Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group, cho rằng mặc dù chính sách hiện đã phần nào tạo điều kiện để phát triển nhà ở xã hội nhưng chưa tháo gỡ được những khó khăn hiện nay. Do vậy, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, ông Trường đề xuất một số cơ chế, chính sách.
Trong đó, kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội đối với tổ chức (có thể là doanh nghiệp) mua nhà ở xã hội để cho cá nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê mua hoặc thuê dài hạn hoặc bán cho người lao động của chính doanh nghiệp đó mà có nhu cầu với giá ưu đãi.
Theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở thì đối tượng mua nhà ở xã hội gồm 10 đối tượng là cá nhân mua nhà ở xã hội. Tuy vậy, đại diện Sun Group cho rằng quy định này trong thời gian qua đã hạn chế nguồn cầu về nhà ở xã hội.
Về quỹ đất, trường hợp địa phương đã bố trí quỹ đất dành cho nhà ở xã hội đảm bảo nhu cầu của địa phương, đại diện Sun Group đề xuất các bộ, ngành xem xét không cần bố trí thêm quỹ đất nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị. Đối với trường hợp này, doanh nghiệp được phép đóng tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% nhà ở xã hội. Đồng thời, phân quyền cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội, sau 25 năm phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ở thời điểm này là nền kinh tế tri thức gắn với các khu công nghệ cao rất nhiều. Chính vì vậy đối tượng cần mở ra là trí thức, kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia cao cấp,…
Việc mở rộng đối tượng để xây các khu nhà cao cấp hơn, để các chuyên gia có thể thuê dài hạn hoặc thuê-mua. Có thể chính sách này sẽ thu hút các doanh nghiệp lớn vào cuộc và cùng với chính quyền để thực hiện.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa, cho rằng để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp rất cần Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp.
Đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết 5 năm tới doanh nghiệp phấn đấu đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội. Doanh nghiệp đề xuất cơ chế chỉ định thầu cho chủ doanh nghiệp có đất hoặc thu mua đất làm nhà ở xã hội, thay vì đấu thầu. Các chỉ tiêu vẫn do cơ quan Nhà nước phê duyệt.
Doanh nghiệp này cũng đề xuất được rút ngắn thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội từ tối thiểu 600 ngày xuống còn 90-120 ngày.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, thành phố đã tập trung triển khai chương trình nhà ở xã hội, để làm sao có điều chỉnh phù hợp với quy hoạch và thủ tục.
Theo đó, TP.HCM đã chủ động rút ngắn thủ tục ngắn nhất, trong đó ngắn nhất 137 ngày, dài nhất 217 ngày. Thành phố đã cố gắng rút ngắn để tạo điều kiện cho các đơn vị tiến hành. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng có nhiều vấn đề. Vì vậy, trong dự thảo chỉ thị giao cho Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan nên có cơ chế, ở đó tổ công tác phải cùng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hơn.
TP.HCM tập trung triển khai các chương trình nhà ở xã hội, nhà cho thuê, đặc biệt là nhà cho công nhân, sinh viên, người thu nhập thấp chưa đủ điều kiện để nua. Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có điều kiện đầu tư mạnh hơn, thành phố tập trung xây dựng nhà ở xã hội, kế hoạch sẽ xây dựng 70.000 căn trong thời gian tới.
Diệu Trang
Link nội dung: https://pld.net.vn/doanh-nghiep-de-xuat-mo-rong-doi-tuong-mua-nha-o-xa-hoi-a7749.html