Các kết quả phân tích từ trải nghiệm và đánh giá của người dân thể hiện qua các trục nội dung của chỉ số PAPI sẽ là kênh thông tin quan trọng không chỉ phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân ở cơ sở, mà còn là căn cứ cho hệ thống chính quyền các cấp, các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và phương pháp hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 và thiên tai liên tiếp ở các tỉnh miền Trung, chương trình PAPI 2020 đã tiến hành khảo sát trên 14.732 công dân Việt Nam được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là lần khảo sát có số lượng người tham gia đông nhất kể từ khi được thực hiện trên toàn quốc lần thứ nhất vào năm 2011.
Chỉ số PAPI cải thiện qua từng năm
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) bao gồm 6 chỉ số lĩnh vực nội dung, 28 chỉ số nội dung thành phần và 92 chỉ tiêu thành phần về hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh/thành phố.
Chỉ số PAPI đo lường mức độ hiệu quả trong công tác quản trị và hành chính công ở cấp tỉnh hàng năm thông qua 8 tiêu chí: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.
Bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho hay, những phát hiện nghiên cứu nổi bật từ báo cáo PAPI 2020 là hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trong hai nhiệm kỳ (2011-2016 và 2016-2021); trải nghiệm tiếp cận dịch vụ công của người tạm trú tại các tỉnh tiếp nhận nhiều nhập cư; và quan điểm của cử tri về vai trò lãnh đạo của phụ nữ.
Chia sẻ những phát hiện quan trọng nhất từ PAPI 2020, bà Caitlin Wiesen thông tin, nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ có sự cải thiện nhất quán và tăng liên tục về hiệu quả quản trị và hành chính công trên toàn quốc. Đặc biệt, 2 trong số 8 nội dung của PAPI đã liên tục cải thiện trong vòng 5 năm qua, gồm kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và trách nhiệm giải trình với người dân. Trong năm 2020, ít người trả lời nhận thấy có hiện tượng lót tay, vòi vĩnh khi cần được tiếp cận với các dịch vụ công so với năm 2019.
Về trách nhiệm giải trình đối với người dân, có sự tăng vọt trong năm 2020 về số người dân tương tác với chính quyền địa phương, đặc biệt là trưởng thôn và các đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp cơ sở. Những cải thiện này về hiệu quả quản trị cũng đóng góp vào việc Việt Nam ứng phó một cách hiệu quả đối với đại dịch COVID-19.
Nhìn chung, người dân đánh giá rất cao về hiệu quả ứng phó của chính quyền với đại dịch trong năm 2020 và trên 90% người trả lời khảo sát nói họ hài lòng với cách chính quyền địa phương xử lý đại dịch COVID-19. Sự đồng tâm, nhất trí rất cao này cho thấy việc cải thiện chất lượng quản trị sẽ đóng vai trò quan trọng và hữu ích với Việt Nam trong kiểm soát những tình huống khẩn cấp, bất ngờ giống như COVID-19.
Qua số liệu khảo sát, có tới 60 tỉnh, thành phố ghi nhận những thay đổi tích cực, thể hiện qua tỷ lệ tăng trưởng điểm PAPI gốc thường niên dao động từ 0,1% đến 3,1% trong 10 năm qua. Đặc biệt 4 tỉnh: Bắc Ninh, Trà Vinh, Quảng Ninh và Cao Bằng có tỷ lệ tăng trưởng chỉ số PAPI gốc thường niên đạt trên 2,5%.
Một số vấn đề quan ngại lớn của người dân trong năm 2020
Mặc dù năm 2020 vừa qua, Việt Nam kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, nhưng dịch đã có những tác động mạnh mẽ đến đời sống người dân. Có 18% ý kiến cho rằng nghèo đói là vấn đề đáng quan ngại nhất trong năm 2020.
