Ngân hàng nào được “ưu ái” nới room tín dụng nhiều nhất?

Sau nhiều ngày sốt ruột chờ đợi, những thông tin mới nhất về nới room tín dụng đã được hé lộ. Thị trường kỳ vọng nhà điều hành sẽ thực hiện việc cấp room tín dụng ngay trong tháng 9 này.

image-20220908113502-1-1662691888.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Nhiều nguồn tin cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã gửi thông báo tới các ngân hàng thương mại về việc điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng mới của cả năm 2022, trong đó có khoảng 15 ngân hàng được nới room tín dụng lần này với các hạn mức khác nhau.

Nguồn tin từ TTXVN cho biết, bốn "ông lớn" ngân hàng và một số ngân hàng thương mại tư nhân có điểm chấm tốt hoặc tham gia tái cơ cấu đã được NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng từ 1 - 4%.

Trong đó, Sacombank (STB) là ngân hàng được cấp thêm room tín dụng nhiều nhất trong năm nay với 4%. Room tín dụng được cấp cho Agribank là 3,5%; HDBank (HDB) 3,4%; MBBank (3,2%); OCB (3,1%); VIB (3%). Vietcombank và Techcombank cùng được cấp thêm 2,7%. TPBank được bổ sung thêm 1,2%. Một số ngân hàng khác cũng được nới room nhưng ở mức khiêm tốn hơn. 

Trong thông tin báo chí sáng 7/9, NHNN không nêu rõ những ngân hàng nào được nới room tín dụng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh room tín dụng đợt này của ngân hàng vẫn dựa trên đơn đề nghị của các NHTM và căn cứ điểm xếp hạng của NHNN như: Kết quả xếp hạng từng TCTD theo Thông tư 52 (đã được sửa đổi, bổ sung); xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như: TCTD tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo NHNN, tính đến hết tháng 8/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 9,91%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Nhiều NHTM gần đây cũng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng được cấp từ đầu năm, khiến người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay.

Với Vietcombank, tính đến 30/6/2022, tín dụng của nhà băng này đã tăng tới 14,4%. Nếu tính thêm cả trái phiếu, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này ước tính đạt gần 14,6%, vượt khá xa so với hạn mức 10,5% được cấp trước đó.

Tăng trưởng tín dụng của MBBank đến cuối tháng 6/2022 đã là 14,25%, xấp xỉ mức trần 15% được NHNN cấp.

Với BIDV, năm nay ngân hàng này được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mức 10%. Tuy nhiên, hết tháng 6/2022, tín dụng đã tăng 9,8%. Nếu tính cả số dư nợ tín dụng cấp thông qua đầu tư trái phiếu, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm của nhà băng này đã vượt mức 11%.

Là ngân hàng được cấp thêm room tín dụng nhiều nhất 4% (mức cũ là 7%), Sacombank còn dư địa cho vay hơn 11.000 tỷ đến hết năm nay (tổng quy mô dư nợ hơn 400.000 tỷ đồng vào cuối quý II/2022).

Với ưu tiên kiểm soát lạm phát, NHNN vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm quanh mức 14%. Như vậy, dư địa tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống còn lại hơn 4% cho đến hết năm. Theo SSI Research, điều này tương đương với việc sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng. Con số này được cho là có thể phần nào giải toả “cơn khát” tín dụng nhưng khó có đáp ứng được hết nhu cầu vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Theo thống kê của NHNN, đến ngày 26/8, tín dụng tăng 9,91% so với cuối năm 2021, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay ở mức 14%. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong khi tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.

Khánh Chi

Link nội dung: https://pld.net.vn/ngan-hang-nao-duoc-uu-ai-noi-room-tin-dung-nhieu-nhat-a8589.html