Danh mục 34 cảng biển Việt Nam

Trong số 34 cảng biển Việt Nam có 2 cảng biển loại đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu.

cang-bien-viet-nam-1657509335.jpeg

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 804/QĐ-TTg ngày 8/7/2022 công bố danh mục cảng biển Việt Nam gồm 34 cảng biển.

Theo danh mục, trong 34 cảng biển Việt Nam có 2 cảng biển loại đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu.

11 cảng biển loại I gồm: Cảng biển Quảng Ninh, Cảng biển Thanh hóa, Cảng biển Nghệ An, Cảng biển Hà Tĩnh, Cảng biển Đà Nẵng, Cảng biển Quảng Ngãi, Cảng biển Bình Định, Cảng biển Khánh Hòa, Cảng biển TP Hồ Chí Minh, Cảng biển Đồng Nai, Cảng biển Cần Thơ.

7 cảng biển loại II gồm: Cảng biển Quảng Bình, Cảng biển Quảng Trị, Cảng biển Thừa Thiên Huế, Cảng biển Bình Thuận, Cảng biển Đồng Tháp, Cảng biển Hậu Giang và Cảng biển Trà Vinh.

Danh sách 14 cảng biển: Nam Định, Thái Bình, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang là cảng biển loại III.

Trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1579 /QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, từ đây đến 2030, Việt Nam sẽ có 5 nhóm cảng biển, trong đó có 2 cảng biển đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu; 15 cảng biển loại I, 06 cảng biển loại II, 13 cảng biển loại III…

Mục tiêu của quy hoạch cảng biển nhằm đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 đến 1.423 triệu tấn (trong đó hàng container từ 38 đến 47 triệu TEU); hành khách từ 10,1 đến 10,3 triệu lượt khách trong giai đoạn từ đây đến năm 2030.

Ngoài ra quy hoạch cũng đặt mục tiêu đến năm 2050, năng lực hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,0 đến 4,5%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,2 đến 1,3 %/năm.

Nguyễn Văn

Link nội dung: https://pld.net.vn/danh-muc-34-cang-bien-viet-nam-a7291.html