Những quan ngại về vấn đề y tế, bảo hiểm y tế, tăng trưởng kinh tế và việc làm cũng tăng lên đáng kể. Tỷ lệ người trả lời quan ngại về y tế, bảo hiểm y tế tăng từ 2% năm 2019 lên 17% năm 2020. Tỷ lệ người trả lời quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước tăng từ 10% năm 2019 lên 13% năm 2020.
Mức độ hài lòng với điều kiện kinh tế hộ gia đình năm 2020 giảm xuống tới mức thấp nhất trong 5 năm qua. Điều này phản ánh nỗi lo lắng của người dân về tình trạng kinh tế của hộ gia đình, điều này một phần có thể do tác động của đại dịch Covid-19.
Những vấn đề đáng quan ngại nhất trong năm 2020 cũng có sự khác biệt lớn giữa phụ nữ và nam giới. Phụ nữ quan ngại hơn với những vấn đề như giảm nghèo, y tế và giáo dục. Nam giới thể hiện sự quan tâm nhiều hơn về các vấn đề tăng trưởng kinh tế, an ninh, tranh chấp Biển Đông và tham nhũng.
Một phát hiện quan trọng nữa, đó chính là việc sử dụng các dịch vụ công thông qua các cổng điện tử của Chính phủ được người dân đánh giá là chậm chạp. Mặc dù việc tiếp cận với internet đã được cải thiện ở hầu hết các tỉnh, thành trong năm 2020 so với 2019.
Quan tâm hơn với nhóm người nhập cư, tạm trú
Đây là lần đầu tiên khảo sát thu thập ý kiến của người dân đăng ký tạm trú và trình bày phát hiện nghiên cứu thí điểm đối với nhóm mẫu là người dân có hộ khẩu tạm trú dài hạn và ngắn hạn tại sáu tỉnh, thành phố có tỷ suất nhập cư ròng lớn nhất toàn quốc. Hơn 300 người di cư đã được khảo sát tại 6 tỉnh và thành phố (Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai và Bình Dương).
Thông tin do người dân tạm trú cung cấp giúp các cấp chính quyền hiểu rõ hơn về tác động của di cư trong nước đối với hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh. Phân tích cho thấy người dân di cư có xu hướng nghèo hơn, có ít tài sản hơn và thu nhập thấp hơn so với người dân thường trú và họ thường là phụ nữ.
Người nhập cư không có đủ điều kiện cần và đủ để vận động chính sách nhằm đảm bảo tính công bằng trong tương tác với chính quyền địa phương nơi tiếp nhận. Họ cũng không có điều kiện tiếp cận các kênh tham gia và yêu cầu trách nhiệm giải trình tại địa phương nơi họ cư trú. Đặc biệt, người có hộ khẩu tạm trú dễ phải chịu sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức biến chất hơn. Bởi những cán bộ, công chức này biết rõ rằng người nhập cư rơi vào thế yếu hơn để đòi hỏi quyền lợi và tự bảo vệ mình trước những hành vi sai trái đó.
Có thể thấy trải nghiệm của người dân di cư rất khác so với người dân thường trú trong cùng một địa bàn dân cư. Đây là dữ liệu quan trọng trong việc xây dựng các giải pháp quản trị bao trùm, không để người dân di cư bị bỏ lại phía sau. Bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh, để thu hẹp những khoảng cách này, các tỉnh tiếp nhận người di cư trong nước cần tập trung giải quyết nhu cầu về thông tin và những mong đợi của tất cả mọi người dân, cả thường trú và tạm trú.
Những nỗ lực xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp thẻ căn cước công dân số hóa hiện nay là những bước đi đúng hướng của Chính phủ. Một mã số nhận dạng thống nhất sẽ tạo điều kiện cho mọi người dân có thể tiếp cận quản trị và dịch vụ công một cách bình đẳng, bất kể nơi cư trú của họ trong phạm vi Việt Nam.
