Sự trở lại của căn bệnh bị lãng quên
Những quy định nghiêm ngặt trong hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh đậu mùa khỉ do Bộ Y tế ban hành vào ngày 22/8 vừa qua, chẳng hạn như đo thân nhiệt tại cửa khẩu, cách ly tạm thời những người có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh,... khiến nhiều người nhớ về thời điểm bắt đầu đại dịch COVID-19 cách đây gần ba năm. Dù chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ nào ở Việt Nam song “chúng ta phải luôn sẵn sàng bởi bất cứ khi nào cũng có nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta”, PGS.TS. Phạm Quang Thái ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, giải thích về việc phải chủ động “phòng xa” căn bệnh này trong tọa đàm trực tuyến “Đậu mùa khỉ và nguy cơ cho Việt Nam” do Mạng lưới tri thức số MetaMinds tổ chức vào ngày 18/8 vừa qua.
Điều may mắn là khác với COVID-19, đậu mùa khỉ không phải là một căn bệnh mới. Trong khi cả thế giới mò mẫm tìm hiểu về COVID-19, thậm chí đến nay vẫn còn tranh cãi về nguồn gốc của virus gây ra đại dịch này, thì đậu mùa khỉ vốn là một căn bệnh bị lãng quên. “Đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958, những con khỉ trong phòng thí nghiệm ở Đan Mạch đã bị nhiễm căn bệnh này. Khi đó, người ta đặt tên là đậu mùa khỉ vì nghĩ rằng đây là bệnh đặc hữu của loài khỉ. Nhưng đến năm 1970, người ta lại phát hiện ra người đầu tiên nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ở Congo, sau đó, liên tiếp ghi nhận những ca bệnh lẻ tẻ, trong giai đoạn 1996-1997, đã ghi nhận 88 trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ ở Congo. Đến năm 2003, ở Mỹ đã phát hiện 70 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Từ đó đến nay, nhiều quốc gia đã ghi nhận các ca mắc đậu mùa khỉ, vì số lượng ít và rải rác nên người ta nghĩ rằng đây là bệnh lây từ động vật sang người là chính, chứ chưa lo ngại nhiều về việc bùng nổ các đợt dịch lớn lây nhiễm từ người sang người”, PGS.TS. Phạm Quang Thái cho biết.
Nhưng chỉ trong vài tháng qua, số ca mắc đậu mùa khỉ bất ngờ tăng lên nhanh chóng, từ vài chục ca được phát hiện ở một số quốc gia châu Âu hồi đầu tháng Năm, đến nay đã lan rộng tới hơn 70 quốc gia trên thế giới với hàng chục ngàn ca bệnh. Do vậy, “để tránh những bài học từ COVID-19 khi đưa ra quyết định quá muộn màng”, vào cuối tháng bảy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Điều đáng lo ngại là các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là những nước láng giềng với Việt Nam như Thái Lan, Campuchia đều đã xuất hiện các ca mắc đậu mùa khỉ. Nguy cơ dịch bệnh ở Việt Nam là điều khó tránh khỏi, theo PGS.TS. Phạm Quang Thái, bởi lẽ “hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều là nhập cảnh từ các quốc gia có dịch bệnh, trong khi hiện nay, chúng ta đã mở cửa du lịch và giao thương rất nhiều”.
Nguy cơ virus biến đổi
Virus gây bệnh đậu mùa khỉ thuộc họ Poxviridae, giống Orthopoxvirus, là họ hàng với virus gây ra bệnh đậu mùa. “Đây là virus DNA ở dạng hai sợi (chuỗi kép) chứ không phải là một sợi như SARS-CoV-2, nên chúng có khả năng bền vững, ít biến đổi hơn rất nhiều so với COVID-19”, bác sĩ Đỗ Tuấn Anh ở Trung tâm Nhi khoa, bệnh viện Bạch Mai cho biết. Chẳng hạn, các nhà khoa học đã phân tích và thấy rằng chủng virus đậu mùa khỉ ở Anh năm 2022 chứa 48 đột biến đơn lẻ so với năm 2018. Tuy nhiên, 27 trong số đó là đột biến “im lặng” vì không thay đổi protein nào nên không gây nguy hiểm.
