7 tháng, Việt Nam nhập siêu gần 2 triệu tấn sắt thép

Trong khi nguồn cung thép xây dựng trong nước đang dư thừa, Việt Nam vẫn nhập siêu gần 2 triệu tấn thép và nguyên liệu trong 7 tháng đầu năm 2022.

Những năm gần đây, ngành sản xuất thép trong nước đang có những bước tiến rõ rệt và hạn chế sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu sắt thép các loại của nước ta trong tháng 7 đạt hơn 613.000 tấn, giảm gần 29% so với tháng trước. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là khu vực ASEAN (39,75%), khu vực EU (19,43%), Hoa Kỳ (7,88%), Hàn Quốc (7,06%) và Hồng Kông (4,6%).

image-20220809173323-1-1660096128.jpeg
7 tháng, Việt Nam nhập siêu gần 2 triệu tấn sắt thép, nguyên liệu

Trong khi đó, nhập khẩu sắt thép đạt 909.245 tấn, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Được biết, các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam bao gồm Trung Quốc (41,36%), Nhật Bản (16,57%), Hàn Quốc (10,69%), Đài Loan (9,43%) và Ấn Độ (8,61%).

Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắt thép giảm mạnh hơn 22% trong khi nhập khẩu cũng giảm gần 8% so với cùng kỳ.

Theo đó, Việt Nam vẫn đang nhập siêu gần 2 triệu tấn sắt thép các loại từ đầu năm đến nay. Đây được xem là một nghịch lý của ngành thép Việt Nam khi nguồn cung thép xây dựng vẫn dư thừa nhưng các loại sắt thép làm nguyên liệu đầu vào sản xuất lại rất thiếu, ngay cả như phế liệu.

Cụ thể, các sản phẩm sắt thép dành cho những lĩnh vực chế tạo, chế biến, cơ khí hoặc công nghiệp hỗ trợ như thép HCR, thép hợp kim… vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Theo đó, giá mặt hàng sắt thép trong nước tăng mạnh từ đầu năm nay cũng là hệ quả của việc phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu.

Việc quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu được xem là một trong những thách thức lớn của ngành sản xuất thép trong nước trong thời gian tới.

Dự kiến trong năm 2022, Việt Nam phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn; thép phế khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện; than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn.

Trên thực tế, trong giai đoạn 2016-2021, ngành thép đã có sự phát triển nhanh nhưng mất cân đối giữa phát triển thượng nguồn và hạ nguồn. Các sản phẩm sau thép như tôn mạ kẽm, thép ống tăng trưởng tốt về giá trị sản xuất và xuất khẩu. Trong khi đó, các chủng loại thép hợp kim, đặc biệt là thép cuộn cán nóng HRC vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn.

Thời gian tới, các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam cần tiếp tục bám sát các diễn biến giá sắt thép trên thế giới. Đồng thời, tăng cường đầu tư công nghệ nhằm thúc đẩy tự chủ đối với lĩnh vực tiềm năng này.

Thiên An

Link nội dung: https://pld.net.vn/7-thang-viet-nam-nhap-sieu-gan-2-trieu-tan-sat-thep-a7931.html