Quảng Ninh dẫn đầu cả nước, Hà Nội nhằm trong nhóm thấp nhất
Theo kết quả công bố chỉ số PAPI ở Việt Nam năm 2020, trên cơ sở đánh giá, chấm điểm các nội dung và thực hiện phân nhóm giữa các tỉnh, thành phố theo 4 nhóm (Nhóm cao nhất; nhóm trung bình cao; nhóm trung bình thấp; nhóm thấp nhất).
Tỉnh Quảng Ninh thăng hạng 2 bậc, trở thành tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng PAPI 2020 với tổng điểm 48,811. Quảng Ninh dẫn đầu cả nước ở 3 tiêu chí: Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định (6,499 điểm); kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (8,286 điểm) và cung ứng dịch vụ công (7,713 điểm). Quảng Ninh cũng nằm trong top đầu cả nước ở tiêu chí tham gia của người dân ở cấp cơ sở (5,805 điểm), thủ tục hành chính công (7,611 điểm), trách nhiệm giải trình với người dân (4,793 điểm), quản trị môi trường (4,964 điểm) và quản trị điện tử (3,14 điểm). Tỉnh này xếp ở nhóm trung bình cao ở tiêu chí còn lại.
Kết quả này là sự phản ánh thực chất, khách quan các giải pháp đồng bộ của tỉnh Quảng Ninh triển khai thời gian qua trong việc nâng cao hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền, đáp ứng sự hài lòng của người dân như: Tập trung tuyên truyền các nội dung của chỉ số PAPI để người dân, doanh nghiệp nắm bắt.
Xếp thứ hai là Đồng Tháp với số điểm 46,961 điểm. Đồng Tháp dẫn đầu cả nước ở tiêu chí quản trị môi trường với 5,202 điểm.
Vị trí thứ ba thuộc về Thái Nguyên với 46,471 điểm. Thái Nguyên dẫn đầu cả nước ở các tiêu chí Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (6,216 điểm). Ngoài ra, so với năm 2019, Thái Nguyên cải thiện điểm số 6/8 tiêu chí đánh giá.
Phần lớn các tỉnh trong nhóm 16 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất ở Chỉ số PAPI 2020 tập trung ở các vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Các tỉnh trong nhóm thấp tập trung ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.
Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ đô Hà Nội, mặc dù cải thiện ở bốn chỉ số nội dung, nhưng vẫn nằm trong nhóm có điểm số thấp nhất. Cụ thể, chỉ số Thủ tục hành chính công đạt cao nhất với 7,17 điểm. Kế đến, chỉ số Cung ứng dịch vụ công đạt 6,87 điểm; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 6,6 điểm; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định đạt 5,24 điểm; Tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 5,06 điểm; Trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,81 điểm; Quản trị môi trường đạt 2,96 điểm và Quản trị điện tử đạt 2,92 điểm.
Phát biểu tại buổi công bố báo cáo, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, việc nghiên cứu, phân tích sự đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của người dân là một kênh thông tin quan trọng, không chỉ phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân ở cơ sở, mà còn là chỉ báo về hiệu quả hoạt động quản trị và hành chính công cấp tỉnh, giúp cho các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và phương pháp hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn cuộc sống đặt ra.
Những phát hiện của PAPI ngày càng được sử dụng nhiều hơn và được nhắc tới trong nhiều văn kiện của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức chính trị xã hội. Các phát hiện hàng năm của Chỉ số PAPI luôn là những dữ liệu quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả hơn quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội. “Chúng tôi cũng hy vọng dự án PAPI sẽ tiếp tục góp phần hiệu quả để hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính dân chủ, xây dựng khoa học và thực tiễn hơn”, ông Nguyễn Hữu Dũng bày tỏ.
Linh Nguyễn
Link nội dung: https://pld.net.vn/papi-2020-quang-ninh-dan-dau-ca-nuoc-kiem-soat-tham-nhung-khu-vuc-cong-duoc-cai-thien-a765.html