Virus đậu mùa khỉ nằm trong số các loại virus lây nhiễm từ động vật sang người, thường lưu hành trên các loài động vật gặm nhấm như chuột và các loài linh trưởng như khỉ. Vậy động vật có thể bị nhiễm ngược lại hay không? Điều đáng lo ngại là có. Gần đây trên thế giới đã phát hiện ra một trường hợp chó nhiễm đậu mùa khỉ nghi do lây nhiễm từ người. Tình trạng lây lan giữa người và động vật kéo theo rất nhiều nguy cơ, bởi nếu ở người, chúng ta có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát thì với động vật, đặc biệt là động vật hoang dã, sự lây nhiễm gần như là không biên giới. “Việc phòng chống bệnh đậu mùa khỉ không chỉ đơn giản là từ người sang người mà còn từ động vật sang người. Việt Nam cũng như các quốc gia châu Phi, đều thịnh hành việc ăn thịt thú rừng, chẳng qua thú rừng ở Việt Nam chưa nhiễm virus. Nhưng tôi rất lo trong trường hợp lây nhiễm cộng đồng rồi thì động vật hoang dã, vật nuôi cũng có thể nhiễm bệnh”, PGS.TS. Phạm Quang Thái nhận xét.
Người mắc đậu mùa khỉ có các triệu chứng khá giống đậu mùa như sốt, phát ban,… nhưng ít nghiêm trọng hơn. Thống kê cho thấy con đường lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc gần, đặc biệt những người có quan hệ đồng tính nam chiếm tỉ lệ lớn. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh đầy đủ vì số liệu thống kê dựa trên những người có khai báo, “còn những người không thông báo gì về tình trạng của họ thì chúng ta rất khó phân tích”, PGS.TS. Thái nhận định. Theo thống kê của WHO, tỉ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ rơi vào khoảng từ 0-11%, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng người bệnh (trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch, có bệnh nền,… có nguy cơ cao hơn), khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe,... Theo CDC Hoa Kỳ, tỉ lệ tử vong của các trường hợp nhiễm virus đậu mùa khỉ nhánh Tây Phi - một trong hai nhánh chính đang lưu hành, bên cạnh nhánh Trung Phi, sẽ ở mức thấp hơn, dao động khoảng 1%. WHO cũng cho rằng những con số này có thể bị đánh giá quá cao vì việc giám sát bệnh đậu mùa khỉ trước đây vẫn còn hạn chế.
Với tỉ lệ tử vong thấp, virus lại ít biến chủng - dễ đối phó hơn nhiều so với COVID-19, liệu chúng ta có đang quá “lo xa” về bệnh đậu mùa khỉ? “Dù số lượng tử vong không nhiều nhưng với mức độ lây nhiễm mất kiểm soát như hiện nay, bệnh đậu mùa khỉ vẫn được xếp vào diện nguy hiểm. Chúng ta cũng phải lo nguy cơ biến chủng bởi cứ khi nào bệnh dịch lây nhiễm ở mức độ cao thì virus đó sẽ biến đổi, nó sẽ mượn một số thành phần di truyền của đối tượng mà nó nhiễm vào, từ đó dễ lây nhiễm hơn. Điều này gần như chắc chắn đúng với các loại virus nhảy từ động vật sang người cho đến thời điểm hiện tại”, PGS.TS. Phạm Quang Thái giải thích. “Ví dụ về một phân tích di truyền đậu mùa khỉ tại Mỹ, người ta bắt đầu thấy xuất hiện hàng loạt biến chủng phụ. Khi virus nhân lên 1000 lần thì sẽ có nguy cơ đột biến. Nếu đột biến đủ lớn thì sẽ tạo ra biến chủng, khi biến chủng đó tăng khả năng bám dính, giống như COVID-19 thì sẽ dẫn đến tăng nguy cơ lây nhiễm. Nhiều quốc gia cũng phát hiện thấy sự khác biệt về kiểu gene của các virus đậu mùa khỉ đang lưu hành ở nơi đó”.
