Diễn giả chính của chương trình là hai vị triệu phú lẫy lừng: Triệu phú công nghệ - Vương Phạm, CEO Fastboy Marketing - Công ty triệu đô tại Mỹ và “Triệu phú tình yêu dành cho sinh viên” - thầy Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic.
Tại talkshow, xuất hiện với chiếc áo xanh công nhân giản dị, gần gũi, Vương Phạm đã có những chia sẻ thực tế về kinh nghiệm và trải nghiệm của mình trong hành trình đi tới thành công. Anh cho biết hành trình khởi nghiệp của bản thân cũng trải qua nhiều vấp ngã mới có được vị trí như hiện tại.
16 tuổi, với hai bàn tay trắng, chàng trai trẻ Vương Phạm đem theo nhiều hoài bão sang đất Mỹ. Lúc đó, Vương Phạm cũng đi làm công việc bưng bàn tiền công 3$ mỗi giờ như bao bạn như bao du học sinh khác để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Anh chia sẻ biến cố quan trọng là bước ngoặt khiến anh thay đổi: “Lúc đó đang trong lúc bưng bàn vô tình gặp 1 khách hàng đem thẻ Amazon ra thanh toán tiền và tiết lộ mình làm nghề buôn bán online trên sàn điện tử. Thời đó công nghệ chưa phổ biến, các sàn công nghệ hầu như chưa ai biết nhiều, mình bất ngờ lắm, cảm giác người ta thần kỳ như trên sao hỏa rơi xuống”.
Từ đây, anh đã nảy ra ý định kinh doanh online và thu về lợi nhuận đầu tiên là 5$ và lên đến gần 5000 USD (khoảng 114 triệu đồng) chỉ nhờ việc bán hộ game cũ cho bạn bè. Tuy nhiên, do không tìm hiểu về pháp luật Mỹ nên mặc dù kiếm được nhiều tiền nhưng anh gặp rắc rối với vấn đề thuế. “Đó là chuỗi ngày trượt dốc của mình, bị rơi vào trạng thái bỏ rơi xuống tinh thần, sức khỏe, suy sụp nằm viện 10 ngày, lúc đó chỉ có người là vợ mình bây giờ ở lại cùng mình. Sau đó mình đã thuê luật sư và may mắn giải quyết ổn thỏa”.
Sau cú sốc đó anh mở công ty Marketing, ở thời điểm đó, chưa có ai nghĩ đến kinh doanh kỹ thuật số, nên Vương Phạm gây dựng công ty hỗ trợ lập website cho các tiệm nail... của người gốc Việt trên đất Mỹ. Điển hình đó là sự ra đời của phần mềm Go Check-in, đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Fastboy Marketing thời gian qua, định hướng lại sự phát triển theo hướng công nghệ. Nhờ vậy, công ty của Vương Phạm đã nhanh chóng lọt top 100 công ty phát triển nhanh nhất nước Mỹ.
Hiện tại, ở Việt Nam, công ty của Vương Phạm có 5 chi nhánh tại Hồ Chí Minh và sắp tới sẽ mở rộng thêm chi nhánh và tuyển dụng thêm nhiều vị trí mới.
Anh bật mí cho các bạn sinh viên: “Vấn đề khó khăn nhất khi vận hành công ty của Vương đó chính là nhân sự, công ty luôn trong tình trạng thiếu nhân sự. Cái khó của Vương lại là cơ hội với các bạn sinh viên FPT Polytechnic, Vương luôn sẵn sàng đón các bạn sinh viên vào làm việc. Các bạn đã được học về những kiến thức chuyên ngành trên trường rồi, mình chỉ yêu cầu thêm ở các bạn thẳng thắn, thật thà, giữ chữ tín và ham học hỏi. Mình không quan trọng bằng cấp, mình đánh giá năng lực trong quá trình làm việc chứ không phải đánh giá hồ sơ".
Chỉ cần kiếm 70.000 USD và được ở bên gia đình!
Khi đã có trong tay hàng triệu đô la, Vương Phạm hiện nay chỉ muốn giữ ở phạm vi an toàn, không "liều" như những ngày đầu mới khởi nghiệp. "Đến giờ, nếu trở lại trước đây, Vương chỉ muốn làm một công việc nào đó kiếm tầm 70.000 USD thôi là đủ. Hiện tại dù kiếm được nhiều tiền, nhưng mỗi lần nghe con hỏi bố đâu, Vương thực sự rất buồn!".
