Lịch sử phát triển chưa quá dài, cộng thêm tính bảo mật đặc thù khiến nhiều người, bất kể ở Đông hay Tây, khó mà biết được một phiên tham vấn – trị liệu tâm lý thực sự diễn ra như thế nào. Trên màn ảnh, hình tượng nhà trị liệu tâm lý xuất hiện nhiều hơn những năm gần đây nhưng đáng tiếc lại chẳng mấy thực tế. Ví dụ, trong một bộ phim truyền hình do Hàn Quốc sản xuất năm 2021, nhân vật “nhà trị liệu tâm lý” vô tư nói hết những vấn đề của nhân vật nữ chính trước mặt nhiều người khác. Nếu diễn ra ngoài đời, “nhà trị liệu tâm lý” đó đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Tham vấn – điều trị tâm lý là một quá trình điều trị dài hơi và xuyên suốt quá trình ấy, nhà trị liệu tâm lý sẽ đồng hành cùng thân chủ. Nhà trị liệu tâm lý không thể đọc được tâm trí của bạn, chẳng thể lập tức tháo gỡ khúc mắc của bạn, càng không có nhu cầu phân tích tâm lý tất cả mọi người xung quanh. Hoạt động tham vấn – trị liệu tâm lý chỉ diễn ra trong văn phòng tâm lý, nơi luôn đảm bảo sự an toàn. Nếu tiếp nhận bạn là thân chủ, nhà trị liệu tâm lý sẽ quan sát và hỏi chuyện bạn, để ý từ hàm răng đến chiếc áo bạn mặc và sắp xếp những mảnh thông tin thu lượm được thành một bức tranh hoàn chỉnh về con người bạn, từ đó giúp bạn nhìn rõ hơn và chấp nhận những khó khăn của mình để tìm ra giải pháp phù hợp. Nghe thật dễ, nhưng quá trình này có thể kéo dài hàng năm trời.
Nghề tham vấn – trị liệu tâm lý không phải chỉ nghe là có tiền. Nhà trị liệu tâm lý phải trở thành chiếc bình sẵn sàng chứa đựng mọi cảm xúc của thân chủ, từ tích cực đến tiêu cực. Họ phải sẵn sàng hứng chịu mọi cơn giận, mọi giọt nước mắt và mọi lời lẽ tấn công. Họ phải trở thành tấm gương để thân chủ có thể soi được bản thân trong đó.
Nếu đã quen với thể loại sách self-help, bạn có thể bất ngờ với nội dung của Có lẽ bạn nên đi gặp ‘bác sĩ tâm lý' bởi bên cạnh câu chuyện cuộc đời của các nhân vật là những thông tin khoa học, thậm chí là trích dẫn tiêu chuẩn chẩn đoán từ Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần phiên bản thứ Năm do Hiệp hội Tâm thần Mỹ (APA) xuất bản. Ngay cả khi không đưa ra chẩn đoán chính thức, nhà trị liệu tâm lý chuyên nghiệp vẫn cần đánh giá dựa trên các bằng chứng xác thực. Một nhà trị liệu tâm lý là một nhà khoa học.
Đan xen hành trình chữa lành cho người khác và hành trình chữa lành bản thân của nhân vật chính, Có lẽ bạn nên đi gặp ‘bác sĩ tâm lý’ sẽ giúp độc giả hiểu thêm về những nỗi đau vốn bị đánh giá thấp, như nỗi đau chia tay. Người ta hay cho rằng nếu chưa kết hôn, chia tay chẳng có gì nghiêm trọng. Nhân vật chính đã cho thấy sự thật không phải như thế vì khi chia tay, dù kết hôn hay chưa, ta vẫn mất đi nhiều thứ cùng mối quan hệ, không chỉ con người mà còn thời gian, sự đồng hành, thói quen thường ngày, những trò đùa, các kỷ niệm. Dự định tương lai ta đề ra cũng sẽ phải thay đổi.
