Ít có nơi nào định hình lịch sử Á - Âu nhiều như khu vực Cận Đông cổ đại. Nông nghiệp và một số nền văn minh đầu tiên trên thế giới ra đời ở khu vực này, và đây cũng là quê hương của người Hy Lạp cổ đại, thành Troy và Đế chế La Mã. Nhưng một trong những công cụ mạnh mẽ nhất để làm sáng tỏ quá khứ, DNA cổ đại, ít có tác dụng trong khu vực này vì DNA bị phân hủy nhanh chóng trong điều kiện khí hậu nóng.
Mới đây, trong ba bài báo trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu cho biết đã tìm ra tổ tiên của những người đầu tiên thuần hóa động thực vật và định cư thành các làng mạc, qua lăng kính di truyền.
Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy nghề nông bắt đầu ở Anatolia thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay vào thời kỳ đồ đá mới; và thủy tổ của nghề nông, những người đã thử nghiệm trồng lúa mì và thuần hóa cừu và dê khoảng 10.000 năm trước, không chỉ đơn giản là hậu duệ của quần thể người săn bắn hái lượm trong khu vực.
Theo một nghiên cứu xuất bản vào tháng 3, những người nông dân Anatolia cổ đại có nguồn gốc từ quá trình hòa huyết liên tục giữa các nhóm săn bắn hái lượm khác nhau đến từ châu Âu và Trung Đông. Nghiên cứu này giải trình tự bộ gen của 15 người săn bắn hái lượm và những người nông dân sơ khai sống ở Tây Nam Á và châu Âu.
Với bộ dữ liệu lớn hơn, phương pháp trích xuất tốt hơn và so sánh các mẫu mới với dữ liệu hiện có, nghiên cứu mới trên Science xác định được chính xác thời điểm xảy ra các cuộc di cư đến Anatolia, và những nhóm người nào đã để lại con cháu là những người nông dân đầu tiên.
Nghiên cứu mô tả DNA của hơn 700 cá nhân từ các khu chôn cất trải dài từ Croatia đến Iran ngày nay - khu vực mà các nhà nghiên cứu gọi là Southern Arc - trong khoảng thời gian hơn 10.000 năm. Các nhà di truyền học, đứng đầu là David Reich và Iosif Lazaridis thuộc Đại học Harvard, thu thập hàng nghìn mẫu xương, trích xuất và phân tích DNA trong gần 4 năm.
Kết quả, nghiên cứu xác định, có ít nhất hai cuộc di cư từ khoảng 10.000 đến 6.500 năm trước. Một cuộc di cư từ Iraq và Syria ngày nay đến Anatolia, và một cuộc di cư đến từ bờ biển Đông Địa Trung Hải. Hai nhóm này chung sống với nhau và với con cháu của những người săn bắn hái lượm trong khu vực Anatolia, sinh ra những người làm nông nghiệp đầu tiên. Vào khoảng 6.500 năm trước, quần thể này đã tạo thành một dấu hiệu di truyền riêng biệt.
Và rồi một đóng góp di truyền nữa đến từ phương đông khoảng 6.500 năm trước, khi những người săn bắn hái lượm từ Caucasus tiến vào khu vực này.
Sau đó, khoảng 5.000 năm trước, một nhóm người du mục từ thảo nguyên phía bắc Biển Đen, được gọi là Yamnaya - đã đến, bổ sung vào bức tranh di truyền nhưng không thay đổi nó. Lazaridis cho biết: “Những người ở South Arc chủ yếu đến từ các thành phần Levantine, Anatolian và Caucasus. Yamnaya giống như một lớp nước sốt, được thêm vào sau năm 3.000 TCN."
Câu chuyện này phù hợp với các dữ liệu khảo cổ học cho thấy nông nghiệp hình thành từ một mạng lưới những người di cư tương tác với nhau, các nhà nghiên cứu khác cho biết.
Link nội dung: https://pld.net.vn/them-nghien-cuu-xac-dinh-to-tien-cua-nhung-nguoi-dau-tien-lam-nong-nghiep-a8405.html