Những nút thắt của phương Tây trong viện trợ quân sự cho Ukraine

Xung đột Nga-Ukraine đã phơi bày tình trạng khan hiếm nguồn cung quốc phòng của phương Tây, đặc biệt là với những loại vũ khí không tối tân nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong các cuộc giao tranh.

Khi Mỹ đặt hàng 1.300 tên lửa phòng không Stinger hồi tháng 5 để thay thế cho số tên lửa đã được gửi tới Ukraine, Giám đốc điều hành của Raytheon trả lời rằng: “Việc này sẽ mất một khoảng thời gian”.

Pháp đã gửi cho Ukraine 18 lựu pháo Caesar – khoảng 1/4 tổng số lựu pháo công nghệ cao của nước này. Tuy nhiên, để bù lại số lượng đã chuyển cho Kiev, công ty Nexter của Pháp sẽ mất khoảng 18 tháng.

1-1657584568-1657593889.jpg

Lô tên lửa Stinger được chuyển cho Ukraine. Ảnh: Getty

Xung đột Nga-Ukraine đã phơi bày tình trạng khan hiếm nguồn cung quốc phòng của phương Tây – đặc biệt là với những loại vũ khí không tối tân nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong các cuộc giao tranh như lựu pháo. Thiếu năng lực sản xuất, thiếu lao động và các vấn đề về chuỗi cung ứng, đặc biệt là chip máy tính, khiến các nước phương Tây cần phải có thời gian dài mới có thể bổ sung lại số vũ khí đã gửi đi.

Những yếu tố cổ điển không được chú trọng

Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, các nước phương Tây tập trung vào vũ khí công nghệ cao và sản xuất tinh gọn, khiến tầm quan trọng của việc dự trữ thiết bị cơ bản bị lu mờ.

Ông Jamie Shea, cựu Giám đốc hoạch định chính sách của NATO, hiện là cộng sự tại Tổ chức Nghiên cứu Chatham House của Anh cho biết: “Xung đột ở Ukraine là một bài học cho thấy các yếu tố cổ điển như pháo binh, lực lượng mặt đất, các lực lượng đồn trú vẫn đóng vai trò quan trọng để giành chiến thắng trong các cuộc chiến”.

Sự thiếu hụt này hiện nay đang ảnh hưởng đến khả năng của phương Tây trong việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Theo chuyên gia về mua sắm quốc phòng của Mỹ, ông Alex Vershinin, cuộc xung đột hiện nay cho thấy “sự trở lại của chiến tranh công nghiệp”.

“Nó giống như cuộc khủng hoảng pháo kích lớn trong Thế chiến thứ nhất”, ông Shea nói, nhắc lại vụ bê bối vào năm 1915 khi việc sử dụng số lượng pháo lớn trong chiến tranh chiến hào đã làm cạn kiệt nguồn cung cấp của Anh. Việc thiếu hụt khí tài khi đó đã dẫn đến tổn thất quân số lớn và khiến Thủ tướng HH Asquith đã phải từ chức.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nhận định các nước phương Tây sẽ phải tham gia vào một cuộc chiến kéo dài tương đương với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vì kho đạn dược dự trữ “không đủ để đối phó với những mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt”.

Phương Tây tập trung vào các vũ khí hiện đại

Không ai tin rằng phương Tây sẽ cạn kiệt các loại vũ khí cơ bản khi viện trợ cho Ukraine. Giới chức các nước nói rằng, phần lớn các thiết bị chuyển cho Ukraine vẫn có sẵn hoặc có thể được thay thế bằng các hệ thống tương tự.

Ngân sách quốc phòng năm 2021 trị giá 66 tỷ USD của Nga chỉ bằng một phần nhỏ so với tổng ngân sách hơn 1.100 tỷ USD của các nước NATO. Tuy nhiên, phần lớn ngân sách NATO chi cho các vũ khí tiên tiến như máy bay chiến đấu, nhưng lại ít được phương Tây sử dụng trong xung đột.

Chi tiêu quốc phòng của phương Tây trong hơn 20 năm qua chủ yếu là nhằm chống lại các lực lượng nổi dậy ở Trung Đông, thay vì chuẩn bị cho các trận chiến xe tăng và pháo hạng nặng như ở Ukraine.

Mức độ dự trữ thấp khiến Anh gần đây phải đi mua lựu pháo từ bên thứ ba để chuyển cho Ukraine. Ở Mỹ, Lầu Năm Góc chỉ làm việc với 5 nhà thầu quốc phòng lớn, trong khi ở giai đoạn những năm 1990, có tới 51 công ty.

Một cố vấn quốc phòng phương Tây đánh giá: “Trong một thời gian dài, người ta cho rằng phương Tây sẽ không bao giờ phải tham gia vào một cuộc chiến tranh công nghiệp nữa. Kết quả là hầu như không nước nào duy trì được năng lực để có thể nhanh chóng tăng cường sản xuất các thiết bị quan trọng ở quy mô quốc gia”.

Khan hiếm vật liệu sản xuất

Bên cạnh đó, nhiều nhà sản xuất vũ khí phương Tây đang đau đầu tìm nguồn cung cấp các thành phần và vật liệu khan hiếm để sản xuất vũ khí và đạn dược. Trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, nhu cầu về các thành phần, vật liệu này chỉ ở mức rất thấp.

Theo Raytheon, một số thành phần điện tử của tên lửa Stinger, được sản xuất quy mô lớn lần gần đây nhất cách đây 20 năm, hiện không còn được bán trên thị trường.

Với các hệ thống phóng rocket đa nòng do Lockheed Martin sản xuất, mà Ukraine muốn được nhận, Mỹ có thể phải triển khai khoảng 1/3 trong tổng số 20.000 đến 25.000 tên lửa lưu kho của nước này.

Ông Mark Cancian, một cựu quan chức Lầu Năm Góc hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết, không thể thay thế các tên lửa này bằng phiên bản cũ hơn vì chúng sử dụng vũ khí chùm hiện đã bị cấm.

Theo ông Jack Watling, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI), xung đột ở Ukraine khiến các nước phương Tây nhận ra tầm quan trọng của việc duy trì các nguồn cung cấp cơ bản.

“Đây không phải là vấn đề mới nhưng chúng ta từ lâu đã bỏ qua nó. Xung đột Nga-Ukraine cho thấy, các loại đạn dược giá rẻ có thể sử dụng trên quy mô lớn vô cùng quan trọng. Phương Tây có lẽ cần cân nhắc lại chính sách quốc phòng, thay vì lúc nào cũng theo đuổi những loại vũ khí tối tân”, ông Walting nói./.

Hoàng Phạm

Link nội dung: https://pld.net.vn/nhung-nut-that-cua-phuong-tay-trong-vien-tro-quan-su-cho-ukraine-a7315.html