Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, trên địa bàn đang tồn tại 678 dự án chậm tiến độ từ năm 2015 đến nay. Trong đó, dự án nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở khu đô thị Thủ Thiêm, Thành phố Thủ Đức (hay còn gọi là nhà hát Thủ Thiêm) phải tạm dừng triển khai.
Năm 2018, tại kỳ họp thứ X (kỳ họp bất thường) HĐND TPHCM khóa IX nhất trí thống nhất chủ trương đầu tư nhà hát với kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng. Dự án nhà hát Thủ Thiêm được xây dựng tại khu chức năng số 1 thuộc khu đô thị Thủ Thiêm. Tổng diện tích xây dựng nhà hát hơn 20.000 m2. Trong đó, hơn 10.000 m2 là diện tích đất phát triển dự án, phần diện tích còn lại để trồng công viên cây xanh. Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch dự kiến có 10 tầng (chiều cao tối đa 48 m), trong đó có khu biểu diễn gồm khán phòng 1.200 chỗ và khán phòng 500 chỗ.
Theo thông tin ghi nhận từ người dân, nhà hát Thủ Thiêm đã dừng xây dựng hơn 1 năm nay. Là một công trình văn hóa mang tính biểu tượng của Thành phố, mặc dù tạm dừng nhưng vẫn có bảo vệ túc trực trông coi tránh tình trạng trộm cắp hoặc phá hoại. Bên cạnh đó, theo định kỳ sẽ có Ban Quản lý dự án đến tu sửa nhà hát tránh bị hư hỏng trong thời gian tạm dừng xây dựng. Xung quanh khu vực nhà hát là các công trình xây dựng chung cư cao cấp kết hợp trung tâm thương mại đang "hăng say" hoạt động như dự án The Petropole Thủ Thiêm và The Opera Residences.
Ưu tiên hơn các vấn đề an sinh
Theo giải trình của Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình dân dụng công nghiệp TPHCM (chủ đầu tư nhà hát Thủ Thiêm), vào thời điểm đề xuất nhu cầu xây dựng nhà hát là cần thiết. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn tới toàn bộ nền kinh tế - xã hội của Thành phố nên cần ưu tiên hơn cho việc đầu tư các vấn đề an sinh xã hội và kích thích các ngành nghề phát triển.
Theo thông tin có được, ban đầu quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà hát Thủ Thiêm thuộc danh mục nhóm A, tức đầu tư bằng ngân sách Thành phố, cụ thể kinh phí xây dựng lấy từ bán "khu đất vàng" 23 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1. Sau đó, chủ đầu tư đề xuất nâng mức đầu tư từ gần 1.500 tỷ đồng lên hơn 2.000 tỷ đồng và điều chỉnh thời gian triển khai đến năm 2024.
Bao giờ mới được bố trí vốn
Hiện nay dự án vẫn đang chờ các thủ tục chờ nguồn vốn đầu tư và chưa được ưu tiên bố trí vốn. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết ngay khi Thành phố được tăng trần vốn đầu tư trung hạn thì dự án nhà hát Thủ Thiêm có thể tiếp tục đưa vào danh sách phân bổ vốn để triển khai.
Theo một chuyên gia văn hóa đô thị cho biết: Việc xây dựng một công trình văn hóa nghệ thuật xứng tầm là xu hướng khách quan trong quá trình hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, nguồn thu từ nhà hát nghìn tỷ đã được nhìn nhận như là cơ hội phát triển của nhiều quốc gia. Ví dụ, nhà hát Sydney Opera House mỗi năm đóng góp hơn 800 triệu USD cho nước Úc. Nhiều quốc gia trên thế giới coi việc bảo tồn, tu bổ, xây dựng các công trình văn hóa là động lực phát triển kinh tế cũng như nâng cao hình ảnh bộ mặt quốc gia.
Mặc dù dự án nhà hát Thủ Thiêm phải tạm dừng xây dựng nhưng các khu đất khu vực xung quanh vẫn đang "náo nhiệt hoạt động". Cụ thể, dự án chung cư cao cấp The Opera Residences, The Metropole Thủ Thiêm đang xây đến tầng thứ 10 trong tổng số 20 tầng. Bên cạnh đó, ở khu đất phía trước nhà hát là nơi tụ tập thả diều của người dân. Theo quan sát của PV, nhà hát được xây dựng trong khu đất có nhiều thuận lợi từ giao thông tới cơ sở tiện nghi xung quanh khu vực. Dự đoán trong tương lai khi nhà hát Thủ Thiêm tái xây dựng sẽ là một trong những điểm đến văn hóa - du lịch hàng đầu khu vực phía Nam.
Lan Anh
Link nội dung: https://pld.net.vn/can-canh-nha-hat-nghin-ty-o-thu-thiem-phai-tam-dung-nguyen-nhan-la-do-dau-a8358.html