Dang dở hơn 20 năm
Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được phê duyệt triển khai từ năm 1997 với tổng diện tích gần 300ha. Trong đó, khoảng 110ha thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng và gần 190ha thuộc 4 khối phố Câu Hà, Tứ Hà, Ngọc Vinh và Tứ Ngân của phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Tính đến nay đã hơn 20 năm từ ngày công bố quy hoạch, dự án chỉ mới triển khai được một phần thuộc địa giới thành phố Đà Nẵng.
Riêng tại tỉnh Quảng Nam đến nay mới chỉ triển khai khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng đường bao làng đại học. Tuy nhiên, chỉ đền bù và tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng để xây dựng khu tái định cư. Trong khi đó các hộ ảnh hưởng đường bao vẫn chưa bồi thường thiệt hại và chưa có kế hoạch di dời.
Năm 2019, Đại học Đà Nẵng (chủ đầu tư dự án) đã điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000, chỉnh trang 30 ha diện tích hiện trạng có nhà cửa, mồ mả dày đặc dọc tuyến Trần Hưng Đạo (ĐT 607).
Cũng theo rà soát của UBND thị xã Điện Bàn, có khoảng 1.845 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Trong đó có 1.375 hộ ảnh hưởng đất ở, 30 hộ ảnh hưởng đất tôn giáo và 440 hộ ảnh hưởng đất nông nghiệp.
UBND thị xã Điện Bàn cho biết, việc dự án kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, công tác quản lý an ninh, trật tự xã hội, xây dựng tại địa phương,…
Cụ thể, từ năm 1997 đến nay, những người dân ở khu vực này không được thực hiện một số quyền được luật pháp cho phép như lập hộ mới, tách thửa, tặng cho, chuyển nhượng, thừa kế, chuyển mục đích sử dụng đất…
Dẫn kết quả tổng rà soát phối hợp giữa cơ quan phường Điện Ngọc và cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam, UBND thị xã Điện Bàn cho biết từ 2009 đến nay có hơn 500 trường hợp xây dựng trái phép, với tổng diện tích đất tại khu vực xây dựng trái phép gần 5ha.
Mặc dù chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều biện pháp xử lý, tuy nhiên, tình hình an ninh nông thôn - đô thị tại khu vực này vẫn diễn biến rất phức tạp.
Chưa hết, việc mua bán chuyển nhượng đất đai tự phát giữa các hộ dân vẫn diễn ra trong khi chính quyền địa phương không thể kiểm soát được cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Nếu không có giải pháp giải quyết kịp thời sẽ tạo điểm nóng, gây mất an ninh, trật tự xã hội tại khu vực.
UBND thị xã Điện Bàn cũng cho biết thêm, do quy hoạch dự án treo nhiều năm nên hạ tầng đô thị, hạ tầng kinh tế-xã hội tại khu vực cũng không được đầu tư, nâng cấp.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân sinh sống trong khu vực dự án cho biết họ tha thiết mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm tình trạng dự án làng đại học Đà Nẵng treo đã nhiều năm. Qua đó, sớm chấm dứt cảnh người dân địa phương phải sinh sống chật vật, khổ sở trong khu vực dự án xuyên suốt hơn 20 năm qua.
Kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ
Trước thực tiễn dự án Làng Đại học Đà Nẵng treo quá lâu, ngày 27/3 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ những nội dung có liên quan đến dự án này.
Sau khi xem xét kiến nghị của Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Đoàn công tác để trực tiếp rà soát dự án.
Cùng với đó là đánh giá toàn diện về thực trạng, các khó khăn, vướng mắc của dự án Làng Đại học thuộc Đại học Đà Nẵng, qua đó đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, ngày 09/5/2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao UBND thị xã Điện Bàn rà soát, đánh giá thực trạng phân bố dân cư tại khu vực Làng Đại học; nhu cầu kinh phí giải phóng mặt bằng (kể cả quỹ đất bố trí tái định cư); tính khả thi trong giải quyết các tồn tại, vướng mắc hiện nay.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu, trường hợp xác định tính khả thi thì đề nghị điều chỉnh lại dự án theo hướng chỉ thực hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, còn tại tỉnh Quảng Nam thì cho phép quy hoạch chỉnh trang, sắp xếp dân cư thành khu vực vệ tinh cho Làng đại học.
Ngày 3/6/2022, UBND thị xã Điện Bàn đã có báo cáo về tính khả thi trong việc giải phóng mặt bằng dự án.
UBND thị xã Điện Bàn nhận định việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho dự án là không khả thi, do đó đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương dừng triển khai thực hiện dự án Làng Đại học Đà Nẵng trên địa phận thị xã Điện Bàn.
Riêng đối với phần diện tích 50 ha có thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng, UBND thị xã đề nghị UBND tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức đầu tư xây dựng khu đô thị phụ trợ phục vụ cho các mục tiêu của Làng Đại học Đà Nẵng (phần đã được đầu tư xây dựng trên 110ha thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng).
Ngày 20/6 vừa qua, Đại học Đà Nẵng cũng đã có báo cáo về tình hình triển khai thực hiện dự án xây dựng khu đô thị đại học Đà Nẵng tại Hòa Qúy – Điện Ngọc.
Đại học Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành có liên quan tiếp tục quan tâm xem xét, ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ngân sách Trung ương trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 3.000 tỉ đồng để giải phóng dứt điểm mặt bằng khu vực thành phố Đà Nẵng và một phần đất khu vực tỉnh Quảng Nam.
Đồng thời xem xét tiếp tục bố trí vốn từ nguồn ngân sách Trung ương trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2026-2030 là 3.000 tỉ đồng để giải phóng dứt điểm mặt bằng khu vực tỉnh Quảng Nam.
Ngoài ra, Đại học Đà Nẵng còn kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế thực hiện xã hội hóa theo hình thức đối tác công tư và chuyển đổi cơ sở vật chất của các đơn vị thành viên trong nội thành TP. Đà Nẵng để tạo nguồn vốn tập trung đầu tư cho dự án.
Số phận dự án Làng Đại học Đà Nẵng sẽ ra sao vẫn đang chờ báo cáo từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư và kết luận cuối cùng từ Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, việc sớm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc tại dự án chính là nỗi niềm mong mỏi của người dân địa phương, Đại học Đà Nẵng và chính quyền các cấp tại tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng.
Lê Phước Bình
Link nội dung: https://pld.net.vn/hang-nghin-ho-dan-song-kho-so-trong-du-an-treo-qua-hai-the-ky-a7858.html