Nợ xấu gia tăng
Theo báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 mà Chính phủ trình Quốc hội, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu đến 31/3/2022 là khoảng 377.900 nghìn tỷ đồng.
"Điều này cho thấy, chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD nói chung và tại một số TCTD nói riêng cần tiếp tục được lưu ý trong thời gian tới (theo quy định của pháp luật hiện hành thì đây chưa phải là nợ xấu mà là những khoản nợ do cơ quan quản lý nhà nước chủ động nhận diện, có các giải pháp quản lý, kiểm soát và dự phòng trong trường hợp những khoản nợ đó có thể chuyển thành nợ xấu trong tương lai)", Chính phủ báo cáo Quốc hội.
Nợ khó đòi, còn được gọi là khoản "cho vay kém hiệu quả", "nợ xấu", là một thuật ngữ dùng để mô tả các khoản nợ quá hạn trả lãi hoặc gốc quá thời hạn quy định (thường là 90 ngày).
Mỗi ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ căn cứ vào khả năng thanh toán của khách hàng để xác định thời gian trả gốc hoặc lãi. Các cá nhân, tổ chức thuộc nhóm nợ khó đòi, nợ quá hạn sẽ xuất hiện trên CIC - Trung tâm Thông tin Tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 02/2013 / TT-NHNN, được sửa đổi bổ sung bởi Điều 1 Thông tư 09/2014 / TT-NHNN, tổ chức tín dụng phân loại nợ thành 05 nhóm như sau:
Nhóm 1: Nợ đủ tiêu chuẩn
Đây là các khoản nợ mà bên vay được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi đúng hạn. Đồng thời, khoản nợ này là nợ quá hạn có thời hạn dưới 10 ngày và phải trả lãi quá hạn là 150%.
Nhóm 2: Nợ cần quan tâm
Những khoản nợ này là những khoản cần phải được quan tâm. Có 3 loại khác nhau, trong đó phổ biến và điển hình nhất là nợ quá hạn từ 10 đến 90 ngày và nợ được điều chỉnh tiến độ thanh toán lần đầu.
Nhóm 3: Nợ dưới chuẩn
Đây là nợ dưới tiêu chuẩn bao gồm 5 loại khác nhau, trong đó phổ biến và điển hình nhất là nợ quá hạn từ 91 đến 180 ngày và nợ gia hạn lần đầu.
Nhóm 4: Nợ nghi mất vốn
Đây là khoản nợ khó đòi bao gồm 6 loại khác nhau, trong đó phổ biến và điển hình nhất là nợ quá hạn từ 181 đến 360 ngày và nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai.
Nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn
Đây là các khoản nợ có khả năng mất vốn, bao gồm 8 loại khác nhau, trong đó phổ biến và điển hình nhất là nợ quá hạn trên 360 ngày và nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ từ lần thứ 3 trở lên.
Mặc dù nhiều khoản nợ đã được cơ cấu lại, theo báo cáo tài chính do 27 ngân hàng công bố, tổng số dư nợ xấu đến thời điểm 31/3/2022 vẫn tăng 11% so với cuối năm trước với hơn 109.600 tỷ đồng.
Đứng đầu trong bảng xếp hạng nợ xấu là VPBank với 18.094 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm ngoái.
Đứng thứ hai là Vietinbank có số nợ xấu trên 15.300 tỷ đồng, tăng 7%. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) giảm nhưng riêng nhóm nợ 5 (nợ có khả năng mất vốn) lại tăng mạnh 36%.
BIDV xếp vị trí thứ ba với con số nợ xấu tăng nhẹ 1% so với cuối năm 2021, lên 13.730 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu là 0,97%, giảm nhẹ so với mức 1% hồi cuối năm ngoái.
Tại Vietcombank, mặc dù ghi nhận quy mô nợ xấu tăng mạnh lên đến 37% nhưng vẫn đứng thứ tư trong nhóm các ngân hàng được thống kê, với con số nợ xấu là 8.372 tỷ đồng.
Liên tục rao bán
Kể từ năm ngoái, các ngân hàng bước vào cuộc đua, đẩy mạnh hoạt động xử lý và thu hồi nợ xấu thông qua việc rao bán hàng loạt khoản nợ, tài sản đảm bảo với giá trị từ vài chục cho tới vài tram, nghìn tỷ đồng.
Điển hình như Vietinbank, trong tháng 5 và tháng năm nay, nhà băng này đã phát đi hàng chục thông báo về việc bán đấu giá và lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản, khoản nợ để thu hồi và xử lý nợ xấu.
