Cuộc khủng hoảng của ngành bất động sản Trung Quốc đã gây ra hệ quả đáng kể lên nền kinh tế của quốc gia này, vốn đang bị căng thẳng do chính sách “zero-COVID” khắc nghiệt mà Bắc Kinh đang theo đuổi cũng như tốc độ tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại. Theo ước tính, bất động sản chiếm 30% GDP của Trung Quốc, gấp đôi so với tỷ trọng của ngành này tại Mỹ.
Mặc dù một số nhà phân tích tin rằng thị trường bất động sản Trung Quốc đã chạm đáy, nhưng các tác động tiêu cực của ngành dự kiến sẽ còn kéo dài. Vào tháng 7 vừa qua, tổ chức xếp hạng S&P Global Ratings ước tính rằng giá bất động sản tại Trung Quốc sẽ giảm 30% trong năm 2022, một mức giảm tồi tệ hơn cả trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nếu giá nhà tiếp tục giảm, Trung Quốc khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra cho năm nay.
Alicia García-Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của công ty Natixis ở Hồng Kông, cho biết các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc nắm giữ một khoản nợ nước ngoài tương đối nhỏ, do vậy không thể gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu như sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers ở Hoa Kỳ trước đây.
Nhưng quy mô kinh tế Trung Quốc chiếm gần 1/5 GDP toàn cầu, nên sự suy thoái sâu sắc của thị trường nhà ở vẫn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng thế giới.
“Các tác động lên nền kinh tế toàn cầu chủ yếu là do tăng trưởng vĩ mô rất thấp của Trung Quốc, chứ không đơn thuần là hệ quả tài chính từ khủng hoảng bất động sản”, García-Herrero cho biết.
“Tuy nhiên, nếu các ngân hàng Trung Quốc không thể giải quyết cú sốc này và các khoản nợ xấu của họ tăng lên ồ ạt dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc, thì sẽ ngay lập tức tạo ra một sự kiện giống như nước Nhật trong những năm 80 và 90. Có nghĩa là các khoản nợ xấu và việc không có vốn tín dụng sẽ khiến nền kinh tế trở nên yếu kém và dẫn tới tình trạng đình lạm. Tuy nhiên, đây không phải là một sự kiện kiểu Lehman”, ông nói.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã ước tính rằng GDP của Trung Quốc cứ giảm 1 điểm phần trăm thì GDP toàn cầu giảm 0,3%.
Trong một nghiên cứu năm 2019 của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, các nhà kinh tế ước tính rằng GDP của Trung Quốc cứ giảm 8,5% sẽ dẫn đến các nền kinh tế tiên tiến giảm 3,25% và các nền kinh tế mới nổi giảm gần 6%.
Trung Quốc khó có thể trải qua một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng như kịch bản trên. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chứng kiến một đợt sụt giảm kéo dài, ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc và tăng trưởng toàn cầu trong những năm tới.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang sở hữu nhiều công cụ sắc bén để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện ngay lập tức, nhờ vào mức độ kiểm soát rất cao đối với hệ thống tài chính.
“Họ có các công cụ để ngăn chặn tác động lây lan về mặt tài chính và sự sụp đổ của các dòng vốn tín dụng thông qua việc kiểm soát các bên cho vay, tránh chuỗi vỡ nợ lan rộng”, một chuyên gia nói.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có thể đối mặt với nền kinh tế bị đình trệ trong các năm tới sau nhiều thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ.
Vị chuyên gia trên cho biiết: “Trung Quốc có thể chứng kiến một giai đoạn dài có tốc độ tăng trưởng chậm lại, giống như kịch bản của Nhật Bản trước đây, một kiểu suy thoái dần dần trong nhiều năm. Cuộc suy thoái này thậm chí có thể không gây ra tình trạng sụt giảm tài chính nghiêm trọng và đột ngột hoặc hoảng loạn trên thị trường”.
Link nội dung: https://pld.net.vn/khung-hoang-bat-dong-san-trung-quoc-de-doa-trien-vong-kinh-te-toan-cau-a8381.html