Những kết quả bước đầu
Cách đây sáu năm, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện trong các hoạt động đào tạo, KH&CN, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Sự kiện đã “mở ra một giai đoạn mới của trường”, như lời của PGS.TS Hoàng Minh Sơn, lúc bấy giờ là Hiệu trường trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trong thư ngỏ gửi các giảng viên, cán bộ và sinh viên khi nhà trường bắt đầu triển khai đề án.
Và mới đây, trong bài báo cáo của mình tại Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022 tại Hà Nội, PGS.TS Hoàng Minh Sơn - với tư cách là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - đã nhắc đến trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong số các cơ sở giáo dục đại học tự chủ có tổng thu tăng lên, và là một trong hai trường đại học tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP [ngày 24-10-2014 của Chính phủ về thí điểm tự chủ đại học] có tổng thu trên 1.000 tỉ đồng/năm - bên cạnh trường ĐH Kinh tế TP.HCM.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ là một trong số những đơn vị trải qua các bước biến chuyển sau khi tiến đến tự chủ một phần và tự chủ toàn diện. Theo thống kê được nêu ra trong báo cáo của Bộ GD&ĐT tại Hội nghị, hiện nay đã có 142/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018.
Báo cáo chỉ ra, “từ thời điểm được giao thí điểm tự chủ, các trường đã từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp”. Các trường có chính sách cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi chuyên môn và khả năng nghiên cứu khoa học. Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ ngày một tăng, từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021.
Về tài chính, đã có gần 1/3 số trường đại học tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, gần 15% số trường tự bảo đảm chi thường xuyên. Từ năm 2018 đến năm 2021, tổng thu của các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách Nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng; thu nhập bình quân tăng gần 21% đối với giảng viên và 19% đối với cán bộ quản lý. Giảng viên thu nhập trên 200 triệu/năm tăng từ hơn 19% lên hơn 31%; thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,75% lên gần 6% sau ba năm thực hiện tự chủ.
Số liệu trong Báo cáo còn cho thấy, quy mô tuyển sinh sinh viên hệ đại trà có xu hướng giảm; trong khi quy mô tuyển sinh các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo chất lượng cao, liên kết đào tạo với nước ngoài và đào tạo bằng tiếng Anh tăng.
Số bài báo quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học trong danh mục Web of Science (WoS) cũng tăng 3,5 lần sau bốn năm; số bài báo trong danh mục SCOPUS tăng hơn bốn lần.
Tự chủ trong tâm thế “liệu cơm gắp mắm”
Những con số trên dẫu sao mới chỉ là kết quả bước đầu, trên con đường tự chủ, các trường đại học vẫn còn phải đối diện với rất nhiều vướng mắc, đặc biệt là về cơ chế tài chính. Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị, GS.TS Chử Đức Trình, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên trường thực hiện tự chủ theo tài chính chi thường xuyên. “Khó khăn ban đầu là kinh phí của nhà trường bị sụt giảm. Theo quy định, trường có thể tăng học phí nhưng chỉ tăng ở sinh viên những năm tới. Như vậy, năm nay, tổng kinh phí hoạt động của trường khó khăn hơn năm trước,” ông nói. Điều này chắc chắn sẽ “ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường [...] Chúng tôi cũng sẽ phải ‘liệu cơm gắp mắm’ trong đầu tư”1.
Có cùng khó khăn về tài chính khi thực hiện tự chủ đại học, GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, cho biết, “Khi thực hiện tự chủ đại học, nhà trường phải hết sức cố gắng, bởi không tăng được học phí do sinh viên đa số từ những vùng khó khăn. Bên cạnh đó, những dịch vụ cho các em cũng được miễn phí rất nhiều, không thu được”.
Nỗi lo về tài chính của các trường là hoàn toàn thực tế bởi việc các cơ quan chủ quản cắt giảm kinh phí (cắt giảm ngay, cắt giảm có lộ trình, mức đầu tư thấp) đã đẩy nhiều trường vào cảnh khó khăn khi vận hành, đầu tư phát triển cũng như giữ chân đội ngũ giảng viên giỏi. Các trường này buộc phải mở rộng quy mô tuyển sinh, dẫn đến các điều kiện bảo đảm chất lượng để thực hiện đào tạo (giảng viên, cơ sở vật chất) không theo kịp.
“Cần thay đổi quan điểm tự chủ tài chính là các trường phải tự lo, ‘tự bơi’,” GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với Tia Sáng vào năm 2020. Cách hành xử này, theo ông, dẫn đến thực trạng các trường phải loay hoay lo tuyển sinh vì học phí gần như là nguồn thu duy nhất, trước khi lo thực hiện sứ mệnh và các giá trị cốt lõi khác của trường đại học.