Mặc dù đã "cảnh báo" từ đầu rằng sẽ khó có thể đưa ra những lời khuyên phù hợp dành cho các bạn trẻ, thế nhưng, Vương Phạm vẫn cố gắng mang tới những chia sẻ từ những trải nghiệm thực tế của bản thân trong những năm qua.
Với câu hỏi thú vị "Liệu mình có sinh nhầm thời?", nhiều bạn trẻ cho rằng, thời điểm khởi nghiệp của Vương Phạm dễ dàng hơn bây giờ vì công nghệ thông tin chưa phát triển mạnh mẽ. Còn ở thời điểm hiện tại, khi thời đại số đã có những bước nhảy vọt, việc khởi nghiệp sẽ trở nên vô cùng khó khăn.
Vậy "nằm chờ thời hay chủ động tiến tới những nơi có thể phát triển?", chia sẻ về vấn đề này, Vương Phạm khẳng định: "Lúc mới bắt đầu, công nghệ sơ khai, thuận lợi duy nhất là ít cạnh tranh, tuy nhiên, bất lợi thì kể không hết. Từ khâu tìm kiếm nhân sự, cho tới khâu sản xuất, phát triển phần mềm và cuối cùng là tìm kiếm khách hàng đều vô cùng gian nan, không đơn giản như lúc này".
Chứng minh quan điểm này, Vương Phạm bày tỏ sự "ghen tị" khi các bạn sinh viên hiện nay có quá nhiều cơ hội học tập, thực hành, thậm chí cả những cơ hội startup: "Các bạn được học tại FPT Polytechnic, đây là một xuất phát điểm tốt. Các bạn được cập nhật liên tục những kiến thức mới, công nghệ mới, xu hướng mới. Còn ngày xưa khó hơn nhiều, đâu dễ dàng tìm kiếm thông tin hay nhiều công cụ hỗ trợ như lúc này.
Vương Phạm chia sẻ: "Hồi trước nhìn từ ngoài vào mình không hiểu tại sao hệ thống FPT lại phát triển như vậy. Hôm nay may mắn ngồi trong hội trường tiếp xúc với các thầy cô giáo mình mới cảm nhận được rằng nó xuất phát từ chính cái tâm của những người thầy, người cô luôn đau đáu phải đào tạo làm sao để các bạn có thể có công việc tốt. Với cảm nghĩ của Vương, các bạn thực sự chọn đúng trường rồi".
Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, trước những ý tưởng khởi nghiệp của các bạn sinh viên, Vương Phạm cũng thẳng thắn nhận định, các bạn trẻ không nên lo sợ khi bước vào những thị trường ngách. Theo đó, không chỉ ít đối thủ cạnh tranh, mà các bạn trẻ còn tránh được áp lực từ những ông lớn trong ngành. "Thà làm trùm thị trường nhỏ mà vẫn kiếm được tiền còn hơn chen chân vào thị trường lớn" - Vương Phạm chia sẻ.
Bên cạnh đó, Vương Phạm cũng nhận định, hiện nay nhiều bạn trẻ có vốn, có ý tưởng nhưng đắn đo, suy nghĩ quá nhiều nên để lỡ thời cơ. Việc thử nghiệm, dấn thân là cần thiết, nhưng cần có cơ sở, nền tảng như xuất phát từ đam mê, hiểu biết, kinh nghiệm bản thân... "Các bạn đừng đánh liều, đừng vay mượn và đừng đặt cược tất cả. Công giúp ta mạnh mẽ, còn thất bại khiến ta mạnh mẽ hơn nữa!" - Triệu phú công nghệ chia sẻ sau những câu hỏi về mức vốn "đủ" để khởi nghiệp.
Trước câu chuyện của Vương Phạm, thầy Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic nhận định: “Các bạn sinh viên hiện nay hoàn toàn có thể tạo nên những kỳ tích mà chính bản thân không nghĩ tới. Với thế mạnh nhanh nhạy, nhiệt huyết Gen Z chắc sẽ sẽ có những dự án khởi nghiệp đáng chú ý. Tất nhiên, sẽ có những khó khăn, thử thách, nhưng điều đó chí giúp các bạn trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn trên con đường theo đuổi sự nghiệp”.
Talkshow “Triệu phú công nghệ & Hành trình khởi nghiệp” không chỉ đêm tới góc nhìn mới về Vương Phạm mà còn giúp các bạn trẻ hiểu hơn về hành trình khởi nghiệp gian nan mà chẳng mấy ai biết!.
Hoàng Hà
Link nội dung: https://pld.net.vn/tai-sao-phai-nam-cho-thoi-khi-cac-ban-co-xuat-phat-diem-tot-hon-vuong-pham-14-nam-truoc-a7715.html