Bao giờ dự án Làng Đại học Đà Nẵng hết treo?

Quảng Nam vừa kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng và hoàn thành dự án Làng Đại học Đà Nẵng. Đây được xem là một giải pháp ‘cởi trói’ cho một dự án treo suốt 25 năm qua.

20220523-165233-1660383998.jpg
Bên trong dự án Làng Đại học Đà Nẵng treo suốt 25 năm qua Ảnh: Lê Phước Bình

Quảng Nam kiến nghị gì?

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, vừa ký báo cáo số 150/BC-UBND về tình hình triển khai dự án Đại học Đà Nẵng trên địa phận thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, dự án Đại học Đà Nẵng đến nay đã trải qua 25 năm nhưng vẫn chưa được triển khai đầu tư xây dựng làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, các quyền lợi về đất đai, xây dựng nhà cửa của nhân dân.

Dự án treo đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, nhất là công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, an ninh, trật tự xã hội, xây dựng tại địa phương. Qua kiểm tra, rà soát thấy dự án phần lớn ảnh hưởng đến đất ở và nhà ở của nhân dân (tỷ lệ đất ở bị ảnh hưởng chiếm khoảng 41% tổng diện tích đất dự án) dẫn đến chi phí bồi thường tăng cao và rất khó khăn, phức tạp trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Phân tích những số liệu từ thực tiễn, UBND tỉnh Quảng Nam nhận định việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án cơ bản không khả thi.

Tuy nhiên, qua khảo sát, trong khu vực dự án Đại học Đà Nẵng thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam có phần diện tích khoảng 50 ha có phần thuận lợi hơn trong công tác giải phóng mặt bằng.

UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng việc đầu tư xây dựng Đại học Đà Nẵng là cần thiết. Qua đó góp phần đưa Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học quốc gia, trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Cùng với đó, dự án cũng sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực. Do đó, UBND tỉnh Quảng Nam ủng hộ việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, vì dự án đã kéo dài 25 năm, gây bức xúc trong chính quyền địa phương và nhân dân nên UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng các Bộ, ngành Trung ương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu liên quan.

UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất, trước mắt, cần bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích 160 ha trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn 2023-2025.

UBND tỉnh Quảng Nam sẽ chỉ đạo UBND thị xã Điện Bàn, các sở, ngành, đơn vị liên quan lập quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu dân cư phục vụ tái định cư đảm bảo tiến độ theo yêu cầu và thu tiền sử dụng đất để hoàn trả ngân sách.

Ngoài ra, trong trường hợp không bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2025, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh Quy hoạch phân khu (1/2000) để tập trung triển khai thực hiện trên phần diện tích khoảng 50 ha nêu trên.

Đối với phần diện tích còn lại, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị loại ra khỏi ranh giới dự án.

Tại vị trí này, Quảng Nam sẽ lập quy hoạch chỉnh trang, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân tại khu vực, đồng thời hình thành khu đô thị vệ tinh phục vụ Làng Đại học Đà Nẵng.

20220523-165949-1660383998.jpg
Người dân địa phương ủng hộ việc điều chỉnh quy hoạch dự án Ảnh: Lê Phước Bình

Người dân ủng hộ đề xuất điều chỉnh quy hoạch dự án

Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân đang sinh sống trong khu vực dự án Làng Đại học Đà Nẵng cho biết, dự án treo suốt 25 năm nay khiến cho cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn.

Đơn cử như, họ không được phép lập hộ mới, tách thửa, tặng cho, chuyển nhượng, thừa kế, chuyển mục đích sử dụng đất… Mấy năm gần đây, họ mới được cấp phép xây dựng có thời hạn trong phạm vi đất thuộc dự án Đại học Đà Nẵng.

Tuy nhiên, vì lo sợ việc dự án sẽ sớm được giải tỏa, tái định cư nên nhiều hộ gia đình đã không mạnh dạn xin phép xây dựng nhà cửa hoặc có xin phép sửa chữa nhà cửa thì cũng không dám đầu tư xây dựng quá kiên cố.

Nhiều người dân cho biết, họ ủng hộ đề xuất của UBND tỉnh Quảng Nam về dự án Làng Đại học Đà Nẵng như nêu trên.

Theo đó, từ nay đến năm 2025, cần thiết bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trong trường hợp nguồn vốn bố trí không đủ thì cần điều chỉnh quy hoạch dự án.

Người dân cho rằng, dự án Làng Đại học Đà Nẵng treo đã quá lâu, nếu bây giờ tiếp tục kéo dài dự án thêm 10 hay 20 năm nữa thì cuộc sống của người dân sẽ càng thêm khó khăn.

Bên cạnh đó, việc kéo dài thêm thời gian thực hiện dự án sẽ gây lãng phí đất đai. Giá đất bền bù sẽ tăng sau 10 đến 20 năm sau thì cũng sẽ gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Không riêng gì những người dân sinh sống trong vùng dự án mà những người dân mua đất bằng giấy viết tay trong vùng dự án Làng Đại học Đà Nẵng cũng mong sớm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc tại dự án.

Trao đổi với người viết, một cá nhân tên T có mua đất tại dự án Làng Đại học Đà Nẵng bằng giấy viết tay cho biết, anh mua đất tại khu vực này vì giá đất rẻ và có vị trí rất thuận lợi khi nằm bên cạnh quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng.

Anh T mong muốn dự án sẽ điều chỉnh quy hoạch theo như đề xuất của UBND tỉnh Quảng Nam để anh và nhiều người dân mua đất bằng giấy viết tay khác có thể làm thủ tục công chứng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Chuyển nhượng đất đai tự phát trong dự án Làng Đại học Đà Nẵng

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt triển khai từ năm 1997 với tổng diện tích gần 300ha. Trong đó, khoảng 110ha thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng và gần 190ha thuộc 4 khối phố Câu Hà, Tứ Hà, Ngọc Vinh và Tứ Ngân của phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Tính đến nay đã 25 năm từ ngày Chính phủ công bố quy hoạch, dự án chỉ mới triển khai được một phần thuộc địa giới thành phố Đà Nẵng.

Riêng tại tỉnh Quảng Nam đến nay mới chỉ triển khai khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng đường bao làng đại học. Tuy nhiên, chỉ đền bù và tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng để xây dựng khu tái định cư.

Trong khi đó các hộ ảnh hưởng đường bao vẫn chưa bồi thường thiệt hại và chưa có kế hoạch di dời.

Năm 2019, Đại học Đà Nẵng (chủ đầu tư dự án) đã điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000, chỉnh trang 30 ha diện tích hiện trạng có nhà cửa, mồ mả dày đặc dọc tuyến Trần Hưng Đạo (ĐT 607).

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc mua bán chuyển nhượng đất đai tự phát giữa các hộ dân vẫn diễn ra và chính quyền địa phương không thể kiểm soát được. Từ đó tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, nếu không có giải pháp giải quyết kịp thời sẽ tạo điểm nóng, gây mất an ninh - trật tự tại địa phương.

Lê Phước Bình

Link nội dung: https://pld.net.vn/bao-gio-du-an-lang-dai-hoc-da-nang-het-treo-a8027.html