Quả đúng như điều GS.TS Trần Đức Viên lo lắng, Báo cáo của Bộ GD&ĐT đã chỉ ra rằng, mặc dù số bài báo khoa học, công bố quốc tế tăng mạnh, nhưng đa phần các trường chưa có nguồn thu từ hoạt động KH&CN, chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng hay các dịch vụ khác - nguồn thu từ học phí vẫn là chủ yếu.
Luật Giáo dục đại học quy định rõ, Nhà nước chỉ thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách chứ không giảm vai trò trong việc cấp ngân sách và đầu tư cho các trường đại học, nhưng “cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho người học, cho đến nay được thực hiện rất yếu”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thừa nhận bên lề Hội nghị. Ông cũng bày tỏ mong muốn “khi đổi mới cơ chế tài chính, việc đầu tư phải theo cơ chế cạnh tranh, theo năng lực hoặc theo kết quả”.
Còn những điều chưa tường minh
Một khó khăn khác với các trường, đó là cho đến hiện tại, các chính sách tự chủ còn chưa thực sự tường minh. Nghị quyết 77 phân cho các trường nhiều quyền, song thực tế chưa thực hiện được hết do vướng các văn bản pháp luật như Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Đấu thầu, v.v. “Các luật này và hệ thống các văn bản dưới luật chưa hỗ trợ nhau, thậm chí còn nhiều quy định chưa ăn khớp với nhau, ‘cản phá’ nhau, chưa hoàn chỉnh, thống nhất để dẫn lối và hỗ trợ các trường đại học thực hiện quyền tự chủ đã được luật định,” GS.TS Trần Đức Viên chia sẻ tại Hội nghị diễn ra vào giữa tuần trước; và điều này dẫn đến tình trạng “tự chủ trên giấy tờ, nhưng trói buộc trên thực tế”. Đó cũng chính là những điều ông đã từng nhiều lần chỉ ra, nhưng cho đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Bản thân vai trò của Hội đồng trường – như được xác định trong Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ - là cơ quan quản trị của trường đại học, quyết nghị các chủ trương lớn để thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường đại học - còn nhập nhằng và chưa rõ ràng. GS Chử Đức Trình đề xuất, trong thời gian tới, cần làm rõ vai trò của Hội đồng trường; quan hệ giữa Hội đồng trường, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường, cũng như trách nhiệm của từng đơn vị để các trường dễ dàng thực hiện tự chủ.
Ngay cả các công cụ chính sách cho việc thực hiện tự chủ vẫn còn hạn chế. Chẳng hạn, hiện nay, các trường vẫn chưa được trao quyền tự chủ quyết định nhân sự cấp cao nhất, mà mới chỉ được quyết định từ cấp khoa, cấp bộ môn trở xuống. Theo GS.TS Trần Đức Viên, trên thực tế, cũng như tất cả các trường chưa tự chủ khác, Đảng ủy mới chính là cơ quan quyết định công tác tổ chức và nhân sự trong nhà trường. Hội đồng trường có nhiệm vụ hợp pháp hóa các nghị quyết của Đảng ủy bằng các nghị quyết của Hội đồng trường. Chưa có một hướng dẫn nào phân định rõ ràng nghị quyết của Đảng ủy có gì giống và khác với nghị quyết của Hội đồng trường và ngược lại.
Cùng với đó, trong bài phát biểu tại Hội nghị, GS. Trần Đức Viên nhấn mạnh, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần làm đúng chức năng quản lý nhà nước: Chỉ định hướng và đề ra chiến lược phát triển, ban hành các chuẩn mực cốt lõi về quản trị và chất lượng, thanh tra, giám sát, hỗ trợ; không can thiệp sâu vào công việc nội bộ của nhà trường.
Cần xác định rõ những điều này bởi “ở các nước có nền giáo dục đại học phát triển, các trường đại học tự chủ thực chất là các trường tự trị đại học mà ở đó họ chỉ cần cam kết: không vi phạm hình sự, không tham nhũng, không vi phạm liêm chính học thuật, không làm thất thoát hay suy giảm tài sản công, và bảo đảm hoạt động của nhà trường hiệu quả và bền vững. Một khi đại học làm đúng như vậy, không một cơ quan nhà nước hay tư nhân nào can thiệp vào các hoạt động của nhà trường”, như GS. Trần Đức Viên từng trả lời phỏng vấn trên Tia Sáng.
[1] https://baoquocte.vn/hieu-truong-truong-dai-hoc-noi-gi-ve-tu-chu-dai-hoc-va-tang-hoc-phi-193620.html
Hà Trang
Link nội dung: https://pld.net.vn/tu-chu-dai-hoc-nua-mung-nua-lo-a8031.html