Khi có một lượng kinh nghiệm nhất định, một nhà trị liệu tâm lý hẳn sẽ nhận ra chẳng có nỗi đau nào là không quan trọng và chẳng ai thoát khỏi nỗi đau, ngay cả những người tưởng chừng rất hiểu về nỗi đau như họ. Có lẽ bạn nên đi gặp ‘bác sĩ tâm lý’ như một tấm gương soi cho những người làm nghề tâm lý.
Ở các nước tiên tiến như Pháp hay Mỹ, đi trị liệu tâm lý là một phần bắt buộc của chương trình đào tạo nhà trị liệu tâm lý. Kể cả khi đang hành nghề, họ vẫn cần được tiếp tục trị liệu. Điều này không chỉ đơn thuần giải tỏa vấn đề tâm lý của những cá nhân đảm đương công việc chăm sóc sức khỏe tinh thần người khác, mà còn tạo điều kiện cho quá trình làm việc được diễn ra chuyên nghiệp và lành mạnh. Chỉ khi tự trải nghiệm trị liệu, nhà trị liệu tâm lý mới hiểu rằng việc gõ cửa văn phòng tâm lý khó đến thế nào, khi nào nên kết thúc tiến trình và đâu là ranh giới giữa mình với thân chủ. Chưa kể, nếu một nhà trị liệu tâm lý không sẵn sàng đối diện với khó khăn của mình thì họ sẽ làm việc với thân chủ thế nào đây?
So với bản tiếng Anh, phiên bản tiếng Việt của Có lẽ bạn nên đi gặp ‘bác sĩ tâm lý’ truyền tải tương đối trọn vẹn thông điệp. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là tựa đề Maybe you should talk to someone được dịch thành Có lẽ bạn nên đi gặp ‘bác sĩ tâm lý’. Dù để trong ngoặc kép, cụm từ “bác sĩ tâm lý” vẫn dễ tô đậm thêm sự lẫn lộn danh xưng vốn khiến những người làm nghề tâm lý chuyên nghiệp khó chịu từ lâu. Là người có kiến thức dược lý và hiểu biết về các triệu chứng, nhưng nhà trị liệu tâm lý không kê thuốc, chẩn đoán bệnh hay tiên lượng mà chỉ đưa ra đánh giá. Họ không chữa trị ai vì với họ, không ai bị hỏng cả. Họ không gọi những vị khách đến văn phòng mình là “bệnh nhân”, cũng không sử dụng từ “khỏi bệnh” bởi họ biết các vấn đề tâm lý rất khó biến mất hoàn toàn. Nhà trị liệu tâm lý không phải bác sĩ y khoa. Chức năng, cách làm việc của hai ngành nghề này hoàn toàn khác nhau và trong nhiều trường hợp cần phối hợp, như người trầm cảm nặng vừa cần được kê đơn thuốc để cân bằng mức độ các chất dẫn truyền thần kinh (nhiệm vụ của bác sĩ tâm thần) vừa cần một không gian an toàn để nói ra, nhận diện và giải quyết những nỗi đau tinh thần (nhiệm vụ của nhà trị liệu tâm lý). Việc gọi nhà trị liệu tâm lý là “bác sĩ tâm lý” có thể khiến xã hội hiểu sai về nghề nghiệp này đồng thời tạo nên những kỳ vọng không thực tế, ví dụ thân chủ nghĩ rằng đến gặp nhà trị liệu tâm lý một – hai buổi là bình thường trở lại.
Nhưng bất cập nhỏ về dịch thuật đó không làm giảm giá trị của Có lẽ bạn nên đi gặp ‘bác sĩ tâm lý’ như một tác phẩm quan trọng, nhất là trong bối cảnh ngành tâm lý học Việt Nam còn non trẻ. Giống như nhân vật chính, ai trong chúng ta cũng đều có thể có những vấn đề về tâm lý, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Nhưng liệu điều đó có cho ta thấy mình yếu kém? Hẳn là không, bởi ta là người. Và nếu một nhà trị liệu tâm lý cũng cần điều trị tâm lý thì còn lý do nào khiến ta xấu hổ, ngại ngần khi tìm đến sự trợ giúp?
Minh Trang
Link nội dung: https://pld.net.vn/khi-nha-tri-lieu-tam-ly-cung-can-di-tri-lieu-a7122.html