Thu nhập của người lao động Việt Nam sẽ cao hơn 4% nếu không có COVID-19

Theo nghiên cứu mới của TS. Hoàng Xuân Trung (Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), trong năm đầu tiên bùng phát COVID-19, đại dịch đã khiến cho thu nhập của người làm công ăn lương giảm khoảng 4% so với khi không có dịch bệnh.

Trong nghiên cứu của mình, TS. Trung sử dụng số liệu điều tra về lao động việc làm, mức sống hộ gia đình từ năm 2017 - 2020 của Tổng cục Thống kê và mô hình khác biệt kép (difference in difference approach) để ước tính thu nhập của người lao động nếu dịch bệnh không xảy ra.

“Mô hình này sẽ giả sử tốc độ tăng trưởng thu nhập từ năm 2019 - 2020 tương đương với năm 2018 - 2019. Nhờ đó, chúng ta có thể ước tính mức lương thực tế của người lao động nếu năm 2020 không xảy ra đại dịch”, TS. Trung cho biết.

Để kiểm định phương pháp, TS. Trung cũng so sánh tốc độ tăng trưởng của năm 2018 - 2019 với tốc độ của năm 2017 - 2018 và cho thấy tốc độ tăng trưởng của hai giai đoạn này là bằng nhau, từ đó khẳng định giả thiết của nghiên cứu là hợp lý.

b6dcovdi-thu-nhap-dang-nhe-cao-hon-4-1659932044.png
Người dân ở Hà Nội vào tháng 2/2020. Ảnh: Hoàng Nam.

Kết quả phân tích cho thấy, trong năm đầu tiên bùng phát COVID-19, đại dịch đã khiến cho thu nhập của người làm công ăn lương giảm khoảng 4% so với khi không có dịch bệnh. Trong đó, mức thu nhập trong quý I giảm khoảng 5%; quý II giảm 7,5% do giãn cách xã hội; quý III hầu như không bị ảnh hưởng; và quý IV giảm khoảng 4%.

“Nếu chỉ đơn thuần so sánh thu nhập của người lao động năm 2020 với năm 2019 và nói rằng đại dịch khiến thu nhập của người lao động tăng thì hoàn toàn không chính xác”, TS. Trung nhấn mạnh tại hội thảo "Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến Việt Nam" diễn ra vào cuối tháng 7 vừa qua. “Thu nhập của người lao động có thể tăng so với năm trước, nhưng so với kịch bản không có COVID thì vẫn giảm”.

Bên cạnh đó, dù COVID-19 khiến cho tỉ lệ nghèo đói ở Việt Nam tăng nhẹ trong năm 2020 (từ 10,53-11,11%), ảnh hưởng của nó đến các nhóm lao động khác nhau không đồng đều.

“Một số ngành như giáo dục, y tế hay ngành giải trí dù bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh, tỉ lệ nghèo đói gần như không thay đổi vì mức nghèo đói ban đầu đã gần như bằng 0”, TS. Trung cho biết.

Trong khi đó, ngành nhà hàng, khách sạn là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi tỉ lệ nghèo đói tăng từ 0,6% lên hơn 6%. “Những người lao động trong lĩnh vực này bản chất ngay từ ban đầu đã có tỉ lệ nghèo đói cao hơn, do đó đại dịch COVID-19 càng tác động mạnh đến họ”. Hay khi đánh giá về mặt số lượng, mặc dù tỉ lệ nghèo đói trong lĩnh vực nông nghiệp tăng rất ít, song số lượng người nghèo trong khu vực này lại tăng cao.

Nếu chia theo khu vực nông thôn và thành thị, số người nghèo ở nông thôn vẫn tăng cao hơn nhiều so với ở thành thị, dù tỉ lệ người nghèo ở thành thị tăng 0,8% còn ở nông thôn tăng 0,47%.

Một điểm sáng là chỉ số đo lường bất bình đẳng (GINI) ở Việt Nam trong năm 2020 tăng không đáng kể. “Điều này cho thấy chính sách của Việt Nam trong giai đoạn này khá tốt và chính phủ đã kiểm soát được đại dịch COVID-19”, TS. Trung nói.

Thực thi chính sách chậm và thiếu chính sách dài hạn

Chia sẻ thêm về ảnh hưởng của đại dịch trong năm 2021, TS. Phạm Sỹ An (Ban Kế hoạch - Tài chính, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, hai trong những yếu tố tác động mạnh đến thu nhập của người lao động là giãn cách xã hội và đứt gãy chuỗi cung ứng, tăng chi phí sản xuất. Điều này dẫn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn COVID đã xuống mức thấp nhất, thấp hơn cả khi so với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, ông nói.

Trong khi đó, phản ứng chính sách của Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh còn nhiều bất cập, bộc lộ rõ nhất ở các chính sách hỗ trợ người lao động. Theo TS. An, trong phản ứng chính sách có ba nguyên tắc quan trọng nhất: “một là đúng liều lượng, hai là đúng đối tượng, và ba là đúng thời điểm”. Việt Nam có hai gói hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn COVID-19 là gói 62.000 tỷ đồng và 26.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, “dù các chính sách được thiết kế rất nhanh, quá trình thực thi lại rất chậm”, ông chỉ ra vấn đề.

Chưa kể, người lao động tự do là đối tượng chịu tác động mạnh nhất khi thực hiện giãn cách nhưng họ lại không được xác định ngay để hỗ trợ mà mãi đến khi thực hiện gói hỗ trợ thứ hai thì nhóm này mới được thêm vào danh sách, TS. An nói.

Bổ sung ý kiến này, TS. Lê Văn Hùng - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững Vùng (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) - cho rằng, Việt Nam đang thiếu những phản ứng chính sách mang tính dài hạn. Ông dẫn ví dụ, một trong những vấn đề đã có từ trước và càng nổi bật hơn trong đại dịch COVID-19, đó là công nhân, người lao động ở các trung tâm công nghiệp và đô thị lớn có thu nhập không đủ để tiết kiệm.

“Tôi cho rằng đó là vấn đề dài hạn lớn nhất của Việt Nam”, TS. Hùng nói, “Thu nhập của những người lao động này chỉ đủ để tồn tại chứ không thể tích lũy và đầu tư cho thế hệ con cái. Vấn đề này dẫn đến một thực tế là sau khi COVID-19 lắng xuống, người lao động không rời quê để quay trở lại làm việc nữa, khiến cho các tỉnh, thành phố rơi vào tình trạng thiếu lao động”.

 

Mỹ Hạnh

Link nội dung: https://pld.net.vn/thu-nhap-cua-nguoi-lao-dong-viet-nam-se-cao-hon-4-neu-khong-co-covid-19-a7862.html