Thị trường trái phiếu sẽ ra sao nếu sửa Nghị định 153?

Giới chuyên gia cho rằng sửa Nghị định 153 sẽ giúp thị trường lành mạnh hơn, an toàn hơn cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư.

thi-truong-trai-phieu-se-ra-sao-neu-nghi-dinh-153-duoc-sua-doi-1661417480-1661431638.jpg
Giới chuyên gia cho rằng sửa Nghị định 153 sẽ giúp thị trường lành mạnh hơn, an toàn hơn cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết các doanh nghiệp bất động sản đang gặp vướng mắc về vốn đối với kênh trái phiếu doanh nghiệp. Để xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc, dài hạn cho thị trường này cần sớm xây dựng đạo luật về trái phiếu doanh nghiệp, các nước khác trên thế giới họ cũng làm rất nhiều.

“Đơn giản là chúng ta học tập kinh nghiệm của họ, nhưng khi áp dụng vào Việt nam cần sáng tạo, cẩn trọng, thế giới đã làm nhiều năm nay. Đây cũng là bài học trong xây dựng chính sách”, ông Nghĩa lý giải.

Vấn đề thứ hai, theo ông Nghĩa, ngoài pháp lý là những kinh nghiệm về quản lý, đặc biệt là xếp hạng tín nhiệm. Các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư trong cộng đồng không thể nhìn vào bảng cân đối tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo dòng tiền,… để quyết định đầu tư. Họ đơn giản quan tâm chuyện doanh nghiệp đó được xếp hạng như thế nào.

Với nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư lớn, dài hạn, họ có thể nghiên cứu sâu hơn là trình độ quản trị, các dự án trong quá khứ và trong tương lai, nhưng nhà đầu tư nhỏ lẻ họ chỉ nhìn vào xếp hạng thôi.

Theo dự đoán của chuyên gia này, từ nay đến cuối năm có 112.000 tỉ đồng giá trị trái phiếu đáo hạn. Trong đó, khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2%, đây là con số rất lớn.

Trái phiếu doanh nghiệp có lợi thế là không phải kiểm tra sở hữu vốn, không phải trả gốc ngay, chỉ trả lãi. Nếu đáo hạn có thể phát hành trái phiếu mới để đảo nợ.

Ông Nghĩa cho rằng, đảo nợ là một thuật ngữ không xấu, bắt buộc như vậy vì kỳ hạn ngắn 3 năm nên phải đảo lên thành 6 năm, 9 năm.

Nhắc lại giai đoạn trước, trái phiếu của Chính phủ không thể phát hành kỳ hạn dài 1 năm, 3 năm, giải ngân đầu tư công chưa xong đã đáo hạn trái phiếu. Cuối cùng Chính phủ hạ quyết tâm tìm mọi cách để đẩy kỳ hạn trái phiếu Chính phủ lên 5-10 năm, thậm chí 30 năm.

Trong vòng 3 năm chúng ta làm được điều đó một cách minh bạch. “Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn thời hạn xông xênh, nếu cũng làm được như vậy với doanh nghiệp thì quá tốt”, ông Nghĩa nhận định.

Chuyên gia này kiến nghị, từ nay đến cuối năm phải ra được Nghị định 153 sửa đổi về phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu.

Các doanh nghiệp bất động sản có dư nợ trái phiếu lớn, thời gian đáo hạn trong kỳ tới cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch chi trả, bao gồm mạnh dạn phát hành trái phiếu mới hoặc bán các dự án, tài sản dở dang.

Bên cạnh đó, phải có một kế hoạch xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để có được nguồn vốn trung dài hạn lâu dài.

Cuối cùng là các doanh nghiệp không nên phát hành chịu lãi suất cao, không được bán các dự án đang có để giải quyết nợ trái phiếu, tránh để mất uy tín và nhanh chóng đăng ký xếp hạng, bảo mật thông tin.

Nói về kỳ vọng đối với những điểm thay đổi của Nghị định 153, ông Nghĩa cho rằng không nên kỳ vọng vào một văn bản pháp lý sẽ như thế nào.

Song để thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh thì các nhà làm luật phải hiểu rằng trái phiếu phát hành ra công chúng là quan trọng nhất.

Nếu cứ ồ ạt phát hành riêng lẻ thì thị trường không thể minh bạch hơn được và việc xếp hạng tín nhiệm trở nên vô nghĩa. Ai đầu tư lỗ thì phải chịu, không thể trách ai được.

“Tôi cho rằng, quy định mới phải làm thế nào hạn chế tối đa việc phát hành riêng lẻ và mở rộng tối đa việc phát hành ra công chúng”, ông Nghĩa nói.

Vị này đánh giá, từ nay đến cuối năm chưa phải là thời điểm chúng ta đưa ra được quy định căn cơ, mà đây là thời điểm chống chọi với những nguy cơ trước mắt và khắc phục những nguy cơ gây đổ bể lớn cho hệ thống tài chính.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Nghị định 153 sửa đổi chắc chắn sẽ phải theo hướng thận trọng và chặt chẽ hơn, nhưng quan trọng phải đúng lúc, đúng đối tượng.

Liên quan đến nhà đầu tư, rõ ràng phải chuyên nghiệp hơn, tiêu chí phải cao hơn, chủ thể phát hành phải minh bạch hơn, các đơn vị trung gian cũng phải được chuẩn hóa.

Bên cạnh đó, việc mua đi bán lại trái phiếu trên thị trường thứ cấp cũng phải rõ ràng và chuyên nghiệp hơn.

Liên quan đến việc phát hành ra công chúng, kênh này phải mở rộng hơn, thông thoáng hơn chứ không phải mất quá nhiều quy trình thủ tục để xin phát hành.

Cuối cùng, ông Lực cho rằng, sửa Nghị định 153 chắc chắn sẽ giúp thị trường lành mạnh hơn, an toàn hơn cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, song song với đó phải sửa Nghị định 156 liên quan đến chế tài để xử phạt những trường hợp vi phạm.

Tâm An

Link nội dung: https://pld.net.vn/thi-truong-trai-phieu-se-ra-sao-neu-sua-nghi-dinh-153-a8227.html