Người trẻ muốn mua nhà nhưng ngại vay ngân hàng

“Giờ muốn mua nhà thì chỉ có nước đi lấy chồng thôi”, chị Nga (28 tuổi) nửa đùa nửa thật khi nói về phương án mua nhà ở thời điểm hiện tại. Theo chị Nga, việc tự thân mua nhà là điều “bất khả thi” đối với một nhân viên văn phòng như chị.

vay-mua-nha-3-1661314239.jpeg
Hình minh họa.

“Nhiệm vụ bất khả thi”

Chị Kiều My (28 tuổi, Hà Nội), chia sẻ với bạn bè mong muốn mua nhà để sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, khi trao đổi về giá nhà hiện tại và kế hoạch tài chính, chị cảm thấy kế hoạch “an cư lạc nghiệp” quá khó khăn.

“Hiện tại, thu nhập hàng tháng của tôi dao động trong khoảng 12-15 triệu đồng. Sau khi chi trả các khoản chi phí cơ bản như tiền nhà, ăn uống, tiêu xài,… tôi tiết kiệm được khoảng 2-5 triệu/tháng. Tính cả thưởng lễ, tết thì một năm tôi sẽ dành dụm được khoảng 80-100 triệu đồng. Vậy thì 10 năm tôi mới kiếm được 1 tỉ đồng, chỉ mới bằng 1/3 giá căn hộ chung cư hiện tại”, chị My tâm sự.

Khi được hỏi về phương án vay tiền ngân hàng để thực hiện mong muốn mua nhà, chị My do dự.

“Giờ muốn đủ tiền mua nhà thì ít nhất cũng phải vay 1-2 tỉ đồng. Nếu mua nhà cũ thì không có tài sản thể chấp để vay, còn mua dự án mới thì phải chờ đợi dự án hoàn thành. Trong thời gian đó vừa phải trả tiền vay mua nhà vừa phải chi trả tiền thuê trọ hàng tháng. Sẽ rất khó để cân bằng chi phí và đảm bảo cuộc sống vì hiện tại tôi đã chi tiêu rất tiết kiệm rồi”, chị My cho biết.

Chị My cho biết thêm rằng những tính toán của chị đang lấy những điều kiện thuận lợi nhất. Trên thực tế cuộc sống nơi thành thị quá nhiều vấn đề phải lường trước như các khoản chi phí phát sinh (đau ốm, tiền mừng), thu nhập bị ảnh hưởng, biến động giá cả thị trường,…

vay-mua-nha-2-1661314239.png
Nhiều người trẻ tính đến phương án kết hôn để có thể mua nhà (Hình minh họa).

Diễn giải thêm về câu nói “giờ muốn mua nhà thì chỉ có nước đi lấy chồng”, chị Nga hy vọng lấy chồng sẽ có thêm một người chia sẻ gánh nặng tài chính. “Nếu may mắn, sau khi kết hôn sẽ có một khoản tiền nhất định. Và bố mẹ hai bên cũng sẽ giúp đỡ nếu vợ chồng trẻ có ý định mua nhà”, chị Nga cho biết.

Song, chị cũng hiểu đây không phải là phương án đảm bảo. Chị Nga cho rằng kể cả được hỗ trợ thì cũng phải vay ngân hàng mới có thể mua nhà ở thời điểm hiện tại. Sau khi kết hôn sẽ phải lên kế hoạch tài chính để sinh con. Việc phải vừa trả nợ vừa nuôi con sẽ là một bài toán kinh tế khó giải đối với các gia đình có mức thu nhập tầm trung.

Vay khó, trả nợ cũng khó

Minh Tú (28 tuổi) cho biết anh đã mua được một căn nhà ở TP.HCM, nhưng lúc này đang phải đau đầu với việc trả nợ.

