Các virus đường ruột gây tiêu chảy và rối loạn dạ dày, chẳng hạn như virus rota, được tìm thấy tồn tại trong nước bằng cách gắn vào các hạt vi nhựa, các hạt nhựa có đường kính dưới 5mm. Các nhà nghiên cứu của Đại học Stirling nhận thấy virus vẫn có khả năng lây nhiễm, gây ra nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe.
Giáo sư Richard Quilliam, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Stirling, cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng virus có thể bám vào vi nhựa và điều đó cho phép chúng tồn tại trong nước trong ba ngày, có thể lâu hơn.”
Trong khi nghiên cứu trước đây đã được thực hiện trong môi trường vô trùng, đây là nghiên cứu đầu tiên về cách virus hoạt động trong môi trường thực tế. Họ đã sử dụng các phương pháp phòng thí nghiệm tiêu chuẩn để xác định xem liệu virus được tìm thấy trên vi nhựa trong nước có lây nhiễm hay không.
Ông nói: “Chúng tôi không chắc virus có thể tồn tại tốt như thế nào bằng cách bám trên nhựa trong môi trường, nhưng chúng vẫn tồn tại và vẫn có khả năng lây nhiễm."
Các phát hiện, một phần của dự án trị giá 1,85 triệu bảng Anh được tài trợ bởi Hội đồng Nghiên cứu Môi trường Tự nhiên xem xét cách chất dẻo vận chuyển vi khuẩn và virus, kết luận rằng vi nhựa cho phép truyền mầm bệnh trong môi trường. Bài báo được đăng trên tạp chí Environmental Pollution.
Quilliam nói: “Virus có khả năng lây nhiễm trong môi trường trong ba ngày, khoảng thời gian đó đủ lâu để đi từ các công trình xử lý nước thải ra bãi biển công cộng."
Ông nói, các nhà máy xử lý nước thải không thể thu được vi nhựa. “Ngay cả khi một nhà máy xử lý nước thải đang làm mọi cách để làm sạch chất thải trong nước thải, nước thải ra vẫn có vi nhựa trong đó, sau đó được vận chuyển xuống sông, vào cửa sông và cuốn lên bãi biển”.
Những hạt nhựa này rất nhỏ nên người bơi có thể nuốt phải. “Đôi khi chúng trôi dạt trên bãi biển thành những viên nhỏ có kích thước bằng hạt đậu lăng, có màu sắc rực rỡ mà trẻ em có thể nhặt và cho vào miệng.
Mặc dù tác động của vi nhựa đối với sức khỏe con người vẫn chưa chắc chắn, nhưng “nếu những mảnh vi nhựa đó bị xâm chiếm bởi mầm bệnh, thì đó cũng là một nguy cơ sức khỏe đáng kể,” Quilliam nói.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm cả hai loại virus, loại có màng bao bọc xung quanh, "một lớp vỏ lipid", chẳng hạn như virus cúm, và những loại không có màng như virus đường ruột rotavirus và norovirus. Họ phát hiện ra rằng ở virus có lớp bọc, lớp bao này nhanh chóng tan biến và virus chết, trong khi những virus không có lớp bao kết dính thành công với vi nhựa và sống sót.
“Virus cũng có thể bám vào các bề mặt tự nhiên trong môi trường,” Quilliam nói, “nhưng ô nhiễm trên nhựa kéo dài hơn rất nhiều so với những vật liệu đó”.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm virus trong ba ngày, và sẽ tiếp tục nghiên cứu xem chúng có thể lây nhiễm bao lâu trong các nghiên cứu trong tương lai.
Công Nhất
Link nội dung: https://pld.net.vn/virus-ton-tai-trong-nuoc-ngot-bang-cach-bam-tren-nhua-a7040.html