Đáng chú ý, đa số các khoản nợ đang được ngân hàng này rao bán đều có giá trị lớn từ vài chục cho tới vài trăm tỷ đồng.
Cụ thể, VietinBank thông báo lựa chọn đơn vị để định giá tài sản đảm bảo cho khoản nợ 1.364 tỷ đồng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Võ Thị Thu Hà. Khoản nợ này được đảm bảo bằng hàng loạt bất động sản như 4 lô đất tại xã Tân An, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; 5 lô đất tại thị xã Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước và nhiều lô đất khác, nhà máy, kho gạo thuộc sở hữu của Công ty Võ Thị Thu Hà tại tỉnh Đồng Tháp.
Vietinbank cho biết muốn chuyển nhượng toàn bộ khoản nợ (gốc, lãi, phí...) phát sinh với Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Dầu Khí Đại Lộc tại Chi nhánh Thủ Đức để xử lý thu hồi nợ vay. Tổng dư nợ của khoản vay này đến ngày 13/5 là hơn 119 tỷ đồng, bao gồm 80,4 tỷ nợ gốc và 38,6 tỷ đồng nợ lãi. Khoản vay có tài sản đảm bảo là lô đất tại địa chỉ 336 Nguyễn Chí Thanh, phường 5, quận 10, TP.HCM cùng một số tài sản khác.
Không riêng VietinBank, hàng loạt ngân hàng lớn khác cũng đang đẩy mạnh việc bán đấu giá khoản nợ giá trị lớn, hay đẩy mạnh việc bán đấu giá tài sản đảm bảo mà trước đó đã được rao bán bất thành.
Chẳng hạn như, trong tháng 5, Vietcombank ra thông báo bán đấu giá tài sản thế chấp của Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí với giá khởi điểm 270,6 tỷ đồng để thu hồi nợ. Tài sản được mang ra bán đấu giá là 20% phần vốn góp của Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí trong tòa nhà PV Gas Tower tại TPHCM. Trước đó, Vietcombank từng nhiều lần rao bán khoản nợ liên quan dự án này nhưng đều không có người mua. Trước đó, Vietcombank rao bán khoản nợ với giá khởi điểm hơn 340 tỷ đồng.
Vietcombank cũng đã 16 lần thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Việt Trường Sơn. Giá khởi điểm sau mỗi lần bất thành đều được điều chỉnh giảm bớt. Trong lần rao bán vào đầu tháng 6, giá khởi điểm đã giảm xuống còn 20,6 tỷ đồng trong khi tổng dư nợ là 34,9 tỷ đồng.
Tại BIDV, trong hàng chục thông báo bán đấu giá tài sản vào đầu tháng 5, nhiều khoản nợ được nhà băng rao bán nhiều lần nhưng chưa có người mua.
Đơn cử như 2 khoản nợ 253 tỷ tại Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà Bách Giang và 262 tỷ tại Công ty TNHH Xây dựng thương mại Cao Nguyên được BIDV rao bán đến lần thứ 10 vẫn chưa có người mua. Hai khoản nợ này đều được đảm bảo bằng phần tài sản hình thành từ vốn vay liên quan Dự án Khu dân cư phố 4 tại phương Phước Long A, quận 9, TP.HCM. Giá khởi điểm được ngân hàng đưa ra là 252,8 tỷ, cao hơn 27% so với dư nợ gốc (198 tỷ đồng), nhưng thấp hơn một nửa so với giá trị nợ, lãi đến nay.
Trong tháng 6, Agribank ra thông báo đấu giá lần thứ 28 khoản nợ của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng. Trong thông báo lần này, Agribank đưa ra giá khởi điểm là 365 tỷ đồng, giảm 40 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên là 405 tỷ đồng vào tháng 11/2018.
Tại báo cáo chính thức trình Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 42, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380.200 tỷ đồng nợ xấu.
Theo NHNN, tính đến tháng 3/2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2% (1,53%). Tuy nhiên, NHNN cho biết, nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 có nguy cơ chuyển nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tại VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao 5,76%.
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2023. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc kéo dài thời hạn tối đa này là khớp với Nghị quyết 43 của Quốc hội về gói hỗ trợ kích thích kinh tế.
Khánh Chi
Link nội dung: https://pld.net.vn/ngan-hang-dua-xu-ly-no-xau-phat-di-hang-chuc-thong-bao-ban-dau-gia-tai-san-chi-trong-1-thang-a6924.html