Căn hộ anh Tú sở hữu có giá 2,2 tỉ đồng, thêm chi phí nội thất nữa là 2.6 tỉ đồng. Anh mua nhà trong thời điểm chỉ có trong tay 300 triệu đồng. Để có thể mua nhà, anh đã phải vay ngân hàng 500 triệu đồng, nhờ gia đình thế chấp mảnh đất ở quê để vay thêm 1 tỉ đồng nữa, số tiền còn lại anh vay bạn bè, người thân. Sau khi tính toán, mỗi tháng anh Tú sẽ phải bỏ ra 50 triệu đồng để trang trải các khoản nợ. Đây là một con số không nhỏ đối với một người dưới 30 tuổi.

Để có thể đảm bảo phương án tài chính, anh Tú phải tìm thêm một công việc hành chính để làm bên cạnh điều hành cơ sở kinh doanh thời trang sẵn có. Trong thời điểm thuận lợi thì 2 nguồn thu nhập của anh Tú chỉ vừa đủ để trả nợ và các duy trì chi phí cuộc sống, không dư dả để có một khoản dự phòng cho các tình huống phát sinh.

Tuy nhiên, trường hợp anh Tú vẫn được đánh giá là “may mắn” khi quá trình vay vốn diễn ra thuận lợi. Anh Tú cho biết nhiều bạn bè của anh đã tìm đến ngân hàng để vay mua nhà nhưng bất thành do không đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn vay.

“Thời điểm mua nhà, ngân hàng yêu cầu tôi thực hiện các bước chứng minh tài chính như chụp hình đơn vị công tác, cửa hàng kinh doanh. Một số người bạn của tôi thể hiện sự ngần ngại do thu nhập chính của họ đến từ công việc bán thời gian, freelance,… không ổn định và khó chứng minh”, anh Tú cho biết.

vay-mua-nha-1-1661314239.jpg
Hiện người trẻ gặp nhiều khó khăn khi vay vốn mua nhà (Hình minh họa).

Hiện tại, ngân hàng vẫn đang duy trì động thái siết chặt tín dụng mua bất động sản.

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát nguồn tiền bắt đầu quay trở lại lĩnh vực sản xuất. Cùng với đó, những dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản như sốt đất ảo, chênh lệch cung cầu, giá nhà đất tăng ảo đã buộc cơ quan quản lý có biện pháp để kiểm soát thị trường.

Phát biểu trong một hội nghị gần đây, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho biết trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ thận trọng với việc rót tiền ra thị trường do vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng khi tăng trưởng tiền gửi dưới 5% mà tín dụng tăng hơn 9% (mức tăng nóng).

Dù phía ngân hàng cho biết vẫn sẽ hỗ trợ tín dụng cho các cá nhân có nhu cầu ở thực, nhưng các chuyên gia chỉ ra việc xác định nhu cầu của người vay thực sự rất khó. Hệ quả là người dân với nhu cầu nhà ở cấp thiết sẽ phải tìm đến những nguồn vốn trong xã hội như người thân, gia đình, thậm chí cả "tín dụng đen".

Bên cạnh đó, lãi suất vay đang neo ở mức cao cũng là lý do nhiều người trẻ ngần ngại vay ngân hàng trong thời điểm này.

Khảo sát tại một số ngân hàng trong tháng 8, lãi suất vay mua nhà cao nhất là 9%/năm và thấp nhất là 4,99%/năm. Trong đó, MSB vẫn tiếp tục là ngân hàng có lãi suất vay mua nhà thấp nhất ở mức 4,99%/năm, tuy nhiên mức lãi suất này chỉ cố định trong 3 tháng đầu, đến tháng thứ 4 sẽ thả nổi theo lãi suất thị trường.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), lãi suất cho vay thế chấp mua nhà trong nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục tăng. Sang đến năm 2023, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà có thể đi ngang ở mức 11,2%.

Bá Di

Link nội dung: https://pld.net.vn/nguoi-tre-muon-mua-nha-nhung-ngai-vay-ngan-hang-a8206.html