Chủ động ứng phó ở Việt Nam
Trước những nguy cơ tiềm ẩn của đậu mùa khỉ, Việt Nam đã nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động giám sát và chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh. “Theo xếp hạng bốn nhóm quốc gia, Việt Nam thuộc nhóm 1 - các quốc gia ‘sạch’, chưa có trường hợp mắc đậu mùa khỉ nào được xác định từ trước đến nay. Tuy nhiên, các quốc gia này đều có nguy cơ lây nhiễm từ nhập cảnh. Do vậy, Chính phủ và Bộ Y tế đã đưa ra hàng loạt văn bản hướng dẫn cách thức phòng chống dịch và các kịch bản đối phó”, PGS.TS. Phạm Quang Thái cho biết. Chẳng hạn, theo hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh đậu mùa do Bộ Y tế mới ban hành ngày 22/8, việc giám sát ca bệnh đậu mùa khỉ tại cửa khẩu sẽ thông qua đo thân nhiệt, giám sát kiểm dịch viên y tế hoặc nhận thông tin từ người nhập cảnh chủ động khai báo. Trường hợp nghi ngờ mắc bệnh sẽ được chuyển đến nơi cách ly tạm thời và khai thác yếu tố dịch tễ và khám sơ bộ, dựa vào kết quả sẽ đưa về cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị hoặc tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày.
Kinh nghiệm từ COVID-19 cho thấy, việc thiết lập hệ thống giám sát đóng vai trò rất quan trọng trong kiểm soát bệnh dịch. “Đến nay, hệ thống giám sát đậu mùa khỉ hoạt động tốt nhất vẫn là khu vực châu Phi, các quốc gia khác cũng bắt đầu chuyển đậu mùa khỉ vào hệ thống giám sát. Tương tự COVID-19, với đậu mùa khỉ, người ta cũng tiến hành truy vết, nhờ đó phát hiện ra những người đi từ vùng dịch về đã tạo ra các ổ dịch như thế nào, nhờ đó, họ đã truy được rất nhiều vụ dịch và kết nối được nguồn gốc của các đợt dịch với nhau”, PGS.TS. Phạm Quang Thái nói.
Để chuẩn bị trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã đề nghị các đơn vị sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tăng cường nghiên cứu, cập nhật xu thế nghiên cứu phát triển thuốc và vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, đồng thời tiếp cận các nguồn cung nguyên liệu, nhập khẩu về Việt Nam để chủ động nghiên cứu và sản xuất. “Một trong những biện pháp phòng chống đặc hiệu nhất trong thời điểm này là vaccine”, PGS.TS. Phạm Quang Thái nhận xét.
Tuy nhiên, làm thế nào để có được nguồn cung vaccine đậu mùa khỉ nhằm đáp ứng tình trạng dịch bệnh hiện nay là một thách thức lớn. “Trước đây, người ta thấy rằng vaccine Ankara phòng đậu mùa cũng có tác dụng phòng đậu mùa khỉ, vì hai virus này cùng một nhánh. Nhưng đến năm 1980, thế giới tuyên bố đã thanh toán được bệnh đậu mùa, tất cả các phòng thí nghiệm trên thế giới đã hủy toàn bộ virus đậu mùa lưu trong phòng thí nghiệm. Việc tiêm phòng đậu mùa được dừng lại - đây chính là lí do tại sao bệnh đậu mùa khỉ sau đó lại xuất hiện”. Hiện nay, vaccine đậu mùa khỉ được cấp phép ở Mỹ là MVA (vaccine Ankara biến đổi) đã có trong kho dự trữ của Mỹ từ trước. Những quốc gia bắt đầu nghiên cứu phát triển vaccine như Việt Nam có lẽ phải chờ đợi rất lâu: “Sở dĩ chúng ta không có ngay vaccine vì việc sản xuất vaccine sống giảm độc lực như đậu mùa khỉ đòi hỏi quy trình tốn rất nhiều thời gian. Có lẽ chúng ta phải chờ đợi rất lâu mới có cơ hội tiếp cận vaccine”, PGS.TS. Phạm Quang Thái nhận xét.
Bên cạnh đó, sự chủ động của mỗi cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong phòng bệnh đậu mùa khỉ. Bởi lẽ, “bệnh đậu mùa khỉ có thời gian ủ bệnh quá dài, từ 5-21 ngày, những biểu hiện ban đầu cũng dễ nhầm lẫn với bệnh khác, nên ý thức tự theo dõi sức khỏe của người dân là vô cùng cần thiết”, PGS.TS. Thái khuyến nghị.
Thanh An
Link nội dung: https://pld.net.vn/phong-chong-benh-dau-mua-khi-o-viet-nam-nhung-viec-can-lam-a8270.html