Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 183/TB – VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng ban chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến lần thứ 3 Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Vì sao chậm tiến độ?
Phó Thủ tướng nêu rõ, việc hoàn thành 23 dự án thành phần để nối thông suốt toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Cà Mau với tổng chiều dài 2.063km trong năm 2025 là mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Quan điểm chỉ đạo nhất quán phải thực hiện bằng được mục tiêu này, trong đó cuối năm 2022 hoàn thành 361,5km, đến tháng 3/2024 hoàn thành 652km và năm 2025 hoàn thành thêm 729km.
Đối với Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, trong số 4 dự án hoàn thành năm 2022, chỉ có dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 đáp ứng tiến độ yêu cầu; còn lại 3 dự án chậm tiến độ từ 1,53% đến 3,8%. Trong số 6 dự án hoàn thành năm 2023 và năm 2024, có 4 dự án đáp ứng kế hoạch và 2 dự án chậm tiến độ so với kế hoạch.
Các nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ do: chưa hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng (tỉnh Nghệ An còn 155m và tỉnh Khánh Hòa còn 500m), thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường (tỉnh Khánh Hòa còn thiếu 0,8 triệu m3, tỉnh Ninh Thuận còn thiếu khoảng 2,0 triệu m3 và tỉnh Bình Thuận thiếu khoảng 2,2 triệu m3) và ảnh hưởng của biến động giá.
Để sớm khắc phục những nội dung trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh: Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và các địa phương liên quan cần chỉ đạo quyết liệt hơn, xử lý dứt điểm công tác bồi thường GPMB và nguồn vật liệu đất đắp nền đường theo chỉ đạo của Thủ tướng; hoàn thành các thủ tục liên quan bàn giao mặt bằng, mỏ vật liệu đất đắp trong tháng 6/2022 theo đúng cam kết tại cuộc họp, đặc biệt là tỉnh Bình Thuận cần tạo điều kiện để các nhà thầu sớm khai thác vật liệu phục vụ cho dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đáp ứng tiến độ hoàn thành trong năm 2022.
Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung, quyết liệt hơn nữa tại công trường; yêu cầu các Ban quản lý dự án, nhà thầu có biện pháp, tăng cường nhân lực, thiết bị, tăng ca, kíp, khắc phục khó khăn về điều kiện thời tiết… để bù đắp khối lượng đã bị chậm để bảo đảm tiến độ theo cam kết; kịp thời chấn chỉnh, điều chuyển khối lượng công việc trong trường hợp không đáp ứng yêu cầu.
“Các Ban quản lý dự án chỉ đạo các nhà thầu phải tổ chức triển khai thi công ngay sau khi được bàn giao mặt bằng; kiên quyết xử lý nhân sự của Ban quản lý dự án, thay thế nhà thầu không thực hiện đúng cam kết”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Không lặp lại chậm bàn giao mặt bằng
Đối với Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, Phó Thủ tướng nhắc nhở các đơn vị liên quan tuyệt đối không lặp lại việc chậm bàn giao mặt bằng và thiếu vật liệu đất đắp nền đường - nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ các dự án thành phần của giai đoạn 2017-2020.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT chủ động hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành, triển khai Dự án theo nhiệm vụ đã được Chính phủ; yêu cầu hoàn thành việc phê duyệt các dự án thành phần trước ngày 30/2022; khẩn trương bàn giao mốc mặt bằng đối với phần còn lại cho địa phương, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/6/2022.
UBND các tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị liên quan để thỏa thuận các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải (bảo đảm đúng, đủ trữ lượng và chất lượng theo yêu cầu của từng dự án), hoàn thành trước ngày 25/6/2022.
Về chi phí đền bù GPMB, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là dự án trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước, các địa phương không được tùy tiện ban hành đơn giá, hệ số điều chỉnh giá đất thiếu cơ sở làm tăng chi phí đền bù bất hợp lý.
Về việc chỉ định các gói thầu mới, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật để triển khai thực hiện, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Theo nghị quyết của Quốc hội, cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 sẽ gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau.
Về phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư, nghị quyết quyết nghị đầu tư khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công.
Về nhu cầu sử dụng đất và phương án giải phóng mặt bằng, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỉ đồng. Tiến độ thực hiện là chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Bá Di
Link nội dung: https://pld.net.vn/pho-thu-tuong-chi-dao-nong-ve-tinh-trang-cham-tien-do-cac-du-an-thanh-phan-cao-toc-bac-nam-a6953.html