UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Công văn số 3834/UBND-KT, giao Sở Xây dựng, Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp và các đơn vị liên quan nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khu công nghiệp (KCN).
Theo đó, UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp và các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá hiệu quả quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn thảnh phố, tập trung vào các nội dung theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 2527/BKHĐT-QLKKT ngày 4-5-2022.
Đồng thời, rà soát, tham mưu phát triển nhà ở, công trình giáo dục, văn hóa, thể thao cho ngưởi lao động làm việc trong các KCN.
Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp rà soát việc sử dụng đất đảm bảo phù hợp mục đích sử dụng đất. Trong đó lưu ý không tham mưu chuyển mục đích sử dụng đất của KCN sang mục đích sử dụng khác khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật.
UBND thành phố cũng giao Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thực hiện giám sát, đánh giá các dự án đầu tư trong các KCN. Đồng thời có giải pháp tháo gỡ vướng mắc và xử lý dứt điểm các trường hợp thuộc diện phải chấm dứt hoạt động dự án đầu tư, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định pháp luật.
Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong các KCN về phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ; theo dõi, quản lý về giá cho thuê lại đất, phí sử dụng hạ tầng trong các KCN, đặc biệt là các KCN do tư nhân làm chủ đầu tư theo quy định của Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22-5-2022 và Nghị định số 35/2022/ND-CP ngày 28-5-2022 (có hiệu lực từ ngày 15-7-2022).
Đặc biệt, Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thực hiện các biện pháp hạn chế tình trạng “găm đất” làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận đất đai trong KCN của nhà đầu tư thứ cấp, rà soát đối với KCN sau nhiều năm nhưng tỷ lệ lấp đất còn thấp, quỹ đất còn trống nhiều so với quy mô KCN.
Khi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN mới phải đánh giá, rà soát kỹ lưỡng để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm. Trường hợp có 2 nhà đầu tư cùng quan tâm trở lên, cần nghiên cứu tổ chức đấu giá quyền sử dựng đất, đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp còn chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát việc cho thuê lại đất trong KCN, có biện pháp xử lý đối với các trường hợp đầu cơ đất công nghiệp.
Cùng với đó là phối hợp với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, rà soát xây dựng và điều chỉnh định hướng thu hút đầu tư vào KCN phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố giai đoạn 2021-2030; có giải pháp thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp nghiên cứu, tham mưu và xây dựng kế hoạch xúc tiến, thu hút đầu tư theo hướng phát triển các cụm liên kết ngành và hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các KCN, phát triển các mô hình KCN mới theo Nghị định số 35/2022/HĐ-CP ngày 28-5-2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.
Lê Phước Bình
Link nội dung: https://pld.net.vn/ngan-chan-tinh-trang-gam-dat-trong-cac-khu-cong-nghiep-tai-da-nang-a7606.html