Di dời resort, mở đường xuống biển cho người dân và du khách
Trước những bức xúc của người dân, tỉnh Bình Định và Khánh Hòa đang triển khai việc di dời một số khu nghỉ dưỡng (resort), khách sạn nhằm trả lại không giản bãi biển cho người dân.
Tương tự, thành phố Đà Nẵng cũng đã làm việc với chủ đầu tư các dự án ven biển nhằm triển khai việc mở đường xuống biển cho người dân và khách du lịch.
Ngày 24/6 vừa qua, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, đã chủ trì cuộc họp và đi đến kết luận triển khai công tác di dời Khu nghỉ dưỡng Evason Ana Mandara Nha Trang để trải lại cho bãi biển cho người dân.
Ông Hoàng yêu cầu Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa dừng hoạt động lưu trú tại dự án khu nghỉ mát Evason Ana Mandara Nha Trang vào ngày 30-6, đồng thời tháo bỏ hàng rào, tạo thông thoáng và mỹ quan khu vực.
Ông Hoàng cũng yêu cầu công ty này khẩn trương lập phương án tháo dỡ, di dời các hạng mục công trình thuộc dự án dự án Evason Ana Mandara Nha Trang, gửi về UBND thành phố Nha Trang và Sở Xây dựng.
Song song với đó, ông Hoàng đề nghị Công ty TNHH SOVICO Khánh Hòa khẩn trương đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng dự án Evason Ana Mandara Resort & Spa (giai đoạn 1) tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, đưa vào khai thác hoạt động và đón khách trong tháng 7/2022.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu sau khi hoàn thành việc tháo dỡ và di dời công trình, Công ty TNHH SOVICO Khánh Hòa thực hiện bàn giao mặt bằng cho UBND thành phố Nha Trang quản lý sử dụng theo quy định.
Không riêng gì Khánh Hòa, tỉnh Bình Định cũng đang thực hiện các công việc có liên quan đến việc di dời một số khách sạn cao tầng bên bờ biển Quy Nhơn.
Việc di dời các dự án này được người dân địa phương đồng tình ủng hộ. Trong nhiều buổi tiếp xúc cử tri, người dân địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị đến đại biểu HĐND các cấp nhằm đôn đốc việc triển khai di dời các dự án nêu trên.
Trong khi Bình Định và Khánh Hòa triển khai quyết liệt công tác di dời các dự án chắn biển thì thành phố Đà Nẵng lại chọn hướng giải quyết mềm mỏng hơn bằng việc thỏa thuận với chủ đầu tư các dự án nhằm mở đường xuống biển cho người dân và du khách.
Theo đó, thành phố tập trung đầu tư các công viên biển, yêu cầu chủ đầu tư các dự án du lịch, nghỉ dưỡng, bất động sản ven biển đầu tư xây dựng các lối đi dọc bờ biển (đoạn từ lối xuống biển Hồ Xuân Hương đến lối xuống biển giữa Khu du lịch Ariyana và Furama), công viên mở phục vụ công cộng (dự án Khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu, DAP).
Đồng thời thu hồi đất các dự án trước đây để quy hoạch xây dựng các công viên biển (Công viên cuối đường Huyền Trân Công Chúa), mở rộng các bãi tắm công cộng (bãi tắm Non Nước).
Việc làm này của UBND thành phố Đà Nẵng cũng nhận được rất nhiều sự đồng tình, ủng hộ của người dân địa phương và cả khách du lịch.
Những bất cập trong quy hoạch
Có thể thấy rằng, nhu cầu thụ hưởng không gian bãi biển là quyền lợi chính đáng của mọi người dân và du khách. Vì vậy, việc triển khai cấp phép các dự án chắn biển, bít đường xuống biển đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ phía người dân các địa phương.
Thực tiễn việc quy hoạch và cấp phép các dự án ven biển tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định nêu trên là bài học quý giá cho các địa phương có biển trong cả nước trong việc triển khai công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch và cấp phép đầu tư các dự án ven biển trong thời gian tới.
Nhấn mạnh hơn nữa về tầm quan trọng của vấn đề này, nhiều chuyên gia về quy hoạch đề nghị các địa phương cần quan tâm hơn nữa trong công tác lập quy hoạch các khu vực ven biển. Đặc biệt là ở thời điểm hiện nay, khi mà các tỉnh, thành đang triển khai lập quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trình bày tham luận tại một hội thảo về quy hoạch các đô thị ven sông, ven biển diễn ra mới đây tại Quảng Nam, nhiều chuyên gia đã chỉ ra hàng loạt bất cập liên quan đến công tác quy hoạch các đô thị ven biển.
Theo đó, việc quy hoạch xây dựng và công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức nên chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và phát triển.
Nhiều dự án tập trung ven biển dẫn đến thiếu không gian, cự ly cần thiết để tạo không gian công cộng dành cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án "treo", gây lãng phí đất đai. Phần lớn các quy hoạch cụ thể ở không gian “mặt tiền” này được thực hiện dựa trên tư duy quy hoạch đô thị biển chứ không dựa trên các nguyên tắc quy hoạch không gian du lịch biển.
Sự phát triển ồ ạt các dự án bất động sản, cho phép các chủ đầu tư xây dựng các công trình sát biển hay xu hướng tư nhân hóa bãi biển, đặc biệt những công trình kiến trúc nhà ở, thương mại cao tầng án ngữ tầm nhìn, đã tiềm ẩn nguy cơ kìm hãm và làm tổn hại cơ hội phát triển trong tương lai của đô thị.
Chưa hết, quy hoạch một số đô thị biển Việt Nam đã triển khai cũng là những bài học quý giá cho các địa phương trong việc phát triển các đô thị biển.
Đơn cử như việc tập trung phần lớn các dự án BĐS du lịch không kết nối với tổng thể đô thị nên về đêm thì khu này trở nên vắng vẻ, không khai thác được kinh tế du lịch đêm…
Hay sau khi phân lô cho những khu nghỉ dưỡng cao cấp đã dẫn đến hệ lụy người dân mất đường ra biển, không được sử dụng tài nguyên biển một cách thuận lợi, du khách bị cắt rời khỏi cộng đồng dân cư.
Theo các chuyên gia, để tránh những hệ quả đáng tiếc này cần có một quy hoạch phát triển tổng thể, trong đó quyền lợi của các thành phần dân cư và kinh tế đều được cân nhắc và bàn thảo trước khi thực hiện.
Lê Phước Bình
Link nội dung: https://pld.net.vn/bat-cap-tu-viec-phan-lo-cac-du-an-khu-du-lich-ven-bien-a7211.html