Thửa đất 1.000m2 có 15 người cùng đứng tên

Nhiều thửa đất nông nghiệp tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai dù chỉ có diện tích khoảng 1.000m2 nhưng có từ 10 – 15 người cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu. Chuyên gia pháp lý khuyến cáo, hình thức “góp gạo thổi cơm chung” này tuy không bị pháp luật nghiêm cấm nhưng lại chứa đựng nhiều rủi ro cho người mua.

bat-dong-san-nhon-trach-1-1662688945.jpg
Nhiều người cùng đứng tên chung khi mua đất ở Nhơn Trạch

Theo thông tin từ báo Đồng Nai, HĐND tỉnh này vừa tổ chức đoàn giám sát công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), các trường hợp đồng sử dụng, tách thửa trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.

Theo đó, trong hai năm 2021 – 2022, huyện Nhơn Trạch đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho gần 200 thửa đất với diện tích 120ha. Huyện này cũng đã giải quyết gần 2.800 hồ sơ tách thửa và chấp thuận cho nhiều người cùng đồng sử dụng trong hơn 830ha.

Cá biệt có nhiều lô đất nông nghiệp có diện tích khoảng 1.000m2 nhưng có từ 10 – 15 người cùng đồng sở hữu. Đoàn giám sát đã kiểm tra một số khu đất công nghiệp đã được người dân tách thửa, hiện đã làm đường, san lấp mặt bằng và xây dựng nhà trái phép.

Tình trạng nhiều người mua chung và cùng đứng tên đồng sở hữu bất động sản diễn ra khá phổ biến trên thực tế. Thậm chí, đã từng có trường hợp hàng trăm người cùng đứng tên trên một sổ đỏ gây xôn xao dư luận.

Cụ thể, vào tháng 5/2021, thông tin từ Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, qua thống kê trên địa bàn tỉnh này có 3.771 sổ đỏ đất nông nghiệp đồng sở hữu.

Trong đó, TP Vũng Tàu nhiều nhất với 1.445 sổ, tiếp đến là thị xã Phú Mỹ 1.020 sổ, Long Điền hơn 500 sổ, Đất Đỏ gần 500 sổ… Đặc biệt, tại TP Vũng Tàu có 125 sổ với số người đồng sở hữu từ 11 đến 50 người và có 8 sổ đứng tên từ 50 người trở lên. Cá biệt, có sổ đứng tên của 103 người.

Anh Tuấn, một nhà đầu tư bất động sản cho biết, tình trạng hai hay nhiều người cùng góp tiền mua đất rồi đứng chung tên trên sổ đỏ diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Đặc biệt, tại những thị trường bất động sản sôi động, giá đất tăng nhanh. Tuỳ khẩu vị của nhóm đầu tư họ có thể mua để lâu dài hoặc “lướt sóng”.

Hình thức này thích hợp cho những nhà đầu tư ít vốn, thậm chỉ chỉ vài chục triệu cũng có thể tham gia đầu tư bất động sản. Một số nhà đầu tư muốn mua lô đất có diện tích lớn để có giá rẻ hơn hoặc mua chung nhiều mảnh đất ở những vị trí khác nhau cũng lựa chọn phương án hùn vốn.

Ngoài ra, việc mua chung giúp nhà đầu tư có thêm nhiều ý kiến, nhiều góc nhìn khi đánh giá thị trường, lựa chọn sản phẩm đồng thời cũng giảm thiểu thiệt hại khi rủi ro được chia đều.

Anh Tuấn cho biết, trên thực tế nhiều người đã thắng lớn nhờ việc “góp gạo thổi cơm chung” tuy nhiên không phải mọi nhà đầu tư đều thu được quả ngọt. Nhất là khi các “cổ đông” bất đồng quan điểm.

nhon-trach-chung-so-1662688971.jpg
Nhiều rủi ro khi cùng đứng tên mua đất

Theo Luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn Luật sư TP.HCM, việc hai hoặc nhiều người cùng mua chung một thửa đất được xem là phương thức tiết kiệm chi phí cho những người không có điều kiện mua riêng một thửa đất hoặc mua chung để đầu tư. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

Rủi ro thứ nhất là khi đồng sở hữu là quyền định đoạt. Cụ thể, khi một người trong nhóm có nhu cầu chuyển nhượng với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của luật này.

Theo đó, chỉ cần một người trong nhóm không tán thành sẽ không thực hiện được các quyền trên. Ngoài ra, việc tách thửa cũng không dễ dàng vì phải đáp ứng được quy định về diện tích tối thiểu, quy hoạch sử dụng đất của địa phương theo từng giai đoạn.

Ngoài ra, dù giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất công nhận quyền sử dụng của các đồng sở hữu là như nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, phần tiền góp vốn của các đồng sở hữu không phải lúc nào cũng bằng nhau. Do đó, khi phân chia ranh giới để quản lý, sử dụng sẽ gặp nhiều khó khăn vướng mắc như trường hợp người góp ít lại sử dụng phần diện tích nhiều hơn và ngược lại. Nhiều trường hợp có thể dẫn đến mâu thuẫn, xảy ra tranh chấp hoặc thậm chí là có các hành vi vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, khi người nhiều đồng sở hữu thì không may một người nào đó đứng trên trên sổ đỏ mất không để lại di chúc hay ủy quyền hoặc không thể liên lạc được việc giao dịch mãnh đất đó sẽ vô cùng khó khăn. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp đi mua phải đất có nhiều người đồng sở hữu hay đứng tên hộ gia đình việc giao dịch bị kéo dài rất lâu, thậm chí không thể giao dịch được.

Trần Phong

Link nội dung: https://pld.net.vn/thua-dat-1000m2-co-15-nguoi-cung-dung-ten-a8571.html