Doanh nghiệp ngoại cần gì nhất khi đầu tư vào Việt Nam?

Các nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn Việt Nam họ thường quan tâm nhất đến điều kiện đầu tư, các công nghệ hỗ trợ, chất lượng nhân lực, thủ tục gọn gàng và chính sách vĩ mô ổn định. Đây cũng là những bài toán mà Việt Nam cần giải để thu hút dòng vốn ngoại thay vì chỉ dựa vào giá thuê đất, nhân công rẻ.

khu-con-nghiep-dau-tu-1660267762.jpeg
Khu công nghiệp Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Việt nam là điểm sáng

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chịu nhiều biến động sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, xung đột Nga – Ukraine, lạm phát tăng cao… thì Việt Nam nổi lên như một điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư ngoại nhờ giữ vững sự ổn định.

Đây cũng là nhận định được nhiều chuyên gia đưa ra tại diễn đàn "Khu công nghiệp Việt Nam - 2022: Khơi thông làn sóng đầu tư mới" do Tạp chí Nhà Đầu Tư tổ chức tại TP.HCM sáng 11/8.

Cụ thể, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, dù có những khó khăn nhưng GDP của Việt Nam năm 2021 tăng 2,58%, 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42% thuộc nhóm tăng trưởng cao của khu vực và trên thế giới.

Mục tiêu cả năm 2022 đạt tăng trưởng từ 6,5% - 7%. Chỉ số lạm phát duy trì ở mức thấp với CPI 7 tháng đầu năm 2022 đạt 2,54%, dự kiến cả năm thấp hơn 4%.

Theo ông Tuấn, với những chỉ số khả quan của nền kinh tế, Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký năm 2021 đạt trên 38,85 tỉ USD, tăng 25,2% so với năm 2020; 7 tháng đầu năm 2022 đạt 15,54 tỉ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước; nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước.

Đồng thời, khu công nghiệp, khu kinh tế đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, hiện là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu như: Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP…

Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG cho biết, mặc dù kinh tế khó khăn trong năm 2022 ở một số địa bàn nhất định song mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tăng lên đối với nền kinh tế Việt Nam, do vậy vẫn có thể khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với doanh nghiệp ngoại.

Hiện nay, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất đói với các nước Bắc Á và Đông Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.

Tuy nhiên, ông Ái cho rằng, dù có nhiều cơ hội song trong thời gian tới cũng có không ít thách thức khi kinh tế Mỹ và châu Âu được dự báo sẽ đi vào suy thoái vào năm 2023. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực đầu tư và trong đó có dịch chuyển đầu tư giữa các nước khác. Bây giờ cạnh tranh đầu tư không chỉ giữa các nước đang phát triển với nhau mà còn phải cạnh tranh với cả Mỹ và châu Âu.

Nhà đầu tư ngoại cần gì?

Theo phản ánh của các nhà đầu tư, một trong những rào cản lớn nhất doanh nghiệp thường gặp phải đó chính là thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo, thời gian thực hiện quá dài tăng thêm chi phí và thời gian, làm giảm hiệu quả dự án đầu tư.

Ông Nguyễn Thành Danh, Trưởng BQL Khu công nghiệp tỉnh Long An, lấy ví dụ với những khu công nghiệp mở rộng xin cấp chủ trương đầu tư, theo quy định của Nghị định 35 ngày 28/5/2012 là 60 ngày. Ở Long An, nếu chủ đầu tư uy tín, nộp đầy đủ hồ sơ thì cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong 1 ngày.

Tuy nhiên thực tế diễn ra đều trên 1 năm, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, tại nhiều dự án thời gian cho thuê đất đầu tư thứ cấp còn khoảng hơn 30 năm, chứ không phải 50 năm, do tốn thêm thời gian GPMB, đầu tư hạ tầng, có những khu chỉ còn thời gian sử dụng dưới 30 năm, gây khó khăn thu hút đầu tư.

lao-dong-chat-luong-cao-1660267807.jpeg
Khu công nghiệp đang thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao

Ngoài thủ tục hành chính, nhà đầu tư ngoại quan tâm đến các vấn đề về thực thi pháp luật, nhất là chính sách ưu đãi đầu tư, hoàn thuế với doanh nghiệp chế xuất. Ngoài ra, cần đào tạo nguồn lao động chất lượng cao cho các khu công nghiệp, cùng với đó là giải quyết nhu cầu an sinh cho chuyên gia, công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp.

Một số địa phương cho rằng, các yếu tố đầu vào tăng khiến cho giá thuê đất khu công nghiệp cao sẽ gây trở ngại trong việc thu hút doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Ái cho rằng, giá thuê đất không phải là yếu tố quan trọng nhất với nhà đầu tư.

Thay vào đó, họ quan tâm nhiều hơn về điều kiện đầu tư, các công nghệ hỗ trợ, hạ tầng logistics, dịch vụ đô thị khu công nghiệp…

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Chính phủ luôn kiến tạo xây dựng một môi trường đầu tư khu công nghiệp, khu kinh tế minh bạch. Mục tiêu là thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế có chọn lọc, phù hợp với yêu cầu, tiềm năng phát triển của địa phương, vùng; ưu tiên dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, có hợp tác chuyển giao công nghệ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và lao động, có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Nguyễn Văn

Link nội dung: https://pld.net.vn/doanh-nghiep-ngoai-can-gi-nhat-khi-dau-tu-vao-viet-nam-a7983.html