Xuất khẩu vật liệu cát trắng silic, cát vàng cần phải có tiêu chuẩn, hạn mức

Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng cân đối nhu cầu của thị trường, quy định về chỉ tiêu kỹ thuật xuất khẩu cát trắng silic, cát vàng khuôn đúc sau tuyển, chế biến.

Trước những kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Bộ Xây dựng và một số doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc xuất khẩu cát trắng silic, cát vàng khuôn đúc sau tuyển, chế biến.

Để tháo gỡ khó khăn trên của doanh nghiệp về hoạt động khai thác, xuất khẩu loại vật liệu này, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 3930/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.

image-20220627132050-1-1656316126.jpeg
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu cát trắng silic, cát vàng khuôn đúc

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện theo Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản và Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 về chủ trương không xuất khẩu cát xây dựng khai thác từ tự nhiên.

Trên cơ sở cân đối nhu cầu của thị trường trong nước và bảo đảm dự trữ khoáng sản, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng quy định về chỉ tiêu kỹ thuật để xuất khẩu cát trắng silic, cát vàng làm khuôn đúc sau tuyển, chế biến.

Theo Vụ Vật liệu xây dựng, cả nước hiện có khoảng 1,4 tỷ tấn cát trắng silic, các mỏ tập trung chủ yếu ở các tỉnh duyên hải ven biển miền Trung và Nam Trung bộ.

Được biết, các sản phẩm cát xuất khẩu gồm cát trắng silic đã qua chế biến làm nguyên liệu cho sản xuất thủy tinh và kính xây dựng, cát vàng đã qua chế biến làm khuôn đúc là những sản phẩm có giá trị cao hơn nhiều lần so với cát khai thác ở trạng thái nguyên khai và có giá xuất khẩu cao hơn so với giá bán tại thị trường trong nước.

Các nước đang nhập khẩu cát silic của Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines… Trong đó, Hàn Quốc là nước nhập khẩu nhiều nhất với khối lượng hằng năm chiếm hơn 50%, đứng thứ 2 là Nhật Bản.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu phải đảm bảo yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ của khoáng sản, có giấy phép khai thác còn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp. Sản phẩm xuất khẩu đã qua chế biến, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu theo Thông tư 04/2012/TT-BXD.

Thiên An

Link nội dung: https://pld.net.vn/xuat-khau-vat-lieu-cat-trang-silic-cat-vang-can-phai-co-tieu-chuan-han-muc-a6949.html