trịnh Tiến Anh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam, cho biết tại thời điểm này, hàng tồn kho của Shengli Việt Nam khá cao do nhu cầu về thép xây dựng thấp.

“Để tháo gỡ khó khăn, chúng tôi bắt buộc phải phải cắt giảm sản xuất từ 3 ca/ngày xuống còn 2 ca/ngày, thậm chí có những giai đoạn phải dừng sản xuất”, ông Anh cho biết.

Trước đó, trong ĐHĐCĐ thường niên của Tập đoàn Hòa Phát, Chủ tịch Trần Đình Long đã cảnh báo ngành thép năm 2022 sẽ gặp nhiều khó khăn, không được thuận lợi như năm ngoái.

Giải ngân ghìm đà tiêu thụ thép giảm

Trên thực tế, ngành thép đang chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19, sự ảnh hưởng lớn từ cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine, cùng với việc ngân hàng mạnh tay siết chặt cho vay bất động sản.

Bên cạnh đó, một số dự thảo văn bản đối với ngành công nghiệp nặng vẫn còn một số vướng mắc. Đây chính là rào cản gây áp lực lớn tới sản xuất kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu của doanh nghiệp thép.

Hiện nay, đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Nếu giá thép và giá các loại vật liệu xây dựng khác tăng cao sẽ gây ngừng trệ sản xuất và tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

image-20220624081604-1-1656036410.jpeg

Giải ngân đầu tư công chậm khiến tiêu thụ thép sụt giảm

Theo Bộ Tài chính, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 22,3% kế hoạch, trong đó có tới 41/51 bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Việc giải ngân đầu tư công chậm đã ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành thép Việt Nam trong thời gian qua.

Ngành xây dựng đang bước vào mùa cao điểm, nhưng trên thực tế sản lượng bán hàng thép xây dựng lại sụt giảm đáng kể trong thời gian qua. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, sản xuất thép thành phẩm trong tháng 4.2022 của toàn ngành đạt gần 3 triệu tấn, giảm 11,3% so với tháng trước và giảm 1,1% so với cùng kỳ 2021. Tiêu thụ thép các loại đạt hơn 2,4 triệu tấn, giảm 22,5% so với tháng trước và giảm 15,6% so với cùng kỳ.

Sản lượng tiêu thụ thép nội địa cũng như kênh xuất khẩu suy yếu kèm theo giá nguyên liệu đầu vào cũng hạ nhiệt đã tạo áp lực lên giá thép trong xây dựng trong nước.

Việc giá thép giảm là điều đáng mừng, bởi thị trường xây dựng phụ thuộc rất lớn vào thị trường vật liệu xây dựng, trong đó thép chiếm tỷ lệ không nhỏ. Tuy nhiên, giá mặt hàng này được dự báo còn nhiều biến động khi cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu trên thế giới tăng cao… tác động đến giá thép trong nước.

Bên cạnh đó, những đợt hạ nhiệt giá thép những ngày gần đây cũng sẽ khó giúp nhà thầu xây dựng trong nước giảm bớt khó khăn, bởi ngoài thép thì hầu hết các mặt hàng vật liệu xây dựng khác như xi măng, cát sỏi đều tăng chóng mặt. Vì thế, tiến độ các dự án đầu tư nói chung, dự án đầu tư công nói riêng sẽ khó tăng tốc.

Ngành thép tiếp tục khó khăn

Tính chu kỳ là đặc điểm rất rõ ở các ngành sản xuất, ngành thép cũng không phải là ngoại lệ. Sau giai đoạn thị trường bùng nổ trong năm 2021, đến nay, ngành sản xuất này đang có nhiều dấu hiệu "bên kia sườn đồi" của chu kỳ kinh doanh.

Trong quý 1 vừa qua, ngành thép vẫn còn hưởng “vị ngọt” tăng trưởng của năm 2021. Tuy nhiên, bước sang quý 2, các doanh nghiệp sản xuất thép trong ngành bắt đầu “thấm đòn” khi đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

image-20220624081604-2-1656036443.jpeg

Bước sang quý 2.2022, các doanh nghiệp thép bắt đầu “thấm đòn” khi đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Hiện giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất thép như than, dầu, khí… đều tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm liên tục giảm, dẫn đến tiêu thụ chậm, hàng tồn kho cao. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp thép sụt giảm rõ rệt, thậm chí thua lỗ.

Mặc khác, giá nguyên liệu để sản xuất thép thời gian qua cũng diễn biến phức tạp. Cụ thể, giá các mặt hàng này tăng cao trong quý 1, nhưng đến đầu quý 2 thì giá lại quay đầu giảm. Các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu nguyên liệu giá cao tại các thị trường bên ngoài, nhưng khi thép nguyên liệu chưa về đến Việt Nam thì giá nguyên liệu lại quay đầu đã giảm, gây thiệt hại rất lớn, làm đội chi phí sản xuất lên nhiều lần.

Ngoài ra, việc ngân hàng siết chặt tín dụng cũng đã phần nào tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thép. Cùng với đó là yếu tố dòng tiền. Khi sản xuất lưu thông, bán hàng bình ổn sẽ mang lại dòng tiền tốt để doanh nghiệp có điều kiện tái sản xuất. Tuy nhiên, chính vì sản lượng tiêu thụ thép khó khăn trong khi lượng hàng tồn kho cao khiến nhiều doanh nghiệp thép mấp mé bên bờ vực thua lỗ.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, dự báo các doanh nghiệp thép trong nước sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức và những yếu tố bất ổn trong 6 tháng cuối năm 2022.

Gợi mở hướng phát triển cho ngành thép, Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam cần xây dựng các tổ hợp luyện kim quy mô lớn, tập trung sản xuất các loại thép có dung lượng thị trường lớn để bước đầu làm chủ công nghệ sản xuất. Từ đó tiếp tục sản xuất các mác thép đặc biệt, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ đa dạng nhu cầu ngành cơ khí, chế biến chế tạo.

Bên cạnh đó, khuyến khích các nhà đầu tư mới đầu tư khu liên hợp sản xuất gang thép tại các vùng duyên hải, có cảng nước sâu. Đối với vấn đề thị trường, cần đa dạng hóa sản phẩm thép, mở rộng các thị trường nước ngoài đối với các loại thép có lợi thế cạnh tranh, xuất khẩu các sản phẩm thép có giá trị gia tăng trong nước cao.

Hữu Việt

Link nội dung: https://pld.net.vn/den-luot-doanh-nghiep-thep-keu-kho-vi-bi-siet-tin-dung-a6912.html